Xây dựng Nông thôn mới ở Hà Nội

Đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại

- Thứ Tư, 24/11/2021, 06:47 - Chia sẻ
Kinh tế trang trại được xem là thành tố quan trọng phát triển nông nghiệp, nông thôn, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân thủ đô. Những năm qua, TP. Hà Nội đã không ngừng tạo điều kiện hỗ trợ các tổ chức, cá nhân phát triển kinh tế trang trại theo hướng tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao làm gia tăng giá trị, bảo đảm công tác bảo vệ môi trường.
Nhiều chủ trang trại ở Hà Nội đang nỗ lực ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, kinh doanh đem lại hiệu quả

Hiệu quả kinh tế cao, bền vững

Tính đến nay, trên địa bàn TP. Hà Nội có 1.558 trang trại với tổng doanh thu năm 2020 là trên 6.785 tỷ đồng. Theo Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí, kinh tế trang trại đang khai thác, sử dụng có hiệu quả đất đai, nguồn vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững. Đặc biệt, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho một bộ phận lao động nông thôn, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới (NTM).

Trang trại VAC của gia đình anh Nguyễn Văn Lâm (xã Cấn Hữu, Quốc Oai) nhiều năm qua luôn có doanh thu ổn định. Với hệ thống chuồng trại quy mô khép kín, ứng dụng kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học, thu nhập bình quân trang trại của anh Lâm đạt từ 3 - 5 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho 12 lao động với mức lương 6 - 7 triệu đồng/người/tháng. Anh Lâm cho biết, thuận lợi lớn nhất từ chăn nuôi trang trại quy mô lớn là hạn chế được dịch bệnh. Điển hình là đợt dịch tả lợn châu Phi vừa qua, trong khi nhiều hộ chăn nuôi phải lao đao thì gia đình anh không bị ảnh hưởng, vẫn xuất bán 100 con lợn thịt mỗi tháng và cho thu nhập ổn định.

Thời gian qua, dịch bệnh Covid-19 làm ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, kinh tế trang trại của Hà Nội vẫn ổn định, phát huy hiệu quả trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, góp phần bảo đảm nguồn cung nông sản cho người tiêu dùng thủ đô. Điển hình, trang trại chăn nuôi gà thịt sạch của gia đình chị Nguyễn Thị Thu Thoan (xã Hiền Ninh, Sóc Sơn). Trung bình mỗi tháng, trang trại xuất chuồng khoảng 1.000 con gà thịt, thậm chí có thời điểm không đủ gà để bán. Chị Thoan cho biết, gia đình chị sử dụng chế phẩm vi sinh trong xử lý môi trường chuồng nuôi, xây dựng hệ thống sản xuất khép kín từ nông trại đến bàn ăn. Cùng với một số chủ trang trại khác, chị Thoan đã liên kết với các đơn vị phân phối nông sản để đưa sản phẩm vào trường học, siêu thị, hệ thống bán lẻ. Nhờ đó, đầu ra cho gà thịt được bảo đảm dù trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp.

Theo đánh giá của các chủ trang trại, việc chăn nuôi quy mô tập trung giúp tiết kiệm chi phí đầu vào, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và có điều kiện áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất và chất lượng sản phẩm cũng được nâng cao. Bên cạnh đó, chăn nuôi tập trung, quy mô lớn giúp các hộ chăn nuôi có điều kiện liên kết với các HTX, doanh nghiệp để chủ động về đầu ra cho sản phẩm. Các hộ cũng có điều kiện hỗ trợ nhau cùng phát triển sản xuất. Nhờ đó, trong điều kiện dịch bệnh, nhiều trang trại vẫn “sống khỏe”.

Cần thêm cơ chế, chính sách hỗ trợ

Có thể khẳng định, kinh tế trang trại đã mang lại nguồn thu lớn cho người nông dân, tạo việc làm thường xuyên cho một bộ phận lao động nông thôn. Tuy nhiên, theo phản ánh của các địa phương, việc phát triển kinh tế trang trại vẫn còn gặp nhiều rào cản về chính sách đất đai, năng lực quản trị. Cụ thể, đất trang trại hiện nay chủ yếu là đất thuê hoặc đấu thầu nên không đủ điều kiện bảo đảm để tiếp cận nguồn vốn vay; các chủ trang trại chủ yếu chưa qua đào tạo nên khả năng quản lý sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, xúc tiến thương mại, liên kết tiêu thụ nông sản còn hạn chế.  

Theo Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí, những năm qua, thành phố đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ phát triển kinh tế trang trại. Chi cục Phát triển nông thôn thành phố cũng tổ chức các lớp tập huấn với hàng nghìn học viên là các chủ trang trại tham dự để nâng cao năng lực, trình độ sản xuất, kỹ năng lập phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả… Đặc biệt, các sở, ngành thành phố hết sức tạo điều kiện để chủ các trang trại tham gia hội chợ, triển lãm giới thiệu sản phẩm do Trung ương, thành phố tổ chức. Các huyện, thị cũng tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ, hướng dẫn các thủ tục chuyển đổi, chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất cho các chủ trang trại. Nhiều trang trại được thuê quỹ đất công ích để phát triển sản xuất...

Giai đoạn 2021 - 2025, Hà Nội đặt mục tiêu có 2.000 trang trại trở lên đạt chuẩn theo Thông tư số 02/2020/TT-BNNPTNT ngày 28.2.2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quy định tiêu chí kinh tế trang trại. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết: Sở sẽ kiến nghị thành phố có quy định cho phép các địa phương được gia hạn khi hết thời hạn thuê quyền sử dụng đất 5 năm, với điều kiện các chủ thể thuê đất làm trang trại hoạt động hiệu quả và tại thời điểm gia hạn không vi phạm quy định sử dụng đất. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp sẽ chú trọng tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực, trình độ quản trị cho các chủ trang trại. Đồng thời, bản thân các chủ trang trại cũng cần đổi mới tư duy, để gia tăng hàm lượng công nghệ cao vào trồng trọt, chăn nuôi; đẩy mạnh chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

____________

Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới TP. Hà Nội

Đào Cảnh