Đẩy mạnh tái canh cà phê gắn với phát triển bền vững

- Thứ Tư, 02/12/2020, 16:17 - Chia sẻ
Ngày 1.12, UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị tổng kết niên vụ cà phê 2019 - 2020 và tổng kết đánh giá chương trình tái canh cà phê giai đoạn 2014 - 2020 trên địa bàn tỉnh.

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Y Giang Gry Niê Knơng khẳng định, cà phê là cây trồng chủ lực, mặt hàng xuất khẩu chính của tỉnh. Phát triển cà phê đặc sản là hướng đi mới, phù hợp với nhu cầu tiêu dùng thế giới. Niên vụ cà phê 2020 - 2021, quan điểm của tỉnh sẽ tiếp tục duy trì diện tích cà phê sẵn có, đẩy mạnh tái canh cà phê gắn với phát triển cà phê bền vững. Tỉnh phấn đấu, sản lượng đạt 470.000 tấn, năng suất bình quân ước 25,44 tạ/ha, xuất khẩu đạt 230.000 tấn,

Niên vụ 2019 – 2020, diện tích cà phê toàn tỉnh là 208.109 ha, tăng 5.046 ha so với niên vụ trước; trong đó, diện tích cho sản phẩm là 190.678 ha, tăng 2.738 ha, năng suất bình quân đạt 24,99 tạ cà phê nhân/ha. Tổng sản lượng cà phê nhân ước đạt hơn 476.424 tấn, giảm 1.659 tấn so với niên vụ trước.

Diện tích tăng nhưng sản lượng giảm là do diện tích cà phê già cỗi chuyển đổi tái canh mới nhiều. Ngoài ra, ảnh hưởng bất lợi của thời tiết, khô hạn kéo dài trong mùa khô năm 2019 và xuất hiện những cơn mưa trái mùa ở một số địa phương ảnh hưởng đến đậu trái trên cây cà phê.

Về chương trình tái canh cà phê giai đoạn 2014 – 2020, đến tháng 9.2020, tỉnh Đắk Lắk có 35.408 ha cà phê đã tái canh.

Sau gần 6 năm triển khai, chương trình tái canh cà phê mang lại hiệu quả như: trẻ hóa vườn cây già cỗi hoặc sâu bệnh trên vườn cây năng suất thấp không có khả năng phục hồi, góp phần tăng năng suất, sản lượng cà phê. Sản lượng cà phê niên vụ 2012 - 2013 là 390.517 tấn tăng lên 476.424 tấn trong niên vụ 2019 - 2020.

Tỉnh hiện có hơn 45.670 ha cà phê sản xuất theo quy trình bền vững có chứng nhận, với 32.964 nông hộ tham gia. Mô hình trồng xen cây ăn quả như: bơ, sầu riêng và hồ tiêu, điều… trong vườn cà phê tái canh đang được nông dân áp dụng trên tổng diện tích gần 81.400 ha. Mô hình này mang lại hiệu quả kinh tế cao, vừa thu được sản phẩm trái cây vừa làm cây che bóng, chắn gió và hạn chế tình trạng bốc hơi nước trong mùa khô.

Đại diện huyện Ea Kar kiến nghị, tỉnh Đắk Lắk cần tăng cường đầu tư kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông phục vụ phát triển cà phê; có chính sách ưu đãi, khuyến khích liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp; có chính sách hỗ trợ nông dân về chuyển giao công nghệ, thiết bị phục vụ chế biến và bảo quản; tạo điều kiện cho nông dân thuận lợi vay vốn tái canh cà phê…

Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, năm 2020 Việt Nam gia nhập các Hiệp định thương mại tự do EVFTA, CPTPP, RCEP đã tạo nhiều cơ hội cho ngành hàng cà phê phát triển. Tuy nhiên, để nắm bắt được các cơ hội này, ngành hàng cà phê Việt Nam nói chung và cà phê Đắk Lắk nói riêng cần thật sự quan tâm đến phát triển cà phê bền vững, đăng ký bảo hộ cà phê mang chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột, chú trọng phát triển cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản để quảng bá, củng cố vị thế cà phê Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Theo đó, cần xem xét nguồn vốn vay tái canh cà phê và hỗ trợ nông dân kỹ thuật tái canh, xem xét hiệu quả của mô hình xen canh cây dổi trong vườn cà phê để nhân rộng, hỗ trợ nông dân xử lý bệnh vàng lá thối rễ trên cây, cần đánh giá tỷ lệ cây sống trong chương trình tái canh cà phê,…

CTV