Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra lĩnh vực khoáng sản

- Thứ Hai, 22/10/2018, 07:55 - Chia sẻ
Từ năm 2010 đến nay, khung chính sách và pháp luật về tài nguyên khoáng sản của Việt Nam đã từng bước hoàn thiện khi Luật Khoáng sản được ban hành, tạo hành lang pháp lý để thực hiện minh bạch trong ngành công nghiệp nhiều triển vọng này, qua đó nâng cao năng lực quản trị. Nhưng hiện nay, ngành khai khoáng còn những bất cập cần sớm khắc phục để nâng cao hơn nữa hiệu quả bảo vệ tài nguyên quốc gia.

Nhiều bất cập trong chính sách

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực khoáng sản,  Hiến pháp đã quy định tài nguyên khoáng sản là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân, nhưng yêu cầu công khai, minh bạch lại chưa được chú trọng trong pháp luật về khoáng sản. Việc công khai, minh bạch trong công tác quy hoạch khoáng sản được biểu hiện thông qua quá trình lấy ý kiến trước khi ban hành, sửa đổi quy hoạch và công bố quy hoạch sau ban hành. Tuy nhiên, việc lấy ý kiến các bản quy hoạch khoáng sản hiện nay mới chỉ xoay quanh một số cơ quan Nhà nước, trong khi đây là vấn đề ảnh hưởng rất lớn đến trách nhiệm, quyền lợi và nghĩa vụ của các bên liên quan, đặc biệt là doanh nghiệp và người dân địa phương nơi có hoạt động khoáng sản. Những khoảng trống trong chính sách pháp luật về khoáng sản đã tạo ra nhiều kẽ hở, khiến cho hoạt động trong lĩnh vực này thiếu minh bạch và dẫn đến việc khai thác khoáng sản không hiệu quả, gây lãng phí tài nguyên. Để minh bạch việc cấp phép khai thác khoáng sản cần được thực hiện theo hình thức đấu giá công khai, lựa chọn kỹ lưỡng doanh nghiệp có đủ năng lực tài chính, năng lực về công nghệ để việc khai thác khoáng sản bảo đảm hiệu quả cao nhất, bảo vệ môi trường.

Thực tế cho thấy, trong hai thập kỷ qua, nhiều loại khoáng sản của Việt Nam đã được khai thác ở quy mô lớn và đứng trước nguy cơ cạn kiệt. Khai thác khoáng sản tác động tiêu cực và trực tiếp đến môi trường, nhưng lợi ích kinh tế lại không tương xứng công tác lập, thực hiện quy hoạch, kế hoạch, quyết định đầu tư dự án thiếu cơ sở, chưa tính toán đến các chi phí, lợi ích về mặt xã hội và môi trường nên tình trạng thất thoát, lãng phí, kém hiệu quả và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng xảy ra thường xuyên ở hầu hết các dự án khai thác khoáng sản. Trong khi đó, bối cảnh nền kinh tế thế giới còn nhiều biến động. Vì vậy, để ngành công nghiệp khai khoáng nước ta phát triển một cách bền vững cần phải điều chỉnh một số chính sách, chủ trương phù hợp với tình hình mới.

Ông Lại Hồng Thanh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Địa chất và khoáng sản Việt Nam cho biết, một số nội dung có quy định trong Luật Khoáng sản nhưng rất khó triển khai như thủ tục thẩm định, phê duyệt đề án điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản; đăng ký hoạt động điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản; phê duyệt thiết kế mỏ, thay đổi thiết kế mỏ trong quá trình hoạt động… Hoặc chưa quy định phương thức xác định thiệt hại, cơ quan có trách nhiệm chủ trì việc đền bù thiệt hại khi khu vực khoáng sản được công bố là khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm cấm hoạt động khoáng sản; chưa quy định cụ thể về trách nhiệm xác định tổn thất khoáng sản; khai thác tối đa đối với khoáng sản chính, khoáng sản đi kèm; quy định việc thu hồi tài sản khi giấy phép khai thác khoáng sản. Để tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý ngành khoáng sản Tổng cục đang tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về tài nguyên và môi trường, trong đó, trọng tâm là rà soát, sửa đổi, bổ sung và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về khoáng sản và các pháp luật khác có liên quan.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra

“Cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra lĩnh vực khoáng sản; bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản; kiên quyết xử lý theo quy định đối với các hành vi khai thác khoáng sản gây tổn thất lớn, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; gian lận trong kê khai, thống kê sản lượng khoáng sản khai thác thực tế.” Đây là yêu cầu của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng với Bộ Tài nguyên và Môi trường. Theo đó, Phó Thủ tướng cơ bản đồng ý nội dung báo cáo tình hình quản lý nhà nước về khoáng sản trên phạm vi toàn quốc năm 2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Các bộ liên quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 30.3.2015 về việc tăng cường hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản và các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đối với quản lý cát, sỏi lòng sông. Đồng thời, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; chủ động phối hợp với các bộ liên quan rà soát nội dung quy hoạch sử dụng tài nguyên khoáng sản có liên quan ngay sau khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành

Theo Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, hàng năm Tổng cục đều tổ chức việc kiểm tra hậu kiểm việc thực hiện các kết luận thanh tra với các tổ chức, cá nhân đã được thanh tra, kiểm tra trước đó để đôn đốc, theo dõi việc khắc phục các vi phạm tại các kết luận thanh tra, thông báo khắc phục vi phạm. Đối với cá nhân, tổ chức khắc phục chưa triệt để, chưa đạt yêu cầu so với quy định và thực tế đặt ra, Tổng cục sẽ xử lý nặng hơn, thậm chí có thể đình chỉ hoạt động. Tổng cục đã xây dựng và triển khai đúng tiến độ kế hoạch công tác thanh tra kiểm tra năm 2018. Đồng thời, Tổng cục triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả kiểm soát hoạt động khoáng sản, nhất là hoạt động khai thác khoáng sản; đã tăng cường phối hợp với địa phương, chủ động nắm bắt các thông tin lĩnh vực địa chất, khoáng sản để kịp thời đề xuất giải pháp tháo gỡ vướng mắc, bất cập của cơ chế, chính sách, pháp luật về khoáng sản.Tuy vậy, công tác thanh tra, kiểm tra vẫn còn một số bất cập do lực lượng cán bộ làm công tác này còn mỏng; phương tiện, kinh phí chưa đáp ứng được yêu cầu. Do đó, chưa kiểm soát chặt chẽ được thực trạng khai thác khoáng sản của các cá nhân, tổ chức.

Tùng Lâm