TP Hồ Chí Minh

Đẩy mạnh tuyên truyền phân loại rác tại nguồn

- Thứ Ba, 24/07/2018, 07:26 - Chia sẻ
TP Hồ Chí Minh đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ cơ bản hoàn thành việc triển khai phân loại rác tại nguồn, tuy nhiên hiện nay trong quá trình thực hiện, hoạt động này vẫn bộc lộ nhiều hạn chế. Theo các chuyên gia, để đưa chủ trương phân loại rác tại nguồn đi vào thực tiễn, cần thay đổi cách tuyên truyền thu hút hơn, thường xuyên và sâu rộng hơn.

Chưa hiệu quả

Theo Sở Tài nguyên - Môi trường TP Hồ Chí Minh, mỗi ngày thành phố thải ra từ 8.500 - 9.000 tấn rác sinh hoạt. Có 3 chủ nguồn thải lớn là từ hộ gia đình (42%), các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thương mại (40,5%) và còn lại là từ đường phố, kênh rạch, công viên. Nếu thực hiện phân loại rác tại nguồn tốt, sẽ giúp thành phố tiết kiệm được tài nguyên thiên nhiên và ngân sách. Đồng thời, phân loại rác tại nguồn sẽ giúp cho việc thu hồi, tái sử dụng và tái chế rác thải hiệu quả hơn. Chương trình phân loại rác tại nguồn nếu thực hiện thành công sẽ tái chế được 60% tổng lượng rác thải. Điều này sẽ giảm đáng kể áp lực về diện tích đất để chôn lấp, giảm ngân sách xử lý rác thải, giảm nguy cơ phát sinh ô nhiễm môi trường do các bãi chôn lấp rác thải gây ra.


Rác được người dân tự phân loại tại nhà trước khi thu gom 

Hiện nay, 24 quận, huyện trên địa bàn thành phố đã thực hiện và triển khai kế hoạch phân loại rác tại nguồn. Tuy nhiên, tốc độ triển khai còn chậm do người dân chưa chủ động phân loại chất thải rắn sinh hoạt, công tác tuyên truyền yếu. Đơn cử như bỏ rác không đúng nơi quy định, người dân còn chưa có ý thức cao trong thực hiện phân loại rác tại nguồn vẫn xảy ra; khâu thu gom rác ở xã, phường cũng có nhiều bất cập nên ý thức phân loại cũng không cao; phương tiện thu gom, vận chuyển rác thải hiện nay còn rất lạc hậu, chủ yếu là xe tự chế, không bảo đảm an toàn vệ sinh khi vận chuyển; lực lượng thu gom, nhất là lực lượng thu gom dân lập, lại là đối tượng không thực hiện tốt việc phân loại rác… dẫn đến việc phân các loại rác chưa hiệu quả chưa như mong đợi.

Ứng dụng công nghệ

 Hiện nay hướng dẫn phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đã được đưa lên ứng dụng Play store của hệ điều hành Android hoặc App store của hệ điều hành IOS. Người dân chỉ cần sử dụng các dòng điện thoại thông minh tìm kiếm ứng dụng với từ khóa “phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn”, tải về và cài đặt. Trong ứng dụng còn có phần để người sử dụng gửi phản hồi, đóng góp ý kiến về Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh và có thể chia sẻ rộng rãi ứng dụng trên mạng xã hội để nhiều người cùng biết và sử dụng.

Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TP Hồ Chí Minh Nguyễn Toàn Thắng cho biết, trong kế hoạch giảm thiểu ô nhiễm môi trường giai đoạn 2016 - 2020, thành phố đã đề ra chỉ tiêu 100% người dân được tiếp cận thông tin về bảo vệ môi trường; chất thải rắn sinh hoạt được phân loại tối thiểu 2 nhóm gồm chất thải hữu cơ dễ phân hủy và chất thải còn lại. Tỷ lệ đối tượng thực hiện phân loại đúng quy định đạt tối thiểu 50% đến năm 2020, tăng dần vào các năm tiếp theo và đạt tối thiểu 80% vào năm 2025. Để hoàn thành chỉ tiêu này, bên cạnh các hoạt động thông tin truyền thống hiện nay như phát hành banner, tờ rơi, áp phích để cung cấp thông tin đến người dân, việc xây dựng phần mềm hướng dẫn phân loại chất thải rắn tại nguồn trên điện thoại thông minh trong thời đại công nghệ số là rất cần thiết để người dân dễ dàng, nhanh chóng tiếp cận thông tin, các hướng dẫn để thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn. Việc Hướng dẫn phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn ra đời là một trong những giải pháp giúp cho người dân tiếp cận với việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt thuận tiện nhất.

Đồng thời, phần mềm này cũng là nội dung triển khai của Sở Tài nguyên - Môi trường khi thực hiện đề án Đô thị thông minh đã được UBND TP Hồ Chí Minh phê duyệt. Thời gian tới, Sở Tài nguyên - Môi trường sẽ nghiên cứu các phần mềm ứng dụng về giám sát công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt và phổ biến đến người dân để cùng kiểm tra, giám sát các công đoạn này, tạo sự chuyển biến thực sự của người dân đối với vấn đề rác thải cũng như nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. “Việc thay đổi ý thức của cư dân trong vấn đề phân loại rác tại nguồn là bài toán nan giải, muốn triển khai hiệu quả trên quy mô lớn cần có sự đồng lòng của chính quyền và người dân” - ông Thắng cũng nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo các chuyên gia, để đưa chủ trương phân loại rác tại nguồn đi sâu vào thực tiễn, một mặt cần phải thay đổi cách tuyên truyền thu hút hơn, thường xuyên và sâu rộng hơn với nhiều hình thức đa dạng phong phú trực quan, phù hợp thực tế từng đối tượng. Đồng thời lồng ghép nội dung phân loại rác tại nguồn vào các hoạt động giáo dục tại các cấp học; trang bị đầy đủ, đồng bộ thùng rác tại khu vực công cộng, khu dân cư... để dần đưa người dân vào quy củ, buộc phải thực hiện; xây dựng cơ chế chính sách quản lý và hỗ trợ lực lượng thu gom dân lập trong chuyển đổi mô hình hoạt động. Mặt khác, phải đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát sau thời gian hướng dẫn, nhắc nhở  và cần xử lý đối với chủ nguồn thải, lực lượng thu gom, vận chuyển thường vi phạm để chương trình được duy trì tốt.

Nguyễn Thúy