Đẩy mạnh xã hội hóa - thương mại hóa

- Thứ Hai, 01/10/2018, 09:15 - Chia sẻ
Chiến lược phát triển ngành khí tượng thủy văn đến năm 2020, ngành phấn đấu đạt trình độ khoa học công nghệ tiên tiến của khu vực châu Á, có đủ năng lực điều tra dự báo khí tượng thủy văn, phục vụ yêu cầu phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại do thiên nhiên, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng, khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước Việt nam cần xây dựng đồng bộ hệ thống văn bản dưới luật và cơ chế chính sách phát triển khí tượng thủy văn, xây dựng khung pháp lý cho hoạt động của các tổ chức dịch vụ khí tượng thủy văn.

Những giải pháp phát triển

Quyết định số 03/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, kể từ ngày 9.3.2018, Tổng cục Khí tượng Thủy văn chính thức đi vào hoạt động cùng với Luật Khí tượng thủy văn (có hiệu lực từ ngày 01.7.2016), đây là sự hoàn thiện về thể chế, pháp luật nhằm tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về KTTV, qua đó, nâng cao hiệu quả phục vụ của ngành KTTV đối với sự nghiệp phòng, chống thiên tai, phát triển bền vững kinh tế - xã hội của đất nước. Trong năm 2018, Tổng cục KTTV sẽ:Tiếp tục rà soát, xây dựng và trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ TN - MT ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật KTTV và các luật khác có liên quan đến lĩnh vực KTTV, tiến tới hệ thống pháp luật về KTTV hoàn chỉnh. Đẩy mạnh kiểm tra, giám sát thi hành pháp luật về KTTV trên cả nước;

Thông tin từ Tổng cục Khí tượng Thủy văn :Tổng cục sẽ nhanh chóng kiện toàn tổ chức, bộ máy và cán bộ theo đúng Quyết định số 03/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm bộ máy tổ chức của Tổng cục tinh gọn, tiếp tục triển khai Luật KTTV, Luật Phòng, chống thiên tai và xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để tạo hành lang pháp lý cho hoạt động này một cách bài bản hơn, chuẩn hóa hơn. Xây dựng, triển khai các cơ chế, chính sách huy động nguồn vốn xã hội hóa, kinh phí hợp tác quốc tế để phát triển đồng bộ mạng lưới trạm quan trắc KTTV, giám sát biến đổi khí hậu, quan trắc định vị sét theo hướng tự động, truyền số liệu thời gian thực; nâng cấp, hiện đại hóa mạng lưới khí tượng cao không; ưu tiên phát triển mạng lưới trạm KTTV các vùng ven biển, hải đảo và vùng núi cao theo Quy hoạch tổng thể hệ thống quan trắc TN - MT quốc gia giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 12/1/2016. Tăng cường số liệu KTTV trên đất liền và số liệu quan trắc bão trên biển với việc lắp đặt hệ thống các trạm đo trên các trạm phao, giàn khoan, cột BTS của các mạng viễn thông, các trạm đo mưa tự động trên khu vực có địa hình phức tạp thông qua thực hiện cơ chế xã hội hóa.

 Theo Thứ trưởng Lê Công Thành: Cần tăng cường năng lực quản lý nhà nước ngành khí KTTV nhằm hoàn thiện bộ máy tổ chức, gắn với các giải pháp nâng cao năng lực cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành KTTV; đổi mới cơ chế quản lý nhà nước ngành KTTV phù hợp với sự phát triển công nghệ, thương mại hóa, xã hội hóa hoạt động KTTV; tổ chức hệ thống thanh tra, kiểm tra thực thi các quy định của Nhà nước trong các hoạt động khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu. Phát triển nguồn nhân lực theo hướng xây dựng chính sách thu hút, đãi ngộ và sử dụng nguồn nhân lực trình độ cao, chú trọng đội ngũ cán bộ chuyên ngành đáp ứng yêu cầu khai thác và sử dụng hiệu quả các thiết bị và công nghệ hiện đại.


Xây dựng trạm đo mưa tự động

Xã hội hóa ngành?

Đầu tư cho ngành KTTV cần đi trước một bước để cung cấp kịp thời, chính xác thông tin và luận cứ khoa học về KTTV cho sự phát triển bền vững của đất nước trong bối cảnh thiên nhiên ngày càng khắc nghiệt và gia tăng do biến đổi khí hậu.

Ở nhiều nước trên thế giới đã và đang từng bước tiến hành xã hội hóa và thương mại hóa lĩnh vực KTTV. Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cũng đã có nhiều tài liệu hướng dẫn các thành viên về thương mại hóa các hoạt động KTTV như Nghị quyết 40 (Cg-XII) về chính sách và hoạt động của WMO về việc trao đổi số liệu và các sản phẩm khí tượng bao gồm các hướng dẫn về các mối quan hệ trong các hoạt động khí tượng thương mại; Nghị quyết 22 (EC-XLVI) - Hướng dẫn của WMO về các hoạt động thương mại. Các hoạt động dịch vụ KTTV mang tính thương mại đã mang lại những nguồn thu đáng kể. Việc hoạt động dịch vụ KTTV theo hướng thương mại hóa và xã hội hóa  tại Việt Nam giúp khắc phục những khó khăn và bất cập trong việc nâng cao hiệu quả các hoạt động của ngành KTTV nói riêng và lĩnh vực TN - MT nói chung. Bên cạnh đó việc cung cấp dịch vụ KTTV từ Trung ương đến địa phương theo hướng thương mại hóa, xây dựng cơ chế và tổ chức thực hiện xã hội hóa hoạt động KTTV sẽ đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ về KTTV, như việc tăng cường các ứng dụng công nghệ hiện đại về dự báo, đo đạc, chỉnh lý dữ liệu, tính toán KTTV; đánh giá tài nguyên nước, tài nguyên khí hậu, biến đổi khí hậu và tác động của biến đổi khí hậu; tích cực tham gia nghiên cứu những vấn đề toàn cầu về KTTV và biến đổi khí hậu.

Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm ngành KTTV vừa qua Thứ trưởng Lê Công Thành nhấn mạnh: Cần đẩy mạnh xã hội hóa, thương mại hóa các hoạt động KTTV và tăng cường sử dụng thông tin KTTV trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nhằm mang lại hiệu quả kinh tế xã hội thiết thực. Ngoài ra, tăng cường hiện đại hóa và tự động hóa hệ thống thông tin truyền dẫn số liệu KTTV, nâng cao tốc độ và mở rộng băng thông, đáp ứng yêu cầu phát triển công nghệ dự báo và trao đổi số liệu trong và ngoài ngành. Đồng thời, đổi mới phương thức phục vụ của ngành KTTV theo hướng Nhà nước chịu trách nhiệm cung cấp thông tin, dữ liệu KTTV đáp ứng các yêu cầu phục vụ công cộng, phòng chống thiên tai, bảo vệ cuộc sống, tài sản cho toàn xã hội. 

Anh Hiến