Đẩy nhanh chuyển đổi số nông nghiệp

- Thứ Sáu, 17/09/2021, 10:12 - Chia sẻ
Tại Diễn đàn quốc tế chuyển đối số nông nghiệp Việt Nam 2021 ngày 16.9, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Lê Minh Hoan nhấn mạnh sẽ hỗ trợ đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số để nông nghiệp không chỉ là trụ đỡ của nền kinh tế trong thời điểm khó khăn, mà còn đủ sức trở thành “thước đo mức độ bền vững của quốc gia”.

Khẳng định vai trò trụ đỡ kinh tế

“Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2035” được Thủ tướng phê duyệt xác định nông nghiệp là một trong số các ngành, lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi số trước. Theo đó, phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, ngành tiếp tục khẳng định vai trò “trụ đỡ của nền kinh tế”, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, tạo sinh kế, việc làm và thu nhập ổn định cho người dân nông thôn, góp phần quan trọng phát triển đất nước. 

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhận định, một trong những định hướng phát triển của đất nước giai đoạn 2021-2030 là phát triển nông nghiệp trên nền tảng chuyển đổi số, gắn kết hài hòa hiệu quả thị trường trong nước và quốc tế. Để đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, phải chuyển đổi số thành công, trong đó nông nghiệp là lĩnh vực được ưu tiên trong chương trình chuyển đổi số quốc gia.

Những năm qua, nông nghiệp đã trở thành ngành sản xuất chủ lực của đất nước. Tuy nhiên, với yêu cầu của thị trường ngày càng cao, ngành nông nghiệp phải có khả năng thích ứng và sức cạnh tranh cao. Dịch Covid-19 cũng đã chứng minh việc đưa công nghệ thông minh vào nông nghiệp giúp bảo đảm sự ổn định, thông suốt, đồng thời giúp phát triển kinh tế sau đại dịch.

Chuyển đổi số trong nông nghiệp sẽ khẳng định vai trò trụ đỡ kinh tế

Nguồn: ITN

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan chỉ rõ, đối với ngành nông nghiệp công cuộc chuyển đổi số đang là đòi hỏi cấp thiết và phải làm nhanh. Việt Nam xác định tăng trưởng dựa trên khoa học, công nghệ, chuyển đổi số, điều này sẽ tạo ra bước ngoặc, tích hợp nền kinh tế tri thức, mang lại sự phát triển bền vững. Nhưng, nông nghiệp cũng đang đứng trước 3 thách thức lớn là biến đổi khí hậu, biến động thị trường, biến đổi xu thế tiêu dùng trên thế giới tác động nhiều đến mục tiêu chuyển đổi số của ngành. Tuy vậy, thách thức cũng chính là thời cơ để chuyển đổi, hòa nhập với thế giới, đi sau nhưng vẫn còn dư địa lớn để phát triển.

Định hướng lâu dài và tập thích nghi

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hải Dương Phạm Xuân Thăng chia sẻ, trong đợt dịch thứ ba, Hải Dương chịu ảnh hưởng nặng, toàn tỉnh phải thực hiện giãn cách 15 ngày. Trong thời gian đó, tỉnh đó có sản lượng nông sản lớn phải tiêu thụ nhưng bị tắc nghẽn, nhờ ứng dụng chuyển đổi số nên đã đưa được sản phẩm của tỉnh trên nền tảng số như Zalo, youtube, facebook nên vẫn đảm bảo tiêu thụ, đặc biệt là với quả vải thiều.

Ông Thăng cho rằng, chuyển đổi số là công cụ hữu ích làm tăng năng suất lao động. Tỉnh cũng xác định “xanh - số" sẽ là chiến lược xuyên suốt của tỉnh những năm tới, mục tiêu đến năm 2025 kinh tế số chiếm trên 20% tổng giá trị sản phẩm của tỉnh. Thời gian tới, để thúc đẩy chuyển đổi số rất cần sự quan tâm của nhiều cấp chính quyền, tăng nhận thức của nông dân, đồng thời huy động mọi nguồn lực xã hội để phục vụ chuyển đổi số.

Bàn về giải pháp, Vụ trưởng Vụ tổng hợp kinh tế (Bộ Ngoại giao) Nguyễn Minh Hằng kiến nghị, cần phải thay đổi tư duy và nhận thức, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nhận thức, tư duy áp dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp, đào tạo và đào tạo lại các kỹ năng số. Quan tâm đến các vấn đề trong nông nghiệp như pháp lý, chính sách kinh tế tuần hoàn, định hướng hoạt động xây dựng thương mại điện tử toàn cầu, thanh toán không tiền mặt, thanh toán điện tử... Triển khai, đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp, hình thành mạng lưới, khởi tạo diễn đàn, thúc đẩy cam kết sản xuất, thu hút đầu tư, công nghệ cao, công nghệ thân thiện môi trường. Quan trọng là đẩy mạnh hợp tác quốc tế.

Bối cảnh hiện nay luôn biến động, phức tạp, thậm chí có phần mơ hồ, không biết khi nào mới chấm dứt, chúng ta cũng sẽ dựa vào đó để định hướng lâu dài và thích nghi trong từng quãng ngắn. Vì vậy, cần xác định thị trường để quyết định sản xuất, từ thách thức hãy biến thành thời cơ sản xuất nông nghiệp cần minh bạch, trách nhiệm để có thương hiệu hoà nhập với thế giới. Kết hợp với các giá trị truyền thống lịch sử, tài nguyên bản địa để tạo thành nền nông nghiệp đa giá trị. Như vậy giá trị mới gia tăng, nông nghiệp mới phát triển”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cam kết sẽ ủng hộ, hỗ trợ mọi nguồn lực, chính sách thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp mong muốn đưa nông sản Việt gia tăng giá trị, nâng cao thương hiệu. Bộ cũng sẽ hỗ trợ thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số, thay thế các mô hình công nghệ nông nghiệp… đưa đất nước tiến lên, vượt qua đại dịch và vì một nền nông nghiệp Việt Nam không chỉ là trụ đỡ nền kinh tế trong thời điểm khó khăn, mà đủ sức trở thành “thước đo mức độ bền vững của quốc gia”.

Với tinh thần “ngoại giao phục vụ phát triển”, “lấy địa phương, doanh nghiệp và người dân là trung tâm phục vụ", Bộ Ngoại giao khẳng định phát huy vai trò tiên phong, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, đồng hành với địa phương, doanh nghiệp trong quá trình hội nhập, mở rộng hợp tác quốc tế, tiếp cận, nắm bắt thời cơ phát triển trên mọi lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp và chuyển đổi số.

Hạnh Nhung