Đẩy nhanh tiến độ các dự án điện gió

- Chủ Nhật, 13/06/2021, 08:01 - Chia sẻ
Với tổng vốn đầu tư hơn 43.000 tỷ đồng, Gia Lai hiện có 17 dự án điện gió với tổng công suất hơn 1.242MW đã được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư. Dự kiến, 11 dự án đưa vào vận hành thương mại trong năm 2021, vì vậy các doanh nghiệp đang tập trung tối đa nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thi công.

Nỗ lực về đích đúng thời hạn

Tại công trường dự án điện gió Ia Pết - Đak Đoa 1 và Ia Pết - Đak Đoa, hàng ngày có gần 1.000 lao động đang thi công ở tất cả các hạng mục công trình. Để bảo đảm tiến độ, những ngày này, các tổ, đội thi công luân phiên nhau tăng ca, làm cả ngày lẫn đêm. Đây là 2 dự án của Công ty cổ phần Phong điện Ia Pết - Đak Đoa (thuộc Tập đoàn TRE) có tổng mức đầu tư hơn 7.300 tỷ đồng, sản lượng phát điện là 550MWh/năm. Đơn vị thi công cùng lúc 2 dự án điện gió có tổng công suất 200MW (mỗi dự án 100MW); trạm biến áp 500kV; trạm biến áp và 20km đường dây 220kV nên khối lượng công việc rất lớn. Thời điểm này, công ty đã xây dựng 2 trạm biến áp đạt 70%; móng đường dây 80%, lắp đặt trụ đường dây khoảng 50%; đường nội bộ dài 40km cũng hoàn thành 70%. Riêng phần móng trụ để lắp đặt các tua bin điện gió đạt 60%. Giám đốc Kỹ thuật Nguyễn Anh Khoa cho biết, đơn vị sẽ cho triển khai lắp đặt thiết bị của hệ thống tua bin điện gió và đưa nhà máy vận hành trước ngày 31.10 năm nay. Đây là dự án kiểu mẫu nên Công ty đã thuê đến 2 đơn vị tư vấn giám sát trong và ngoài nước quản lý để vừa nhanh vừa bảo đảm chất lượng. "Hiện có 8 bộ thiết bị đã nhập về cảng Quy Nhơn, cuối tháng này sẽ về thêm 8 bộ. Nếu đường vận chuyển thiết bị về công trình thuận lợi thì dự án sẽ sớm về đích”, ông Khoa thông tin.

Trong khi đó, không khí lao động tại công trường của Công ty TNHH VIECC-YUSHIN cũng khẩn trương không kém. Hàng ngày, 300 công nhân chia thành 2 ca làm việc tại công trình. Riêng phần đổ bê tông móng trụ, công nhân tăng ca làm xuyên đêm, thi công từ 4 giờ chiều đến khoảng 5 giờ sáng hôm sau, tranh thủ hoàn thành khối lượng công việc theo cam kết với chủ đầu tư. Ông Phạm Ân Sẩn, kỹ sư hiện trường cho biết, đơn vị đảm nhiệm thi công một số hạng mục như: đường nội bộ; hệ thống mương, máng thoát nước và phần móng trụ. “Thi công nhanh nên cường độ công việc rất cao. Tuy vậy, chúng tôi luôn xác định chất lượng công trình phải đặt lên hàng đầu; quy trình an toàn lao động luôn được áp dụng chặt chẽ trong quá trình thực hiện. Đến nay, khối lượng các hạng mục do đơn vị đảm nhận đã đạt từ 70 đến 90%”, ông Sẩn cho hay.

Sẽ có 11 dự án điện gió tại Gia Lai đưa vào vận hành thương mại trong năm 2021

Sớm đón những dòng điện gió đầu tiên

Tại huyện Chư Prông, dự án điện gió do Công ty cổ phần Phong điện HBRE Gia Lai làm chủ đầu tư với công suất 50MW, tổng vốn đầu tư trên 1.800 tỷ đồng đang khẩn trương thi công tại xã Ia Phìn. Các thiết bị điện gió của dự án sẽ được vận chuyển từ Cảng Quy Nhơn về đến công trình và sẽ tiến hành lắp đặt. Dự kiến đầu tháng 10 sẽ đưa vào vận hành phát điện thử nghiệm. Ông Nguyễn Quang Huy, chỉ huy trưởng Dự án cho biết, đến thời điểm này, tiến độ đạt 50% khối lượng xây dựng. “Chúng tôi chỉ đạo tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng phần móng trụ tua bin, phần móng trụ trạm biến áp và đường dây 110kV với quyết tâm hoàn thành trước mùa mưa”, ông Huy nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành, với mức đầu tư trung bình 35 tỷ đồng cho 1MW điện gió, 11 dự án với tổng công suất hơn 692MW dự kiến sẽ đưa vào hoạt động trong năm nay, Gia Lai đã thu hút được nguồn lực đầu tư hơn 24.000 tỷ đồng, đồng thời góp phần đáng kể cho nguồn thu ngân sách của địa phương. Ước tính, 1MW sẽ đóng góp trên 200 triệu đồng tiền thuế. Với một nguồn lợi kinh tế lớn mang lại từ các dự án năng lượng tái tạo, Gia Lai cũng như các nhà đầu tư đang quyết tâm đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án để sớm đón những dòng điện gió đầu tiên trong năm 2021. Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hồ Phước Thành khẳng định, Gia Lai đánh giá cao các chủ đầu tư đã sớm bắt tay triển khai dự án. Khi các dự án đi vào hoạt động sẽ góp phần tăng giá trị sản xuất công nghiệp, đồng thời giải quyết việc làm cho lao động địa phương, tăng thu ngân sách hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Kết quả này tiếp tục ghi dấu sự thành công trong thu hút đầu tư nhằm hiện thực hóa khát vọng xây dựng tỉnh ngày càng phát triển.

Nhằm tháo gỡ khó khăn liên quan đến việc vận chuyển thiết bị thuộc các dự án điện gió triển khai trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Gia Lai và Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn đã họp bàn để các dự án bảo đảm tiến độ. Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành đã yêu cầu sở, ngành liên quan đề ra các phương án, giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn trong quá trình vận chuyển các thiết bị điện gió siêu trường, siêu trọng; tạo mọi điều kiện thuận lợi để các dự án khởi công đúng thời gian, kế hoạch đề ra. Chủ tịch UBND tỉnh cũng chỉ đạo các địa phương chủ động phối hợp với các Sở: Giao thông Vận tải, Công thương, Công an tỉnh, Công ty Điện lực Gia Lai, Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn và các đơn vị liên quan hỗ trợ giải quyết vướng mắc, khó khăn trong quá trình vận chuyển thiết bị đến công trình.

Nhật Trường