Đồng Nai

Đẩy nhanh tiến độ khu xử lý chất thải sinh hoạt

- Thứ Tư, 02/12/2020, 08:39 - Chia sẻ
Tích cực, chủ động hỗ trợ các doanh nghiệp xử lý chất thải; đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện thủ tục pháp lý đưa vào vận hành chính thức các nhà máy, dây chuyền xử lý chất thải, là yêu cầu của UBND tỉnh Đồng Nai đối với các sở, ban, ngành, địa phương, nhằm hoàn thành mục tiêu thu gom, xử lý 100% chất thải sinh hoạt và giảm tỷ lệ chôn lấp rác xuống dưới 15%.

Chưa bảo đảm quy mô, công suất

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai, tính đến 15.10, tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn trên địa bàn đạt 99,6%. Tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt đã thu gom, xử lý là 1.826 tấn/ngày; trong đó, xử lý bằng phương pháp compost khoảng 1.218 tấn/ngày; phương pháp đốt khoảng 55 tấn/ngày; chôn lấp hoàn toàn khoảng 303 tấn/ngày và tạm lưu để sản xuất compost khoảng 58 tấn/ngày. Như vậy, tỷ lệ chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh là 29%, chưa đạt chỉ tiêu Nghị quyết Tỉnh ủy đề ra là bảo đảm tỷ lệ chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt từ 15% trở xuống.

Cùng với đó, cơ sở hạ tầng cho thu gom, xử lý rác trên địa bàn vẫn còn nhiều bất cập. Hiện Đồng Nai có 32 điểm trung chuyển và 32 điểm sang tiếp rác thải được bố trí tại các huyện, thành phố. Song, nhiều điểm tập kết, trung chuyển chất thải xây dựng chưa đúng quy chuẩn, chưa bố trí hợp lý. Chất thải rắn sinh hoạt chủ yếu được thu gom bằng phương tiện có tải trọng nhỏ, thô sơ; một số hợp tác xã thu gom rác chưa có xe chuyên dụng; một số huyện chưa có khu xử lý rác hoặc khu xử lý rác đã đóng cửa do không đáp ứng được yêu cầu vệ sinh môi trường.

Ngoài ra, theo quy hoạch quản lý chất thải rắn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025, Đồng Nai có 9 khu xử lý với 16 dự án, nhưng đến thời điểm cuối tháng 7.2020, Đồng Nai mới có 7 khu xử lý chất thải với 11 dự án đang thu gom, xử lý chất thải; 2 khu xử lý bao gồm 3 dự án đã ngưng tiếp nhận chất thải. Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai cho biết, tuy phần lớn các khu xử lý chất thải đang hoạt động đáp ứng được yêu cầu xử lý chất thải sinh hoạt, nhưng vẫn còn nhiều khu chưa bảo đảm quy mô, công suất theo phê duyệt; chưa đủ thủ tục pháp lý vận hành chính thức dây chuyền xử lý chất thải, gây ảnh hưởng đến việc thực hiện chỉ tiêu thu gom, xử lý chất thải toàn tỉnh.

Đơn cử, khu xử lý chất thải ở xã Quang Trung (huyện Thống Nhất), khu xử lý Xuân Mỹ (huyện Cẩm Mỹ), khu xử lý Vĩnh Tân (huyện Vĩnh Cửu), khu xử lý Xuân Tâm (huyện Xuân Lộc) vẫn chưa bảo đảm công suất. Chưa kể, tính đến cuối tháng 7, các khu xử lý đang tiếp nhận, xử lý khoảng 1,6/1,8 nghìn tấn rác thải phát sinh mỗi ngày (99,6%), gần 200 tấn rác phát sinh mỗi ngày do người dân tự xử lý, khoảng 7 tấn/ngày chưa được thu gom; 29,5% chất thải sinh hoạt đang chôn lấp.

Dây chuyền xử lý chất thải sinh hoạt làm phân bón  

Nguồn: ITN 

Thực hiện đồng bộ các giải pháp

Để hoàn thành mục tiêu thu gom, xử lý 100% chất thải sinh hoạt và giảm chôn lấp rác thải xuống dưới 15% vào cuối năm 2020, UBND tỉnh Đồng Nai đã yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát, điều chỉnh quy hoạch quản lý chất thải rắn và lộ trình giảm tỷ lệ chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt trong thời gian tới cho phù hợp với điều kiện thực tế; tổ chức triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên phạm vi toàn tỉnh; hoàn thiện mạng lưới thu gom, xây dựng các điểm trung chuyển, đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật liên quan nhằm nâng cao tỷ lệ thu gom và đưa chất thải về các khu xử lý theo quy định.

Cùng với việc tích cực, chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm kiểm soát tối đa chất thải phát sinh, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ môi trường trên địa bàn; UBND tỉnh Đồng Nai cũng yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương hỗ trợ các chủ đầu tư dự án đẩy nhanh tiến độ đầu tư nhà máy xử lý chất thải theo đúng lộ trình, nhất là các hạng mục công trình tái chế và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; kiểm tra, giám sát việc tiếp nhận, xử lý chất thải sau khi phân loại.

Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai Nguyễn Ngọc Thường, việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng, nâng công suất các khu xử lý theo phê duyệt và hoàn thành thủ tục pháp lý theo quy định là yêu cầu bắt buộc nhằm hoàn thành mục tiêu xử lý chất thải giai đoạn 2016 - 2020. Các khu xử lý chất thải chưa hoạt động hết công suất, đang vận hành thử nghiệm cũng cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư thiết bị, nhà máy và hoàn thành thủ tục để tăng tiếp nhận rác, giảm thiểu tỷ lệ chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt.

Nhật Phương