Đẩy nhanh tiến độ thi công

- Chủ Nhật, 19/09/2021, 06:52 - Chia sẻ
Thông qua các cơ chế, chính sách đầu tư thông thoáng, Gia Lai đang nổi lên như “thủ phủ” của ngành công nghiệp năng lượng tái tạo với một làn sóng đầu tư mạnh mẽ, trong đó điện gió là lĩnh vực đang được ưu tiên khuyến khích đầu tư bởi đây là nguồn năng sạch nhất, hiệu quả nhất và không hao tốn diện tích đất. Từ nguồn lợi kinh tế lớn mang lại, tỉnh Gia Lai cũng như các nhà đầu tư đang quyết tâm đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án để sớm đón những dòng điện gió đầu tiên trong năm nay.

Các dự án bước vào giai đoạn nước rút

Gia Lai là một trong số ít tỉnh, thành phố có tiềm năng phát triển các nguồn năng lượng sạch như điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối. Đến nay, tỉnh đã có trên 100 dự án điện gió đăng ký đầu tư, trong đó UBND tỉnh Gia Lai đã phê duyệt chủ trương đầu tư cho 17 dự án với tổng công suất 1.242 MW, tổng vốn đầu tư hơn 43 nghìn tỷ đồng; 16 dự án đang được triển khai thi công và phấn đấu hoàn thành vào cuối năm 2021.

Để bảo đảm về đích đúng hẹn, hiện nay các dự án đang bước vào giai đoạn nước rút, đẩy nhanh tiến độ thi công, không khí làm việc trên công trường luôn diễn ra khẩn trương, tấp nập. Đặc biệt, trong đó công đoạn đổ bê tông móng trụ turbine là một trong những công đoạn quan trọng nhất, kéo dài từ 10 - 12 tiếng và không được gián đoạn. Nói cách khác, cán bộ công nhân kỹ thuật đều phải làm suốt đêm, bắt đầu từ 4h chiều hôm nay kéo dài cho đến 3 - 4 sáng hôm sau với các yêu cầu rất khắt khe. Để bảo đảm yêu cầu kỹ thuật cũng như chất lượng công trình, từ cán bộ kỹ thuật giám sát thi công cho đến đội ngũ công nhân lao động trực tiếp đều phải làm việc liên tục trong khoảng thời gian này.

Đơn cử, tại dự án Nhà máy điện gió Ia Pết - Đak Đoa 1, anh Nguyễn Hữu Thắng - công nhân tại dự án chia sẻ, quá trình khi thực hiện công đoạn đổ bê tông móng trụ có rất nhiều yêu cầu khắt khe nên rất áp lực, song tất cả công nhân đều cố gắng khắc phục và quyết tâm hoàn thành công việc để đưa công trình hoàn thành đúng tiến độ. Ngoài ra, để bảo đảm yêu cầu không để gián đoạn trong suốt thời gian thực hiện công đoạn đổ bê tông trụ móng, nên đơn vị thi công cũng phải chủ động tất cả các phương án dự phòng để khắc phục kịp thời khi có bất kỳ sự cố nào xảy ra trong quá trình thi công. Giám đốc thi công Dự án Nhà máy điện gió Ia Pết - Đak Đoa 1 và Nhà máy điện gió Ia Pết - Đak Đoa 2 Lê Tấn Sang cho biết, do yêu cầu không được để gián đoạn, theo quy trình khép kín từ trộn bê tông đến việc vận chuyển, thi công nên quá trình thi công đổ bê tông trụ móng đều được tính toán kỹ lưỡng tất cả các phương án, gồm cả phương án dự phòng khi có sự cố xảy ra.

Theo Giám đốc Kỹ thuật Công ty cổ phần Phong điện Ia Pết Đak Đoa số Một, Công ty cổ phần Phong điện Ia Pết Đak Đoa số Hai (thuộc Tập đoàn TRE) Nguyễn Anh Khoa, mục tiêu mà dự án Nhà máy điện gió Ia Pết - Đak Đoa 1 và Nhà máy điện gió Ia Pết - Đak Đoa 2 đặt ra là cố gắng phấn đấu công tác thi công hoàn thành đúng kế hoạch. Để bảo đảm không bị ảnh hưởng đến tiến độ, nhất là trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và chuẩn bị bước vào mùa mưa, công ty đang tập trung toàn bộ nguồn lực để thi công xây dựng. Trên thực tế, việc thi công xây dựng trong một điều kiện áp lực lớn, đòi hỏi các kế hoạch đặt ra cũng phải cụ thể, chi tiết, kỹ lưỡng.

Không khí làm việc luôn diễn ra khẩn trương trên các công trình

Nguồn: ITN 

Hiệu ứng tích cực về đầu tư

Theo đại diện Công ty Điện lực Gia Lai, việc sử dụng năng lượng tái tạo là điều cần thiết để giảm áp lực khai thác nguồn tài nguyên đã cạn kiệt, giảm nhập khẩu, chủ động đáp ứng điện cho phát triển kinh tế - xã hội. Sử dụng năng lượng tái tạo là sử dụng nguồn năng lượng sạch, ít ô nhiễm môi trường. Đó cũng là giải pháp tốt để cung cấp điện cho vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Đối với Gia Lai thì phát triển nguồn năng lượng tái tạo chính là tạo sự bứt phá.

Với mức đầu tư trung bình 35 tỷ đồng cho 1MW điện gió, như vậy với 16 dự án đang được triển khai thi công với tổng công suất gần 1.200MW dự kiến sẽ đưa vào hoạt động trong năm nay, Gia Lai đã thu hút được nguồn lực đầu tư trên dưới 40 nghìn tỷ đồng. Đây cũng là cơ sở để Gia Lai đặt ra chỉ tiêu tổng vốn đầu tư toàn xã hội của tỉnh trong năm 2021 đạt trên 70 nghìn tỷ đồng, tăng 40 nghìn tỷ đồng so với năm 2020.

Thông qua các dự án điện gió không chỉ giúp cho Gia Lai tăng lượng lớn nguồn vốn đầu tư mà còn tạo nên một hiệu ứng tích cực về thu hút đầu tư trong thời gian tới. Theo Giám đốc Sở Công thương tỉnh Gia Lai Phạm Văn Binh, năm 2021 nếu hoàn thành đúng tiến độ mà không bị ảnh hưởng của các yếu tố khách quan, Gia Lai sẽ có thêm hơn 1.242MW. Cùng với việc tăng ngân sách cho địa phương, còn giải quyết việc làm, tăng thêm thu nhập, thương mại - dịch vụ.

Ngoài ra, theo đánh giá, hiện nay dư địa phát triển nguồn năng lượng tái tạo của Gia Lai còn rất lớn. Riêng về điện gió, các dự án đang triển khai xây dựng mới chỉ khai thác được 20% tổng công suất. Thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh đang có chỉ đạo sẽ khai thác có hiệu quả tiềm năng này, đưa Gia Lai trở thành trung tâm điện lực của quốc gia.

Nhật Phương