Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội:

Dạy và học trực tuyến chưa thể và khó thay thế học trực tiếp

- Thứ Năm, 11/11/2021, 13:18 - Chia sẻ
Trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội trong phiên họp sáng nay, 11.11, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn thừa nhận, dạy và học trực tuyến có tác động, ảnh hưởng đến các kỹ năng, và chưa thể cũng như khó thay thế cho việc dạy học trực tiếp. Nếu học sinh quay trở lại trường thì cần tăng cường, củng cố các kiến thức đã được rút gọn, trang bị đầy đủ các kỹ năng, điều này rất cần sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường.
Ảnh: Quang Khánh
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn
Ảnh: Quang Khánh

Dạy học trực tuyến là giải pháp tối ưu hơn cả

Nêu chất vấn với nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo, ĐBQH Nguyễn Thị Quyên Thanh (Vĩnh Long) đặt vấn đề: Định hướng gì trong việc dạy và học trực tuyến để nâng cao chất lượng giáo dục, bảo đảm sức khỏe, tâm lý, học sinh, giáo viên trong thời gian dài? Cũng liên quan đến học trực tuyến, ĐBQH Hoàng Văn Liên (Long An) đề nghị Bộ trưởng cho biết, quan điểm về việc cho trẻ em lớp 1 học trực tuyến có phù hợp hay không?

ĐBQH Nguyễn Thị Quyên Thanh (Vĩnh Long)
Ảnh: Quang Khánh

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, học trực tuyến áp dụng với trường có đủ điều kiện, đủ giáo viên. Theo đó, Bộ cũng phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam sản xuất 166 bài giảng, đáp ứng yêu cầu học tập của lớp 1 và lớp 2. Thống kê cho thấy, có hàng triệu học sinh tham gia học theo hình thức này.

Theo Bộ trưởng, “trong mọi giải pháp khó có giải pháp đáp ứng yêu cầu, nhưng phải chọn giải pháp tối ưu hơn cả. Các cháu lớp 1 học trên truyền hình được đông đảo phụ huynh lựa chọn. Song việc kiểm tra đánh giá các cháu thế nào cho phù hợp, thì chúng tôi cũng đã có hướng dẫn, khi đến trường hỗ trợ củng cố”.

ĐBQH Hoàng Văn Liên (Long An)
Ảnh: Quang Khánh

Đánh giá về việc học trực tuyến nói chung, Bộ trưởng thừa nhận, đúng là dạy học trực tuyến có tác động, ảnh hưởng đến các kỹ năng; dạy và học trực tuyến chưa thể và khó thay thế cho việc dạy học trực tiếp, nếu học sinh quay trở lại trường thì cần tăng cường, củng cố các kiến thức đã được rút gọn, trang bị đầy đủ các kỹ năng, điều này rất cần sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường. Trong bối cảnh dịch bệnh còn kéo dài, nếu muốn tăng cường chất lượng dạy và học thì giải pháp phải hết sức tổng thể, ngay cả ở các tỉnh miền núi, nếu phải tiếp tục dạy và học trực tuyến, thì phải củng cố, tăng cường công nghệ thông tin, trang thiết bị. Các bài giảng trên truyền hình cần được tiếp tục triển khai; thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện đúng thông tư, quyết định hướng dẫn của Bộ về bảo đảm thời gian, nội dung, chương trình giảng dạy. Tăng cường tư vấn tâm lý, sức khỏe, tránh căng thẳng với học sinh khi dạy học trực tuyến kéo dài.

Không đưa vào tay các em phiếu khảo sát, đánh giá

Chia sẻ băn khoăn với nội dung học trực tuyến, ĐBQH Trương Ngọc Ánh (TP Cần Thơ) tiếp tục đặt câu hỏi, chương trình dạy và học trực tuyến gây áp lực cho cả cô và trò. Bộ trưởng có kế hoạch gì để điều chỉnh Chương trình học trực tuyến cho phù hợp với từng bậc học?

ĐBQH Trương Ngọc Ánh (TP Cần Thơ)
Ảnh: Quang Khánh

Khẳng định Bộ đã ban hành Công văn số 4040/BGDĐT - GDTrH ngày 16.9.2021 hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS, THPT ứng phó với dịch Covid - 19 năm học 2021 - 2022, Bộ trưởng nêu rõ, Công văn đã xác định chương trình cốt lõi theo hướng xác định chương trình học trực tuyến và chương trình tinh giản. Trước diễn biến của tình hình dịch bệnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có 2 lần tinh giản chương trình để phù hợp với tình hình thực tế. Bộ trưởng nói “ chúng ta xác định chương trình cốt lõi, chứ không phải mỗi năm lại rút một tý”. Đối với địa phương đang dạy học trực tuyến sẽ dạy trước chương trình cốt lõi, nếu an toàn quay trở lại trường, mới củng cố và mở rộng thêm. Chương trình cốt lõi chỉ là giải pháp chuyên môn, các nội dung kiểm tra, đánh giá cũng dựa trên chương trình cốt lõi, chứ không phải bê nguyên chương trình bên ngoài vào dạy trực tuyến.

Nêu thực tế có 1,5 triệu học sinh không có bất kỳ thiết bị, phương tiện nào để học trực tuyến, ĐBQH Nguyễn Danh Tú (Kiên Giang) đề nghị Bộ trưởng cho biết, việc học trực tuyến của 53,9% số học sinh có hoàn cảnh khó khăn sẽ như thế nào? Bộ trưởng đánh giá chất lượng học trực tuyến như thế nào, nhất là học sinh tiểu học đầu cấp. Giải pháp củng cố, bổ sung kiến thức cho học sinh sau thời gian học trực tuyến?

Cho rằng, dạy và học trực tuyến không phải là việc của riêng nước ta, mà cả thế giới đều phải làm, có những nước phải dạy trực tuyến toàn thời gian, Bộ trưởng cho biết, đối với nước ta, chúng ta đã có kinh nghiệm chuẩn bị trong đợt dịch trước, việc dạy trực tuyến đã có từ năm 2019 – 2020; với tư cách dạy bổ trợ, hình thức trực tuyến cũng đã có từ lâu. Nhưng bước vào năm 2021, quy mô, tính chất, thời gian dạy và học trực tuyến là chưa từng có kinh nghiệm và tiền lệ. Nhiều nước phát triển khi chuyển sang dạy trực tuyến toàn thời gian cũng không tránh khỏi có thách thức. Ở nước ta, ngành giáo dục, thày và trò chuyển sang học trực tuyến trong bối cảnh hết sức khó khăn, dù Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến chuyển đổi số quốc gia, phát triển hạ tầng công nghệ, nhưng vẫn còn những khó khăn.

Bộ trưởng nói: “theo thống kê, không phải 1,5 triệu học sinh không có trang thiết bị học tập mà là trên 1,8 triệu học sinh hiện không có thiết bị gì trong tay để học tập. Có được điện thoại đã là tốt. Có gia đình 2 -3 anh, chị em mới có một điện thoại để học. Đây là việc bất đắc dĩ để ứng phó. Cho nên, ở nhiều nơi trước khi quan tâm đến chất lượng, thì mong rằng hãy quan tâm để số các cháu không có thiết bị trong tay, một phần các cháu đang dần dần bỏ học vì không học được - đó là vấn đề cấp bách hơn trước khi đánh giá xem các cháu học được gì. Một số nơi việc học là để duy trì cảm giác học tập, đón nhận tư duy trong học tập. Đây là thực tế. Nhưng có điều đáng mừng, là ở khu vực Tây Bắc, thời gian vừa qua lại được học trực tiếp nhiều, những nơi khó khăn bậc nhất, địa hình chia cắt đang được học trực tiếp”.

Để đánh giá chất lượng, đối với việc thực thi, Bộ đã có theo dõi thường xuyên hàng ngày, xem diễn biến các đơn vị dạy đến đâu, giáo viên dạy như thế nào, tình hình tương tác ra sao, khó khăn như thế nào. "Chúng tôi đang hỗ trợ trang thiết bị máy tính, toàn ngành huy động hỗ trợ trên 140 nghìn máy tính. Trong tháng 11 trên 50 nghìn máy tính được chuyển đến các nơi và công việc này sẽ còn tiếp tục. Đánh giá mới chỉ trên sơ bộ, nhưng đánh giá đầy đủ thì chúng ta phải tiến hành điều tra, khảo sát. Nhưng chắc chắn học trực tuyến có thách thức và khó bảo đảm chất lượng, không thể như học trực tiếp.

Bộ trưởng nêu rõ: “chúng tôi cũng có công văn yêu cầu nhà trường bổ sung kiến thức khi học sinh quay trở lại trường; Tuy nhiên, khi học sinh trở lại trường, việc đầu tiên đừng lôi các em ra đánh giá có gì trong đầu ngay, để các em làm quen lại môi trường, học cách phòng, chống dịch cho bản thân, lấy lại tinh thần, tâm lý thư thái. Đừng nhồi nhét ngay, không quẳng ngay vào tay các em các loại phiếu khảo sát, đánh giá. Cân đo đong đếm xem mức độ đạt đến đâu là câu chuyện tiếp tục và mọi chuyện đang ở phía trước”

Bàn về giải pháp, Bộ trưởng thẳng thắn, căn cứ vào nội dung chương trình cốt lõi nhà trường củng cố kiến thức, khi quay trở lại trường học trực tiếp sẽ không bỏ bài giảng trên truyền hình và công cụ dạy học trực tuyến nếu đã có, tránh tình trạng cực đoan đến lớp bỏ hết, mà phải coi đó là công cụ hỗ trợ. Khi các em quay trở lại trường học thì giáo viên có trách nhiệm làm đánh giá em học sinh trong lớp mức độ đến đâu để phân ra các nhóm, tùy theo khả năng của từng em. Rõ ràng, khi quay trở lại học tập thì chất lượng trong một lớp không thể đồng đều như học trực tiếp trước kia nữa, có cháu thiết bị tốt, bố mẹ kèm tốt thì có thể tốt hơn, có em thiết bị phập phù, bố mẹ không sát sao bằng, nên có thể kém hơn. Cần triển khai hỗ trợ theo nhóm, thực hiện phương pháp dạy học theo hướng “cá thể hóa” là phù hợp cho các lớp có nhiều trình độ. Chúng ta cần giải pháp tổng thể về chuyên môn, tăng cường trang thiết bị, tư vấn tâm lý, hỗ trợ… Bộ Giáo dục và Đào tạo đặc biệt lưu ý, sự hỗ trợ giáo viên cho các em có sự chênh lệch về kiến thức, kỹ năng sau thời gian dài học trực tuyến.

Hoàng Ngọc