ĐBQH Đặng Ngọc Huy (Quảng Ngãi): Ưu tiên nguồn lực cho mục tiêu kép

- Thứ Ba, 09/11/2021, 13:06 - Chia sẻ
Phát biểu sáng nay, đại biểu Đặng Ngọc Huy cho rằng, năm 2021 do ảnh hưởng nghiêm trọng của đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư, tăng trưởng kinh tế đã giảm ở hầu hết các ngành, lĩnh vực, địa phương.
Đại biểu Đặng Ngọc Huy (Quảng Ngãi)
Ảnh; Quang Khánh

Tuy nhiên, theo đại biểu Đặng Ngọc Huy, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đoàn kết, đồng tình ủng hộ của các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc, KT - XH năm 2021 tiếp tục đạt được 1 số kết quả tích cực như đã đề cập trong báo cáo của Chính phủ cũng như báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế.

Trong thời gian tới, đại dịch Covid-19 dự báo vẫn còn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, tiềm ẩn nhiều rủi ro, kinh tế thế giới phục hồi không đồng đều, nhiều bất định, sản xuất công nghiệp tăng trưởng chậm, đứt gẫy chuối cung ứng, tiêu thụ vẫn hiện hữu … Trên cơ sở đó, đại biểu Đặng Ngọc Huy đề nghị Chính phủ đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19, sớm triển khai tiêm chủng cho người dưới 18 tuổi để tạo miễn dịch cộng đồng.

Đồng thời quan tâm hỗ trợ chuyển giao công nghệ, đầu tư nghiên cứu, bào chế và sản xuất vaccine trong nước để chúng ta có thể chủ động nguồn cung, tự chủ vaccine trong thực hiện chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19. Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, nhân lực cho y tế cơ sở cũng như có cơ chế để huy động sự tham gia của y tế tư nhân trong phòng, chống dịch Covid-19.

Khẩn trương chuẩn bị và triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, chú trọng phương án cung ứng lao động trong và sau các làn sóng dịch cho các doanh nghiệp nhất là tại các tỉnh Đông Nam Bộ do một lượng lớn lao động dịch chuyển từ các tỉnh, thành phố lớn về quê. Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế nhằm có thể huy động và phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn cũng như cải cách, hoàn thiện thể chế, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, gồm cả thể chế phát triển kinh tế số, xã hội số và chính phủ số.

Qua các cuộc tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ Hai, đại biểu cho biết, trong quá trình thực hiện Nghị quyết 18 của Trung ương cũng như các nghị quyết của UBTVQH, cử tri cũng đề nghị Chính phủ sớm sớm nghiên cứu sửa đổi Nghị định 34 để nâng mức hỗ trợ, tạo tâm lý an tâm công tác, giúp chính quyền cơ sở hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

“Trong đó sắp xếp tổ chức lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, sáp nhập các thôn, tổ dân phố (riêng tỉnh Quảng Ngãi đã giảm 202 thôn, tổ dân phố, giảm chi khoảng 20 tỷ đồng/năm so với trước). Sau khi sáp nhập, địa bàn xã, thôn, tổ dân phố rộng hơn, số công dân quản lý đông hơn trong khi số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã hay chúng ta hay gọi là những người ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng theo quy định của Nghị định 34/2019 của Chính phủ giảm so với trước đây nhưng mức phụ cấp lại thấp chỉ khoảng 1,6 - 1,7 triệu đồng/tháng bao gồm cả hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế nên nhiều nơi đã có tình trạng xin thôi làm việc, ảnh hưởng đến hiệu quả của hoạt động của chính quyền cơ sở,” đại biểu Đặng Ngọc Huy chia sẻ từ thực tế địa phương.

Thực hiện Nghị quyết 867 của UBTVQH, huyện Lý Sơn tỉnh Quảng Ngãi đã giải thể 3 xã để xây dựng chính quyền 1 cấp (cấp Huyện). Đây là chủ trương phù hợp với điều kiện diện tích tự nhiên, giảm cấp trung gian, việc chỉ đạo, điều hành thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT - XH, quốc phòng an ninh ở địa phương nhanh chóng, kịp thời.

Tuy nhiên, do chỉ còn chính quyền cấp huyện nên nhân dân trên địa bàn huyện Lý Sơn không còn được hưởng các chính sách áp dụng đối với xã đảo đặc biệt khó khăn như chế độ mua bảo hiểm y tế, chi phí khám chữa bệnh, hỗ trợ tiền ăn trưa cho cấp bậc mầm non, hỗ trợ giảm tiền học phí cho học sinh, sinh viên, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác tại vùng có điều kiện KTXH đặc biệt khó khăn…

Do vậy, cử tri đề nghị Chính phủ nghiên cứu cho huyện đảo Lý Sơn, quê hương của đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải tiếp tục được hưởng các chính sách áp dụng đối với xã đảo đặc biệt khó khăn, giúp người dân yên tâm sinh sống, lao động sản xuất và công tác, tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Nam Anh