ĐBQH Hồ Thị Kim Ngân (Bắc Kạn): Rà soát trình sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật liên quan đến thu ngân sách

- Thứ Bảy, 30/10/2021, 15:55 - Chia sẻ
Để cơ cấu vốn Ngân sách Trung ương và Ngân sách địa phương đạt được như Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch đầu tư công, bảo đảm vai trò chủ đạo của Ngân sách Trung ương, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân cho rằng, Chính phủ cần rà soát trình sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật liên quan đến thu ngân sách và các văn bản pháp luật về thuế, phí, lệ phí. Đồng thời thực hiện quyết liệt, triệt để các giải pháp nhằm tập trung các khoản thu phí, lệ phí của các cơ quan, doanh nghiệp Nhà nước.
Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Hồ Thị Kim Ngân phát biểu ý kiến tại điểm cầu tỉnh Bắc Kạn
Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Hồ Thị Kim Ngân phát biểu tại điểm cầu tỉnh Bắc Kạn

Theo đại biểu Hồ Thị Kim Ngân, Luật Quy hoạch 2017 được thông qua với mong muốn các quy hoạch được ban hành sẽ tăng cường liên kết vùng, phát huy tối đa tiềm năng và lợi thế của từng vùng, từng địa phương; phát huy hiệu quả trong khai thác và sử dụng nguồn lực của đất nước để thúc đẩy phát triển bền vững, góp phần bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Và trong mối quan hệ giữa các quy hoạch thì quy hoạch tổng thể quốc gia là cơ sở để lập các loại quy hoạch.

Nhưng hiện nay, Quy hoạch tổng thể quốc gia chưa được phê duyệt. Thời kỳ của các loại quy hoạch như: Quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch tỉnh trước đó chỉ kéo dài đến năm 2020. Việc chưa có quy hoạch khiến quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh; định hướng khai thác hiệu quả hợp tác, liên kết vùng, gia tăng lợi ích lan tỏa, nâng cấp chuỗi giá trị của các ngành có thế mạnh vùng gặp khó. Vì vậy, đại biểu đề nghị, Chính phủ cần quyết liệt trong chỉ đạo xây dựng và trình Quốc hội các quy hoạch như: Quy hoạch tổng thể quốc gia; không gian biển quốc gia. Sớm phê duyệt các quy hoạch thuộc thẩm quyền, trong đó đặc biệt quan tâm đến quy hoạch trọng điểm vùng lâm nghiệp để các ngành, địa phương đánh giá lại toàn bộ các hoạt động trong giai đoạn trước…

Liên quan đến vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân nhận định: Ngân sách Trung ương giữ vai trò chủ đạo, bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ chi quốc gia, hỗ trợ địa phương chưa cân đối được ngân sách và hỗ trợ các địa phương theo quy định. Tuy nhiên, trong các báo cáo về đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, cơ cấu Ngân sách Nhà nước (NSNN), vốn đầu tư nguồn ngân sách Trung ương chỉ bằng 44,4%, nguồn ngân sách địa phương đạt 55,6% tổng số thực hiện. Có thể thấy rõ hơn tỷ lệ chi đầu tư ngân sách Trung ương giảm dần qua các năm (vốn đầu tư nguồn ngân sách Trung ương so với tổng số vốn đầu tư nguồn NSNN năm 2016 là 55,61%, năm 2017 là 49,57%, năm 2018 là 46,07%, năm 2019 chỉ còn 43,65%), điều này ảnh hưởng đến vai trò chủ đạo của Ngân sách Trung ương.

Để bảo đảm cơ cấu vốn ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương đạt được như Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch đầu tư công đặt ra, bảo đảm vai trò chủ đạo của Ngân sách Trung ương, đại biểu tỉnh đề nghị: Chính phủ rà soát trình sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật liên quan đến thu ngân sách như: Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản pháp luật về thuế, phí, lệ phí. Đồng thời, thực hiện quyết liệt, triệt để các giải pháp nhằm tập trung các khoản thu phí, lệ phí của các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp Nhà nước thu vào NSNN. Nhằm khắc phục các tồn tại, bất cập trong thực hiện thu NSNN. Đặc biệt, đối với các hoạt động chuyển giá, thương mại điện tử và các hình thức kinh doanh trên nền tảng số; Quỹ tài chính có nguồn thu, nhiệm vụ chi trùng với NSNN không còn phù hợp; cân nhắc trong việc điều tiết khoản thu Ngân sách Trung ương về địa phương để vừa bảo đảm vai trò chủ đạo của Ngân sách Trung ương vừa bảo đảm cho phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Khánh Duy