Quốc hội thảo luận về kinh tế-xã hội, phòng, chống dịch Covid-19

ĐBQH Lê Hoàng Anh (Gia Lai): Chính phủ cần quan tâm đẩy mạnh đầu tư và chi tiêu nhà nước

- Thứ Hai, 08/11/2021, 21:00 - Chia sẻ
Đại dịch Covid-19 đã tác động sâu sắc ảnh hưởng tiêu cực đến KT-XH nước ta, có thể lấy đi nhiều thành tựu đạt được trong mấy chục năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước. Ban đầu, không ít cử tri và Nhân dân lo lắng cho Chính phủ vì vừa nhận nhiệm vụ đã đối mặt với những vấn đề to lớn chưa có trong tiền lệ. Có thể ví Chính phủ và Người đứng đầu Chính phủ cùng lúc "vừa phải vượt qua núi, vừa phải vượt qua biển". Tuy nhiên, đến giờ có thể thấy chúng ta đã vượt qua thời khắc cam go nhất.
ĐBQH Lê Hoàng Anh (Gia Lai) phát biểu
Ảnh: Quang Khánh

Cử tri và nhân dân đánh giá rất cao sự bình tĩnh, tự tin, quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự đồng hành vào cuộc từ sớm, từ xa của Quốc hội, của Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội; sự chia sẻ kinh nghiệm chống dịch và xử lý những vấn đề khó khăn trong điều hành phát triển kinh tế - xã hội của Chủ tịch Nước.

Mặc dù trong những tháng cuối năm và sang năm dự báo còn rất nhiều khó khăn, thách thức rất lớn, nhiều yếu tố khó lường, chúng ta vừa phải bảo đảm sức khỏe, tính mạng người dân, vừa phải phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trong khi đó, nội lực của nền KT-XH bộc lộ không ít khuyết thiếu, yếu kém. Nhưng đây cũng là thời điểm Nhân dân tin vào Chính phủ sẽ thành công trong việc đưa nước ta chuyển sang trạng thái bình thường mới, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, phục hồi và phát triển KT-XH. Bởi vì Chính phủ và người đứng đầu Chính phủ đã có được ba lợi thế rất lớn.

Thứ nhất, ý thức cộng đồng và niềm tin của cử tri và nhân dân đối với Chính phủ. Thứ hai, niềm tin vào Chính phủ và sự tự tin vượt qua thách thức của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân. Thứ ba, niềm tin và sự chia sẻ, hỗ trợ hợp tác của cộng đồng quốc tế đối với Chính phủ trong khó khăn, thách thức, đặc biệt yếu tố phức tạp biến thiên thì cần phải đưa mọi sự phức tạp biến thiên ấy trở về cơ bản để giải quyết.

Với niềm tin cũng như tinh thần đồng hành của Quốc hội, tôi đề xuất Chính phủ hai nội dung sau:

Thứ nhất, Chính phủ cần quyết liệt chỉ đạo rà soát, xác định chính xác các dữ liệu, số liệu cơ bản để phục vụ hoạch định chính sách và điều hành của Chính phủ. Qua đại dịch, chúng ta đã thấy rõ một bộ phận lớn người dân phụ thuộc vào nền kinh tế phi chính thức đã gây khó khăn cho Chính phủ trong việc thống kê, đưa ra và thực hiện các gói chính sách. Và điều quan trọng nhất là cần tiếp tục đổi mới tư duy cán bộ từ Trung ương cho đến cơ sở. Mấy chục năm đất nước ta thực hiện công cuộc đổi mới, mang lại nhiều thành tựu to lớn cũng xuất phát từ đổi mới tư duy, từ mở cửa và lưu thông. Tuy nhiên, qua phòng chống dịch Covid-19 đã cho thấy không ít cán bộ đã hiểu sai lệch. Mỗi xã, phường là một "pháo đài", chưa vượt qua được tư duy "hàng rào dây thép gai" là dựng rào chắn bằng đủ các loại ống, cống bê tông.

Thứ hai, để tăng GDP, đây là thời điểm Chính phủ cần tăng tổng cầu, trải qua 4 làn sóng dịch trong 2 năm liên tiếp, cầu của nền kinh tế đã giảm rất thấp. Việc tăng cầu có thể làm tăng lạm phát. Tuy nhiên, việc tăng lạm phát ở một mức độ phù hợp và trong ngắn hạn trong kiểm soát là cần thiết. Để tăng tổng cầu, tôi cho rằng Chính phủ cần quan tâm đẩy mạnh đầu tư và chi tiêu nhà nước.

Khi Chính phủ đẩy mạnh và hoàn thành sớm việc bao phủ tiêm phòng vaccine Covid-19, thì việc đẩy mạnh chi tiêu nhà nước cho giáo dục, y tế, hỗ trợ an sinh xã hội là cần thiết. Bên cạnh đó, Chính phủ cần tập trung tháo gỡ các nút thắt về đấu thầu để việc mua sắm công, nhất là mua sắm công xanh được đẩy mạnh. Chính phủ cần quyết liệt, hiệu quả trong việc đẩy mạnh đầu tư, bao gồm cả đầu tư công và đầu tư tư nhân, đầu tư công trong lúc khó khăn này lại càng đóng vai trò quan trọng, thúc đẩy sự phục hồi KT-XH, phải thực sự dẫn dắt và "vốn mồi" để huy động các nguồn lực khác. Chính phủ cần tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh các dự án công trình trọng điểm quốc gia, đặc biệt là công trình giao thông, thủy lợi, công nghệ thông tin, đổi mới sáng tạo. Các dự án đầu tư công thuộc các lĩnh vực này chiếm tỷ trọng rất lớn trong vốn đầu tư công đã bố trí. Kiên quyết điều chuyển vốn từ các dự án, lĩnh vực địa phương, bộ, ngành chậm giải ngân sang các dự án địa phương, bộ, ngành giải ngân tốt. Đi đôi với xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu đối với những nơi giải ngân thấp, đồng thời cần giải ngân cho được vốn mà Quốc hội đã bố trí cho 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Bất cứ quốc gia nào, khu vực tư nhân luôn là động lực tăng trưởng kinh tế, nhất là vai trò của khu vực tư nhân đối với tăng trưởng các nước đang phát triển. Khu vực này tạo ra nhiều việc làm tài trợ cho các lĩnh vực của nền kinh tế, đóng thuế cho Chính phủ, cung cấp nhiều dịch vụ thiết yếu, là nơi sản xuất hàng xuất khẩu rất lớn của nước ta. Trong 5 năm qua, số dự án của khu vực tư nhân tăng liên tục, riêng năm 2020 đầu tư tư nhân Việt Nam tiếp tục đạt được đỉnh cao với 59 giao dịch có giá trị thương vụ là 1.142 triệu USD. Tuy nhiên, so với tiềm năng thì đang còn rất khiêm tốn. Do đó, cần thiết phải thúc đẩy đầu tư vào khu vực tư nhân để mang lại sự phát triển cũng như cần tạo ra cơ chế, chính sách mới để khu vực tư nhân đầu tư vào các công trình dự án cho nền kinh tế, phục vụ các lợi ích công cộng và tư nhân, nhất là năm lĩnh vực giáo dục, y tế, công nghệ, năng lượng tái tạo và giao vận bên cạnh hạ tầng giao thông.

Anh Phương