ĐBQH Lê Minh Nam (Hậu Giang): Ưu tiên phân bổ nguồn lực giải quyết những nội dung trụ cột, dẫn dắt

- Thứ Bảy, 30/10/2021, 11:21 - Chia sẻ
Theo đại biểu Lê Minh Nam, thời gian quan, đối diện với những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, đất nước ta phải trải qua những khó khăn, thách thức không chỉ là "kép" mà đa chiều với những tác động qua lại, khó khăn, vướng mắc.
ĐBQH Lê Minh Nam (Hậu Giang)

Nhận định những khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn, để sớm ổn định kinh tế, xã hội, đại biểu đề xuất một số nội dung cần quan tâm tổ chức thực hiện kế hoạch thời gian tới:

Thứ nhất, trong bối cảnh khó khăn toàn diện, chúng ta cần tập trung ưu tiên phân bổ nguồn lực giải quyết những nội dung trụ cột, dẫn dắt phát triển cũng như an sinh xã hội quan trọng. Các nhiệm vụ ít cấp thiết nên xem xét, xử lý sau. Quan điểm lựa chọn ưu tiên là cần sự đồng thuận, chia sẻ của cả hệ thống chính trị và người dân để đoàn kết, đồng lòng thực hiện hiệu quả. Trong việc áp dụng chính sách tài khóa, tiền tệ cần hoạch định mục tiêu dài hạn, linh hoạt trong ngắn hạn, có khả năng áp dụng trong thực tế.

Thứ hai, để phát triển kinh tế số, cần tập trung đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu vận hành. Đại biểu cho rằng, năng lực, trình độ ứng dụng hiện nay chưa đảm bảo. Thực tế cho thấy chương trình đào tạo, thi tuyển đầu vào… yêu cầu kiến thức rộng, đào tạo nguồn nhân lực chung nhưng chưa có định hướng cụ thể cho yêu cầu của nền kinh tế số; trình độ hiểu biết, ứng dụng những thành tựu công nghệ mới của xã hội còn hạn chế. Vì vậy, nếu không chủ động giải quyết sẽ dẫn tới lãng phí khi công nghệ phát triển nhưng nguồn nhân lực không thể ứng dụng hiệu quả. Chỉ ra những tồn tại, hạn chế này, đại biểu đề nghị cần thiết phải triển khai các giải pháp đào tạo, cập nhật kiến thức kỹ năng cho nguồn nhân lực để các bên tương tác, kết nối, phát triển kinh tế số đồng bộ. Đồng thời, cần có kế hoạch giải quyết hậu quả của lao động dôi dư do sự phát triển của nền kinh tế số. Biến động cơ cấu lao động của nước ta sẽ rất khác biệt, nếu không chủ động kế hoạch giải quyết sớm sẽ xuất hiện các hệ quả tiêu cực trong thời gian tới.

Thứ ba, về đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững, toàn diện trong phạm vi toàn quốc, từ ý kiến cử tri và tìm hiểu thực tiễn sản xuất nông nghiệp tại Hậu Giang và đồng bằng sông Cửu Long, đại biểu cho rằng, đây là khu vực có đóng góp rất quan trọng nhưng hiện tại phải chịu những tác động rất đáng quan ngại về thực trạng xâm nhập mặn, biến đổi khí hậu, đặc biệt là hệ lụy của việc sử dụng quá mức nguồn nước đầu nguồn sông Mekong, đã làm sụt giảm nghiêm trọng độ màu mỡ của vùng đồng bằng này… Trên cơ sở đó, đại biểu đề nghị Chính phủ cần quan tâm đầu tư, phòng ngừa, hạn chế tác động bất ngờ, đồng thời xây dựng các giải pháp chủ động chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp; dự báo, cảnh cáo sớm nhằm lựa chiều hướng tự nhiên để phát triển bền vững. Bên cạnh đó, cần quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng, kho bãi, bảo quản để thúc đẩy tiêu thụ nông sản và phát huy được hiệu quả liên kết vùng...

Xuân Tùng