ĐBQH Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên): Tạo đột phá cho phát triển, động lực lan tỏa tới các tỉnh khác

- Thứ Năm, 28/10/2021, 14:45 - Chia sẻ
Tại điểm cầu Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên, đại biểu Nguyễn Đại Thắng bày tỏ nhất trí cao với Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách cũng như nội dung các dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển của thành phố Hải Phòng, các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa và Thừa Thiên Huế.

Việc trình Quốc hội xem xét thông qua các dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển của các địa phương nêu trên nhằm đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong việc thể chế hóa chủ trương, Nghị quyết của Trung ương, của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thành phố Hải Phòng, các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa và Thừa Thiên Huế. 

Phó trưởng Đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH Nguyễn Đại Thắng phát biểu tại điểm cầu tỉnh Hưng Yên

Việc áp dụng thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội nhưng khác với quy định của pháp luật hiện hành hoặc pháp luật chưa có quy định cụ thể; nhằm bảo đảm tính tương đồng với các tỉnh, thành phố trong cả nước có Nghị quyết riêng của Bộ Chính trị.

Việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển 04 địa phương nêu trên là cần thiết, nhằm thu hút nguồn lực đầu tư, tạo sự “đột phá” về cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững, tạo sự lan tỏa để phát triển các vùng miền lân cận. Chúng ta đặt ra mục tiêu phát triển kinh tế vùng thì phải có cơ chế, chính sách để tạo động lực đủ mạnh để thúc đẩy từng vùng phát triển. Các địa phương: Thành phố Hải Phòng, các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế là những địa phương có những vị trí quan trọng về địa lý, về kinh tế, văn hóa và an ninh quốc phòng; có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển. Việc áp dụng thí điểm cơ chế, chính sách cho các tỉnh, thành phố nêu trên là phù hợp, nhằm tạo động lực thu hút đầu tư, khai thác được tiềm năng, lợi thế của các địa phương áp dụng thí điểm và để tạo đột phá cho phát triển, có vai trò là động lực, lôi kéo, lan tỏa các khu vực xung quanh.

Để triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với các tỉnh, thành phố nêu trên sau khi được thông qua, đề nghị 04 địa phương được thực hiện thí điểm cần có Kế hoạch, chương trình để tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết và tạo ra sự “đột phá” trong phát triển, thực hiện được mục tiêu của Trung ương, của Bộ Chính trị và Quốc hội đặt ra và kỳ vọng. Đề nghị định kỳ đánh giá kết quả thực hiện, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và đề ra những giải pháp thực hiện có hiệu quả Nghị quyết. Sau thời gian thí điểm, cần có tổng kết, đánh giá đầy đủ, toàn diện việc thực hiện từng chính sách, từng cơ chế đặc thù đã thí điểm áp dụng; cái gì hiệu quả, phù hợp với thực tiễn sẽ tiếp tục áp dụng ở phạm vi rộng hơn, thể chế hóa thành pháp luật để triển khai thực hiện trong cả nước. Cơ chế, chính sách gì chưa phù hợp với thực tiễn, không phát huy hiệu quả sẽ dừng việc áp dụng thí điểm.

Trong các cơ chế, chính sách đặc thù thí điểm áp dụng với thành phố Hải Phòng và các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa và Thừa Thiên Huế như tăng giới hạn dư nợ vay tối đa, tăng bổ sung có mục tiêu từ tăng thu trên địa bàn; được quyết định áp dụng các loại phí, lệ phí chưa được quy định trong danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật phí và lệ phí. Đặc biệt là được áp dụng chính sách đặc thù về đất đai, được thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất vượt quá các quy định của pháp luật hiện hành liên quan đến đất trồng lúa 2 vụ, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất. Đây là ưu đãi đặc biệt để tạo điều kiện trong thu hút đầu tư, tăng cường nguồn lực để tạo đột phá cho phát triển ở những địa phương được lựa chọn áp dụng thí điểm. Tuy nhiên, đề nghị khi chuyển đổi mục đích với diện tích lớn sang để phục vụ phát triển công nghiệp, đô thị, thương mại - dịch vụ, du lịch thì cần làm tốt việc công khai lấy ý kiến người dân là đối tượng chịu sự tác động của việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai, để vừa tạo sự chủ động trong huy động nguồn lực, thu hút đầu tư các dự án lớn để tạo sự đột phá trong phát triển ở các địa phương, vừa bảo đảm hài hòa lợi ích, bảo đảm sinh kế, việc làm cho người bị thu hồi đất.

Theo VOV