ĐBQH Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang): Tăng cường liên kết vùng để phát triển

- Thứ Hai, 08/11/2021, 18:28 - Chia sẻ
Thảo luận tại hội trường chiều nay, 8.11, ĐBQH Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang) cho rằng, sự lúng túng của các địa phương, cả hai vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và đồng bằng sông Cửu Long trong “tâm bão" dịch Covid-19 giúp Việt Nam nhìn nhận rõ những hạn chế còn tồn tại và có những bài học sâu sắc. Để phát triển kinh tế một cách hiệu quả trong giai đoạn tiếp theo Chính phủ cần chỉ đạo quyết liệt hơn, hiệu quả hơn nữa trong việc xây dựng cơ chế quản lý, điều hành, phối hợp cụ thể, có tính pháp lý cao nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế thời gian qua và tạo điều kiện thúc đẩy phát triển liên kết vùng.

Để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, theo đại biểu, điều đầu tiên cần lưu ý đó là liên kết vùng. Thực tế, liên kết vùng còn lỏng lẻo, thể hiện rõ nhất là trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, vừa qua. Sự lúng túng của các địa phương, cả hai vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và đồng bằng sông Cửu Long trong “tâm bão dịch” vừa qua đã cho chúng ta một bài học sâu sắc. Nếu như các địa phương được liên kết chặt chẽ với nền tảng liên kết là cơ sở chia sẻ, điều phối nhân lực, vật lực, tài lực kịp thời thì có lẽ việc ứng phó dịch bệnh sẽ bớt đi những tình huống không đáng có.

ĐBQH Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang) phát biểu
Ảnh: Quang Khánh

"Tất nhiên, thời điểm bùng phát dịch có nhiều lúc chúng ta phải chấp nhận việc địa phương ngày cách ly với địa phương khác, tuy nhiên, nếu đã có sự liên kết vùng chặt chẽ thì không lý nào các tỉnh, thành phố trong vùng lại không tạo ra được những luồng xanh liên kết về nông sản, hàng hóa, đi lại, chăm sóc y tế và hỗ trợ khác nhau nhằm an dân, trong đó có việc giữ chân người lao động". Bởi vậy, đại biểu Sơn đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo quyết liệt hơn, hiệu quả hơn nữa trong việc xây dựng cơ chế quản lý, điều hành, phối hợp cụ thể, có tính pháp lý cao nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế thời gian qua và tạo điều kiện thúc đẩy phát triển liên kết vùng.

Một vấn đề nữa là theo số liệu của Hiệp hội Dịch vụ logistic Việt Nam, năm 2020, sản lượng container thông qua cảng biển đạt trên 22 triệu TEU với gần 700 triệu tấn hàng hóa. Tuy nhiên, đội tàu biển Việt Nam chỉ chiếm khoảng 7% thị phần vận tải, số còn lại nằm trong tay các hãng tàu nước ngoài. Để phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của dịch vụ logistic vào GDP đạt 5 - 6%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistic đạt 15 - 20%, chi phí logistic giảm xuống tương đương 16 - 20%, việc đẩy mạnh phát triển đội tàu container lớn phục vụ việc chuyên chở hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam bằng đường biển là yêu cầu hết sức cần thiết, cấp bách, nhất là thời gian qua, việc thiếu hụt vỏ container, giá cước vận tải biển tăng vọt đã ảnh hưởng nặng nề tới hoạt động xuất nhập khẩu và khả năng cạnh tranh của hàng hóa. Để phát triển đội tàu trọng tải cỡ lớn 50.000 đến 100.000 tấn có thể chuyên chở 4.000 đến 8.000 TEU thì cần phải thu hút nguồn vốn đầu tư lớn từ các thành phần kinh tế, thông qua việc nghiên cứu xây dựng, ban hành một số chính sách đặc thù như đấu thầu, chỉ định thầu giảm, miễn thuế, hỗ trợ tài chính trong giai đoạn đầu phát triển đội tàu, chính sách khuyến khích đào tạo sử dụng thuyền viên, chính sách khuyến khích hợp tác giữa các chủ tàu lớn, chủ hàng lớn.

Về các giải pháp hỗ trợ, ngày 19.10.2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 406 về một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19. Theo đó, kể từ ngày 1.11 đến hết ngày 31.12.2021, giảm thuế giá trị gia tăng đối với nhiều ngành dịch vụ là hợp lý vì sẽ gây hiệu ứng kích thích đến giá trị tăng thêm của nền kinh tế. Tuy nhiên, việc giảm giá trị gia tăng chỉ hai tháng có thể không đạt hiệu quả như mong muốn vì chu kỳ sản xuất của khu vực 1 là nông, lâm thủy sản và khu vực 2 là công nghiệp xây dựng có thể lâu hơn hai tháng. Do đó, đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động chính sách một cách kỹ lưỡng. Nếu Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép kéo dài thêm thời gian áp dụng đối với đối tượng này thì hiệu quả kinh tế mang lại sẽ cao hơn…

Đức Hiệp