ĐBQH Nguyễn Thành Trung (Yên Bái): Căn cơ hơn nữa trong xây dựng dự toán ngân sách năm 2022

- Thứ Hai, 08/11/2021, 18:33 - Chia sẻ
Trong điều kiện ngân sách còn có hạn, ngoài nhiệm vụ chi phòng, chống dịch còn dành nguồn lực để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, ĐBQH Nguyễn Thành Trung (Yên Bái) đề nghị, trong xây dựng dự toán ngân sách nhà nước 2022, cần căn cơ hơn nữa, bảo đảm thu đúng, thu đủ, tránh để thất thoát nguồn thu.

Bên cạnh đó cần, nghiên cứu các biện pháp đổi mới cách thức thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, nhất là các biện pháp liên quan đến xác định giá trị tiền sử dụng đất, tài sản cố định, thương hiệu, giá trị truyền thống của doanh nghiệp cổ phần hóa để bảo đảm hoàn thành mục tiêu đề ra. Bên cạnh đó, cần tiếp tục đẩy mạnh cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cần thiết để dành nguồn lực cho y tế và công tác phòng, chống dịch. Xây dựng chính sách tài khóa hỗ trợ có mục tiêu và duy trì chính sách tiền tệ phù hợp, tạo lực đẩy tổng hợp đủ lớn giúp các doanh nghiệp, người dân duy trì và phát triển hoạt động kinh doanh, đồng thời giám sát chặt chẽ rủi ro, ổn định tài chính trong bối cảnh dịch bệnh còn tiếp diễn.

ĐBQH Nguyễn Thành Trung (Yên Bái)
ĐBQH Nguyễn Thành Trung (Yên Bái)

Để có thêm nguồn lực cho ngân sách, ĐBQH Nguyễn Thành Trung cũng đề nghị, Chính phủ khẩn trương nghiên cứu trình Quốc hội sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, trong đó, đề nghị tăng mạnh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá và đồ uống có cồn. Bởi việc tiêu dùng thuốc lá, đồ uống có cồn có thể gây ra những gánh nặng về bệnh tật, tử vong và kinh tế ở cả cấp độ hộ gia đình và quốc gia. Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới, Việt Nam có trên 15 triệu người hút thuốc với số lượng tiêu thụ hàng năm khoảng hơn 4 tỷ bao. Mỗi năm xã hội phải bỏ ra khoảng 31.000 tỷ đồng để mua và khoảng 24.000 tỷ đồng để dành cho các chi phí y tế liên quan đến thuốc lá. Nguyên nhân chính là do mức giá và thuế thuốc lá của Việt Nam ở mức thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Năm 2019, giá trung bình một bao thuốc nhãn hiệu phổ biến nhất tại Việt Nam khoảng 20.000 đồng/bao, mức giá này thấp hơn nhiều so với giá trung bình ở các quốc gia khác và Việt Nam nằm trong số các quốc gia có giá thuốc lá thấp nhất trên thế giới. Để đạt được hiệu quả giảm tiêu dùng thuốc lá và tăng thu ngân sách, cần thay đổi chính sách về thuế đối với thuốc lá theo hướng bổ sung thuế tuyệt đối cùng với thuế tương đối đang áp dụng để chuyển sang hệ thống thuế hỗn hợp với mức đủ lớn. Cụ thể, nếu áp dụng mức thuế tuyệt đối 5.000 đồng/bao, bên cạnh thuế suất tỷ lệ là 75% đang áp dụng sẽ giúp giảm đáng kể số lượng người hút thuốc, đồng thời thu ngân sách nhà nước tăng khoảng 14.000 tỷ đồng/năm.

Đối với đồ uống có cồn, hiện nay tiêu dùng bia, rượu ở Việt Nam vẫn tiếp tục gia tăng, đặc biệt là trong giới trẻ, ảnh hưởng lớn đến y tế, kinh tế. Hiện giá rượu, bia cũng rất rẻ, sức mua tăng mạnh do thu nhập tăng nhanh trong khi giá rượu, bia tăng rất chậm. Tăng thuế để tăng giá các mặt hàng bia, rượu đã được chứng minh có tác động mạnh đến giảm nhu cầu sử dụng, đặc biệt là người tiêu dùng có thu nhập thấp và thanh thiếu niên sẽ giảm sử dụng nhiều hơn khi thuế và giá rượu tăng. Theo tính toán của các tổ chức khoa học, nếu tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với bia và rượu từ mức 6% hiện nay lên mức 85% thì lượng tiêu thụ sẽ giảm khoảng 150 triệu triệu lít bia và khoảng 3 triệu lít rượu, đồng thời thu ngân sách nhà nước tăng thêm khoảng 10.000 tỷ đồng. Do vậy, với việc tăng thu thuế thu nhập đặc biệt với thuốc lá và đồ uống có cồn sẽ góp phần để Việt Nam đạt được mục tiêu kép, vừa nâng cao sức khỏe nhân dân, đặc biệt là giới trẻ, tương lai của đất nước, vừa tăng thu cho ngân sách nhà nước.

Đức Hiệp