ĐBQH Nguyễn Thị Minh Trang (Vĩnh Long): Khắc phục triệt để tình trạng hình thức trong thi đua, khen thưởng

- Thứ Năm, 28/10/2021, 20:25 - Chia sẻ
Tham gia góp ý vào Dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thị Minh Trang đề nghị, cơ quan soạn thảo quy định cụ thể hơn một số nguyên tắc trong Dự thảo và soi chiếu với các Luật hiện hành để tránh chồng chéo, mâu thuẫn, dễ thực hiện trong thực tiễn. Đồng thời, bảo đảm được nguyên tắc cấp nào khen thì cấp đó thưởng để từng cấp, từng ngành chủ động xây dựng quỹ khen thưởng, để khen đi đôi với thưởng. Từ đó khuyến khích, cổ vũ, động viên cá nhân, tập thể hăng hái thi đua, lao động, công tác, sản xuất, kinh doanh, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương.

Bảo đảm đồng bộ, tránh chồng chéo, mâu thuẫn

Theo đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang, việc bổ sung nguyên tắc “Thành tích đến đâu khen thưởng đến đó”(vào Điểm d, Khoản 2, Điều 6) và “Quan tâm khen thưởng người trực tiếp lao động, sản xuất, học tập, công tác và khen thưởng tại địa bàn (vào Điểm đ, Khoản 2, Điều 6), không chỉ kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng mà còn khắc phục được những bất cập, hạn chế trong công tác thi đua, khen thưởng hiện hành, xóa bỏ tình trạng khen thưởng “cộng dồn thành tích”, bảo đảm khen thưởng đúng người, đúng việc và ưu tiên khen thưởng những người lao động trực tiếp, tạo điều kiện cho người lao động không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý được khen thưởng kịp thời khi lập thành tích cao. Tuy nhiên, theo đại biểu, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu quy định cụ thể hơn một số nguyên tắc trong dự thảo luật và soi chiếu với các luật hiện hành để tránh chồng chéo, mâu thuẫn; khuyến khích, cổ vũ, động viên cá nhân, tập thể hăng hái thi đua, lao động, công tác, sản xuất, kinh doanh, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương. Đồng thời, có sự logic với quy định mang tính nguyên tắc về Quỹ Thi đua, khen thưởng được quy định ngay tại Điều 91 Dự thảo.

ĐBQH Nguyễn Thị Minh Trang phát biểu thảo luận trực tuyến tại điểm cầu Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long - ảnh Hữu Tài
ĐBQH Nguyễn Thị Minh Trang phát biểu tại điểm cầu Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long
Ảnh: Hữu Tài

Đối với các hành vi bị cấm, đại biểu cho biết: Với 5 hành vi bị nghiêm cấm, dự thảo đã quy định khá toàn diện, thể hiện sự nghiêm minh trong thực hiện các quy định liên quan đến công tác thi đua, khen thưởng. Tuy vậy, quy định trên chỉ tập trung vào nhóm đối tượng tổ chức thực hiện thi đua, khen thưởng và nhóm đề nghị khen thưởng mà chưa đề cập đến nhóm đối tượng trung gian là những người thực hiện thủ tục thi đua, khen thưởng. Vì vậy, cần nghiên cứu để có những quy định cụ thể hơn nhằm hạn chế tối đa các hành vi cản trở, nhũng nhiễu, gây khó khăn trong thi đua, khen thưởng.

Liên quan đến các quy định mới về danh hiệu “Xã tiêu biểu”, “Phường, thị trấn tiêu biểu”, “Thôn, làng, ấp, bản tổ dân phố tiêu biểu” (Điều 26, 27, 28), đại biểu đánh giá: Tiêu chuẩn đầu tiên để xem xét “xã tiêu biểu” là “xã đạt chuẩn nông thôn mới”, phù hợp với việc thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới trên phạm vi cả nước, Như vậy, tiêu chuẩn đặt ra đối với “Phường, thị trấn tiêu biểu” có nhất thiết phải là “phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh” hay không thì dự thảo luật chưa đề cập đến vấn đề này. Theo đó, cơ quan soạn thể nghiên cứu thêm để bảo đảm sự đồng bộ trong quy định pháp luật. Đại biểu cũng đề nghị, cần có cách tiếp cận phù hợp và quy định thống nhất, cụ thể về phạm vi, quy mô của các tiêu chí “tiêu biểu”, “gương mẫu”, “dẫn đầu” để tránh sự chồng chéo, trùng lặp. “Quy định một kiểu và tùy nghi bình xét làm ảnh hưởng đến chất lượng các phong trào thi đua, làm cho việc thi đua ở cơ sở chỉ mang tính hình thức, hiệu quả không cao, sức lan tỏa kém”, đại biểu nhấn mạnh.

Thực hiện chính sách đối với lực lượng TNXP là cần thiết

Đại biểu cũng bày tỏ nhất trí với báo cáo thẩm tra của Ủy ban xã hội và Báo cáo đánh giá tác động chính sách của Bộ Nội vụ đối với việc bổ sung hình thức, đối tượng, tiêu chuẩn khen thưởng Huy chương TNXP vẻ vang (Điều 51, 55) . Theo đại biểu, việc dành ra khoản kinh phí hơn 2000 tỷ để thực hiện chính sách cho nhóm đối tượng có nhiều cống hiến lớn lao cho Tổ quốc là cần thiết. Tuy nhiên, Chính phủ cần nghiên cứu, cân nhắc, tính toán lộ trình, thời điểm thực hiện chính sách này phù hợp. Qua đó, vừa động viên tinh thần đối với lực lượng TNXP thời kỳ kháng chiến, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của Đảng và Nhà nước ta, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ đồng thời động viên khuyến khích lực lượng TNXP thời kỳ mới tiếp tục cống hiến cho đất nước vừa bảo đảm ưu tiên nguồn lực phục vụ cho kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế, tái thiết kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội sau những tác động trực tiếp, tiêu cực của đại dịch Covid-19.

Các đại biểu dự thảo luận trực tuyến tại điểm cầu tỉnh Vĩnh Long - ảnh: Hữu Tài
Các đại biểu dự thảo luận trực tuyến tại điểm cầu tỉnh Vĩnh Long
Ảnh: Hữu Tài

Bên cạnh đó, để việc xét tôn vinh và trao tặng giải thưởng cho doanh nhân, doanh nghiệp (Khoản 2, Điều 80) đi vào thực chất, khắc phục những bất cập trong các quy định hiện hành, đại biểu cũng đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung những quy định mang tính nguyên tắc để bao quát hết các nhóm đối tượng doanh nhân, doanh nghiệp; đồng thời, xác định rõ thủ tục, hồ sơ, hình thức khen thưởng, tôn vinh, tuyến trình khen thưởng theo hướng bảo đảm cải cách thủ tục hành chính và phù hợp với thực tiễn tổ chức, hoạt động của doanh nhân, doanh nghiệp nhà nước và tổ chức khu vực ngoài Nhà nước. Đặc biệt, cần có quy định về hình thức khen thưởng thuộc thẩm quyền của các tập đoàn kinh tế cho phù hợp với quy mô và vai trò của loại hình tổ chức kinh tế này đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước…

HỮU TÀI - MẠNH TUÂN