ĐBQH Nguyễn Thị Minh Trang (Vĩnh Long): Tạo “cơ chế thị trường điện ảnh” thông thoáng, lành mạnh, công khai, minh bạch

- Thứ Năm, 28/10/2021, 18:35 - Chia sẻ
Đóng góp ý kiến hoàn thiện Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thị Minh Trang cho rằng: Việc điều chỉnh, bổ sung một số quy định so với Luật hiện hành là bước hợp lý nhằm kịp thời thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về văn hóa nói chung và điện ảnh nói riêng, đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Qua đó, đáp ứng yêu cầu phát triển văn hóa nghệ thuật trong tình hình mới và thực hiện hiệu quả các cam kết trong điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.

Bảo đảm bình đẳng giữa các thành phần tham gia hoạt động điện ảnh

Trên quan điểm thống nhất với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa - Giáo dục, Đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang cũng đóng góp một số nội dung để Quốc hội và Ban soạn thảo hoàn thiện Dự án Luật quan trọng này.  Về chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh (Điều 5), đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu thiết kế lại Điểm c, Khoản 1 nhằm bảo đảm tính bao quát phục vụ cho các nhóm đối tượng. Trong đó, có chính sách ưu tiên đầu tư phát hành, phổ biến phim, cung cấp kinh phí tổ chức, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật chiếu phim phục vụ cho nhóm đối tượng yếu thế là “người cao tuổi, người khuyết tật”.

ĐBQH Nguyễn Thị Minh Trang phát biểu thảo luận trực tuyến tại điểm cầu Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long - ảnh: Hữu Tài
ĐBQH Nguyễn Thị Minh Trang phát biểu tại điểm cầu Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long
Ảnh: Hữu Tài

Về phát triển công nghiệp điện ảnh (Điều 6), theo đại biểu, việc đưa ra những quy định phát triển công nghiệp điện ảnh sẽ tạo hành lang pháp lý thuận lợi mở đường cho việc xây dựng và hình thành các chính sách đột phá phát triển điện ảnh, tạo điều kiện thuận lợi để mọi tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh một cách bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh, cùng đóng góp xây dựng nền điện ảnh Việt Nam mang đậm bản sắc dân tộc, tiên tiến và hiện đại trong tương lai. Tuy nhiên, Nhà nước chủ trương phát triển công nghiệp điện ảnh theo các chính sách quy định tại Điều 5 và các biện pháp thể hiện tại Điều 6 Dự thảo là chưa đủ lực, chưa đủ tầm để phát điện ảnh như là một ngành công nghiệp. Vì vậy, cần thiết phải mở rộng chính sách ưu đãi, có cơ chế hỗ trợ đối với các nhà sản xuất bằng nguồn vốn ngoài ngân sách Nhà nước, tạo “cơ chế thị trường điện ảnh” thông thoáng, lành mạnh, công khai, minh bạch theo các cam kết quốc tế.

Đối với vấn đề sản xuất phim sử dụng ngân sách Nhà nước (Điều 15), đại biểu Trang cho biết: Khoản 2, Điều 15 Dự thảo Luật mới chỉ liệt kê các cơ quan: “Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan trung ương của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương” là chủ đầu tư dự án sản xuất phim sử dụng ngân sách Nhà nước. “Vậy, các cơ quan khác ở Trung ương như: Quốc hội, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao... có được sử dụng ngân sách Nhà nước hay không”, đại biểu đặt vấn đề.

Đồng thời, đại biểu cũng đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu thêm để có quy định cụ thể, bao quát hơn và khi triển khai thực hiện không bị lúng túng.  Có thể quy định lại thành: “Chủ đầu tư dự án sản xuất phim sử dụng ngân sách Nhà nước là các cơ quan Nhà nước từ cấp tỉnh trở lên và tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội ở Trung ương”.

Đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang cũng bày tỏ đồng tình với phương án 2: “Giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng (đối với phim có nội dung, đề tài phục vụ nhiệm vụ chính trị) hoặc đấu thầu (đối với phim có các nội dung khác)” tại Khoản 4, Điều 15 Dự thảo. Bởi, trong bối cảnh pháp luật Việt Nam ngày càng hoàn thiện, nhất là Luật Đấu thầu đang thể hiện tính ưu việt, minh bạch và công bằng trong điều chỉnh các mối quan hệ liên quan đến đầu tư phát triển thì quy định như phương án 2 sẽ khắc phục tình trạng độc quyền, tạo cơ hội cho các nhà sản xuất phim Nhà nước và tư nhân cùng tham gia, nâng cao tính cạnh tranh, sản phẩm điện ảnh khi hình thành sẽ được tối đa hóa chất lượng và tối thiểu hóa chi phí. Từ đó, nguồn lực đầu tư từ ngân sách Nhà nước sẽ hiệu quả hơn.

Phát huy vai trò của công tác “tiền kiểm”, “hậu kiểm”

Về xuất khẩu phim, nhập khẩu phim (Điều 18), đại biểu cho rằng, Khoản 2, khoản 3, Điều 18 Dự thảo luật chỉ mới quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở nhập khẩu phim trong phổ biến biến, quản lý, sử dụng phim, quy định việc phim nhập khẩu không vi phạm các quy định về nội dung và hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh. Như vậy là chưa bao quát hết thực trạng quản lý nhập khẩu phim hiện nay. Nhất là tình trạng mất cân bằng của thị trường điện ảnh Việt Nam, sự chênh nhau rõ rệt về tỷ lệ và tần suất xuất hiện giữa phim ngoại và phim Việt. Với quan điềm này, đại biểu đề nghị có thêm quy định cụ thể, chi tiết về điều kiện, tiêu chuẩn để giám sát việc nhập khẩu phim nước ngoài.

Các đại biểu dự thảo luận trực tuyến tại điểm cầu tỉnh Vĩnh Long - ảnh: Hữu Tài
Các đại biểu dự thảo luận trực tuyến tại điểm cầu tỉnh Vĩnh Long
Ảnh: Hữu Tài

Đề cập đến nội dung phổ biến phim trên không gian mạng (Điều 22), đại biểu thống nhất cao với quy định bổ sung cơ chế mang tính “hậu kiểm” trong phổ biến phim trên không gian mạng. Song, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định chặt chẽ hơn về tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện cơ chế “hậu kiểm” nội dung phim để đảm bảo hiệu quả, kịp thời kết hợp với chế tài nghiêm khắc xử lý vi phạm. Riêng đối với một số phim có nội dung về chính trị, quốc phòng - an ninh... thì cần quy định chặt chẽ cơ chế “tiền kiểm” và giao Chính phủ quy định chi tiết việc triển khai thực hiện.

Về quảng cáo phim (Điều 26), đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung những quy định cụ thể về cơ chế “tiền kiểm” chặt chẽ trong hoạt động quảng cáo phim, không để xảy ra những biến tướng tiêu cực, không để những lợi nhuận từ thương mại hóa hoạt động quảng cáo phim chi phối và tác động tiêu cực tới văn hóa, nhận thức của công chúng, nhất là giới trẻ; tạo tiền lệ xấu và cách nhìn nhận méo mó, phiến diện trong đời sống nghệ thuật, để các tác phẩm điện ảnh vừa chinh phục được công chúng, vừa bảo đảm giá trị lành mạnh, tính minh bạch đối với nghề nghiệp.

Đối với quy đinh về cấp giấy phép phân loại phim (Điều 28), theo đại biểu, đây là nhiệm vụ có liên quan đến việc hậu kiểm cả chuỗi công việc tiếp theo, trong đó, có cả việc phổ biến phim. Cần thiết nên giao thẩm quyền này cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để đảm bảo tính chuyên nghiệp, tính khoa học nghệ thuật và thực tiễn. Song song đó, cần thiết phải bổ sung xây dựng bộ tiêu chí phân loại phim để đảm bảo việc phân loại phim (Điều 33) đi vào thực chất.

HỮU TÀI - MẠNH TUÂN