ĐBQH Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa - Vũng Tàu): Hoàn thiện hành lang pháp lý để sắp xếp, nâng cao hiệu quả các tổ chức tín dụng

- Thứ Ba, 09/11/2021, 18:09 - Chia sẻ
Thảo luật tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội năm 2021 và dự kiến kế hoạch năm 2022, ĐBQH Nguyễn Thị Yến cho rằng, trong điều kiện dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, các tỉnh, thành phố phải ưu tiên ngân sách chi cho công tác phòng, chống dịch; triển khai nguồn vốn theo kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Vì vậy, cần quan tâm cân nhắc tỷ lệ điều tiết ngân sách cho phù hợp trong thời gian tới.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Yến, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều bất ổn, bị ảnh hưởng nặng nề từ các đợt bùng phát dịch, nợ công tăng mạnh, thị trường tài chính tiền tệ tiềm ẩn nhiều rủi ro, áp lực lạm phát và nguy cơ khủng hoảng. Song đối với Việt Nam, kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm. Thu ngân sách nhà nước cả năm ước vượt dự toán. Các quyết sách và kết quả ấn tượng này là nền tảng quan trọng để phục hồi nền kinh tế những tháng cuối năm 2021 và năm 2022.

ĐBQH Nguyễn Thị Yến phát biểu thảo luận
ĐBQH Nguyễn Thị Yến phát biểu thảo luận

Về các hạn chế trong cơ cấu lại tổ chức tín dụng tại trang 43 báo cáo năm của Chính phủ, ĐBQH Nguyễn Thị Yến cho rằng, nguyên nhân vướng mắc trong cơ cấu lại các tổ chức tín dụng chủ yếu là nguyên nhân chủ quan. Tập trung chính ở cơ sở pháp lý còn chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu đồng bộ trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, liên quan đến 79 luật, 3 Nghị quyết của Quốc hội và 188 Nghị định, 20 Quyết định của Thủ tướng và 135 Thông tư thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của 21 Bộ, cơ quan ngang Bộ. Đại biểu Nguyễn Thị Yến kiến nghị, cần khẩn trương rà soát lại một cách tổng thể và toàn diện; tập trung xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý để thực hiện đồng bộ việc sắp xếp lại và nâng cao hiệu quả các tổ chức tín dụng, góp phần ổn định chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, ổn định kinh tế vĩ mô.

Về vấn đề phát triển giáo dục, đại biểu Nguyễn Thị Yến nêu rõ, năm học 2021 - 2022 vẫn còn xảy ra tình trạng thiếu giáo viên do không có nguồn để tuyển dụng hoặc hợp đồng theo quy định chuẩn của Luật Giáo dục năm 2019. Để đảm bảo đủ giáo viên giảng dạy trong năm học này, đại biểu đề nghị các Bộ liên quan có giải pháp tại thời cho địa phương được ký hợp đồng với giáo viên thỉnh giảng theo chuẩn cũ. Đồng thời, sớm có hướng dẫn lộ trình thỉnh giảng giáo viên theo chuẩn mới.

Trong thời gian qua, tình hình vi phạm quy định pháp luật trong việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế và giáo dục đã xảy ra, có nhiều nguyên nhân, trong đó, có các bất cập trong cơ chế quản lý. Nhằm khắc phục tình trạng này, để giữ hình ảnh cao quý của người thầy giáo và người thầy thuốc, đại biểu Nguyễn Thị Yến kiến nghị Chính phủ xem xét, có cơ chế để các thầy cô giáo và thầy thuốc yên tâm thực hiện nhiệm vụ chuyên môn trồng người và cứu người.

Nhật Trường