ĐBQH Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang): Quy hoạch sử dụng đất sẽ nhanh chóng, hiệu quả hơn nhờ phân cấp

- Thứ Bảy, 30/10/2021, 21:48 - Chia sẻ
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Thịnh đánh giá cao sự chuẩn bị công phu, khoa học và toàn diện của Chính phủ với hồ sợ quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021-2025. Về phần thực hiện, đại biểu cho rằng, phân cấp cho Hội đồng Nhân dân tỉnh quyết định việc chuyển mục đích sử dụng đất đối với diện tích đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ của các dự án có sử dụng đất mà trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được Chính phủ phê duyệt sẽ là bước tiến quan trọng về cải cách hành chính, ghi dấu ấn của Quốc hội và Chính phủ trong nhiệm kỳ này.
ĐBQH Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang)
ĐBQH Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang)

ĐBQH Phạm Văn Thịnh đồng tình với các nội dung liên quan đến quan điểm, mục tiêu, tầm nhìn, phương án quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất do Chính phủ trình. Tuy nhiên, về phần thực hiện, ngoài các giải pháp đã nêu trong tờ trình, đồng thời đề nghị Quốc hội xem xét bổ sung ba nội dung sau:

Thứ nhất, đề nghị Quốc hội phân cấp cho Hội đồng Nhân dân tỉnh quyết định việc chuyển mục đích sử dụng đất đối với diện tích đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ của các dự án có sử dụng đất mà trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được Chính phủ phê duyệt. Đây cũng là mong muốn của các địa phương hiện nay. Việc này vừa phù hợp về logic vì quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất, các vị trí đất này đã được Chính phủ phê duyệt nên khi chuyển mục đích sử dụng đất lại xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ thì không thực sự hợp lý, làm phát sinh thủ tục hành chính và tăng chi phí.

Ngoài ra Nghị quyết số 99 năm 2020 của Chính phủ về đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực cũng như kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 273 ngày 22.10.2021 về công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế cũng đã nêu, cần đẩy mạnh phân cấp cho các địa phương với nguyên tắc việc nào, cấp nào sát thực tế hơn, giải quyết kịp thời và phục vụ tốt hơn các yêu cầu của tổ chức và công dân thì giao cho cấp đó thực hiện. Thực tế thời gian qua, do quy định phải xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ nên nhiều địa phương muốn làm nhanh đã chia nhỏ dự án dưới 10 ha đất lúa, dẫn tới tình trạng quy hoạch xây dựng khu dân cư, khu đô thị, các dự án sản xuất phi nông nghiệp bị manh mún vừa lãng phí hạ tầng vừa thiếu kết nối đồng bộ.

Đại biểu bày tỏ sự tin tưởng, nếu Quốc hội thông qua nội dung phân cấp này, việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thời gian tới sẽ nhanh chóng, hiệu quả cao hơn. Kéo theo giải ngân đầu tư công, huy động nguồn lực đầu tư xã hội được tốt hơn và chắc chắn sẽ đóng góp tích cực vào tăng trưởng GDP của cả nền kinh tế. Đây cũng là bước tiến quan trọng về cải cách hành chính, ghi dấu ấn của Quốc hội và Chính phủ trong nhiệm kỳ này. Cùng với việc phân cấp, tôi đề nghị Chính phủ, cá thể hóa trách nhiệm đối với người đứng đầu các địa phương trong quản lý đất đai, kết hợp tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để đảm bảo hiệu quả của việc phân cấp”, đại biểu Phạm Văn Thịnh nhấn mạnh.

Thứ hai, sau khi Quốc hội thông qua quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo tờ trình của Chính phủ, cần đưa ra thời hạn để Chính phủ phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các tỉnh, thành phố xong trước 31.12.2021. Nếu không, địa phương chưa có căn cứ chắc chắn trong việc duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện và khi không phê duyệt được, cấp huyện sẽ không có căn cứ để thực hiện thu hồi đất cũng như chuyển mục đích sử dụng đất.

Thứ ba, ứng dụng công nghệ thông tin chuyển đổi số cần coi là một giải pháp trung tâm có vai trò quyết định trong triển khai thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong thời gian tới. Kinh nghiệm các quốc gia cho thấy có hai loại dữ liệu quan trọng nhất cần được số hóa, nếu muốn chuyển đổi số nền kinh tế đất nước, đó là dữ liệu dân cư và dữ liệu đất đai.

Chuyển đổi số trong quản lý đất đai cũng góp phần nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý các cấp. Việc lập, việc duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cho giai đoạn sau sẽ được thực hiện nhanh gọn, đảm bảo đúng thời gian và không xảy ra tình trạng chậm, muộn như thời kỳ này. Đồng thời cũng đảm bảo cho việc công khai, minh bạch quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được thực hiện một cách dễ dàng”, đại biểu Phạm Văn Thịnh nhận định.

 

Đức Hiệp