ĐBQH tỉnh Quảng Ninh góp ý hoàn thiện dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) và Luật Thi đua - Khen thưởng (sửa đổi)

- Chủ Nhật, 24/10/2021, 12:55 - Chia sẻ
Thảo luận tại Tổ về 2 dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) và dự án Luật Thi đua - Khen thưởng (sửa đổi), các đại biểu thành viên Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh thống nhất cho rằng việc sửa đổi, bổ sung hai Luật quan trọng này là phù hợp với thực tiễn hiện nay. Đồng thời, cũng đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết để Ban soạn thảo tiếp tục bổ sung, hoàn chỉnh Dự thảo.
Đại biểu Nguyễn Xuân Thắng, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh, phát biểu tại phiên thảo luận tổ về 2 dự án Luật
Đại biểu Nguyễn Xuân Thắng (Quảng Ninh) phát biểu tại phiên thảo luận tổ về 2 dự án Luật

Đối với dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi), Đoàn ĐBQH Quảng Ninh thống nhất cho rằng việc ban hành Luật Điện ảnh (sửa đổi) là phù hợp trong bối cảnh công nghệ giải trí, điện ảnh rất được yêu thích trong giới trẻ, phù hợp với hội nhập quốc tế. Nhiều trào lưu từ điện ảnh ra đến thực tiễn đã trở thành định hướng văn hóa tích cực, từ phong cách, lối sống, các mối quan hệ trong gia đình, giới trẻ, học đường. Dự thảo luật cơ bản đã khắc phục được những bất cập của luật hiện hành, bao quát được những vẫn đề phát sinh thực tiễn và phù hợp tình hình quốc tế. Tuy nhiên, cần bổ sung các tiêu chí về đối tượng xem phim; việc phân loại phim; những điều cấm trong hoạt động điện ảnh như làm sai thông tin vị trí địa lý, ranh giới quốc gia, lãnh thổ/ cấm các phim phát hành đạo, nhái, ăn cắp bản quyền…; đề nghị sử dụng ngân sách nhà nước để sản xuất phim theo hình thức giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng.

Quan tâm tới vấn đề này, đại biểu Nguyễn Xuân Thắng, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh đã chỉ ra thực trạng phổ biến lậu phim rạp trên môi trường mạng hiện nay. Thậm chí có nhiều bộ phim chiếu rạp bị phát tán ngay khi công chiếu. Vấn đề này đặt ra yêu cầu, dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) phải quy định thật rõ những nội dung về quản lý điện ảnh trên không gian mạng.

Đối với các quy định về sản xuất phim tư nhân trong dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, dự thảo luật đang thiên nhiều về quản lý nhà nước hơn là khuyến khích các nhà sản xuất tư nhân, xã hội hóa hoạt động làm phim. Theo đại biểu, phim tư nhân có nhiều bộ phim có nội dung và tác động tốt đến đời sống, xã hội, nên khuyến khích. Tuy nhiên, không được buông lỏng, cần quản lý chặt để đảm bảo phim không chứa những nội dung kích động bạo lực, mại dâm… có tác động tiêu cực tới người xem.

Các ĐBQH tỉnh Quảng Ninh thảo luận tại điểm cầu tỉnh.jpg
Các ĐBQH tỉnh Quảng Ninh thảo luận tại điểm cầu tỉnh

Tại điểm cầu tỉnh Quảng Ninh, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thị Thu Hà, nhấn mạnh: Việc xây dựng, ban hành luật Điện ảnh (sửa đổi) là phù hợp với thực tiễn, đặc biệt là công nghệ giải trí, điện ảnh hiện nay rất được yêu thích trong giới trẻ, phù hợp với hội nhập quốc tế. Cần có hình thức để tuyên truyền, quảng bá và giới thiệu điện ảnh Việt Nam ra thế giới, có những bộ phim điện ảnh giải thưởng cao. Các trào lưu từ điện ảnh ra đến thực tiễn đã trở định hướng văn hóa tích cực, từ phong cách, lối sống, các mối quan hệ trong gia đình, trong giới trẻ, học đường được định hướng rất tốt. Cuộc cách mạng khoa học - công nghệ 4.0 đã thay đổi cơ bản về các hình thức thưởng thức nghệ thuật, nhất là thời các thời điểm thực hiện giãn cách xã hội vừa qua.

Tham gia cụ thể vào các điều, khoản của Dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà đề nghị: Tại Điều 33, về phân loại phim thì ngoài tiêu chí về độ dài, thể loại, hình thức phổ biến... cần quan tâm bổ sung tiêu chí đối tượng xem phim. Đồng thời, cần có tiêu chí phân loại phim cụ thể để các cơ quan quản lý Nhà nước, các cơ quan phát hành phim phân loại, đánh giá được phim. Cùng với đó, là công cụ hỗ trợ phân loại phim để xác định phim có phù hợp với nhóm đối tượng, độ tuổi… khi chiếu trên không gian mạng hay không?

Về đào tạo nguồn nhân lực (Điều 7), đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà nhận định: Lĩnh vực điện ảnh là một ngành rất hấp dẫn, nhiều người đam mê lựa chọn. Nếu chúng ta tạo ra điều kiện phát triển tốt thì tự thân lĩnh vực đã tạo ra lực lượng nguồn nhân lực hùng hậu. Do đó, cần tính toán nhà nước đào tạo nguồn nhân lực cao trong giới hạn nào; còn lại thì tạo môi trường cho phát triển nhân lực.

Về các hành vi bị cấm (tại Điều 10), đại biểu đề nghị bổ sung những hành vi bị cấm như: Làm sai thông tin vị trí địa lý, ranh giới quốc gia, lãnh thổ; các kênh truyền hình nước ngoài hoặc máy chủ ở nước ngoài chưa có đăng ký được cấp phép phát sóng ở Việt nam; các phim phát hành đạo, nhái, ăn cắp bản quyền một phần hoặc toàn bộ.

Đối với Điều 15 về sản xuất phim, đại biểu đề xuất chọn phương án 2 theo đề xuất của Ủy ban Văn hóa - Giáo dục. Vì ngoài nhiệm vụ được giao, đặt hàng thì đấu thầu thực hiện theo luật đấu thầu. Tuy nhiên, thông tư hướng dẫn đối với đấu thầu phim cần quy định riêng về thời gian, thời hạn đấu thầu… để bảo đảm tính thời sự, sự sáng tạo... 

Về dự án Luật Thi đua - Khen thưởng (sửa đổi), các ĐBQH tỉnh Quảng Ninh cho rằng, việc sửa đổi Luật sẽ tiếp tục khích lệ các phong trào thi đua để mỗi người dân, các tổ chức cá nhân, doanh nghiệp quyết tâm hơn trong tham gia phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, đề nghị cần bổ sung, thay thế một số cụm từ, tiêu chí thi đua, khen thưởng trên quan điểm việc khen thưởng phải khuyến khích được các cá nhân, tập thể tích cực làm việc hiệu quả và việc thi đua phải thực chất, tránh hình thức. 

Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Thu Hà phát biểu thảo luận tại điểm cầu tỉnh
Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Thu Hà phát biểu thảo luận tại điểm cầu tỉnh

Tham gia thảo luận tại điểm cầu tỉnh, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thị Thu Hà đề nghị: Tại Khoản 2, Điều 18 cần xem xét thay thế cụm từ “Có phạm vi ảnh hưởng trong toàn quốc” thành cụm từ “Có khả năng nhân rộng, áp dụng trên phạm vi toàn quốc”. Cụ thể: “Có sáng kiến đã được áp dụng hiệu quả có phạm vi ảnh hưởng trong toàn quốc (sửa thành “Có khả năng nhân rộng, áp dụng trên phạm vi toàn quốc”) hoặc có đề tài khoa học, đề án khoa học công trình khoa học đã nghiệm thu được áp dụng hiệu quả…”.

Tại điểm c, khoản 1, Điều 25 đại biểu đề nghị thêm cụm từ "trừ trường hợp do đơn vị tự phát hiện xử lý" để sửa thành: “Có trên 50% cá nhân trong tập thể đạt danh hiệu “Lao động tiên tiến” và không có cá nhân bị kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên (trừ trường hợp do đơn vị tự phát hiện xử lý)” để tránh tình trạng các tập thể vì thành tích khen thưởng mà giảm nhẹ hoặc không xử lý cán bộ để đủ điều kiện đạt danh hiệu thi đua.

Tại các Điều từ 32 đến 45, đại biểu đề nghị sửa cụm từ “tổ chức Đảng, đoàn thể trong sạch, vững mạnh” thành “tổ chức Đảng, đoàn thể xếp loại Hoàn thành tốt nhiệm vụ hoặc tương đương trở lên”. Vì xếp loại mức “trong sạch, vững mạnh” (tương đương xếp loại “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”)  không vượt quá 20%.

Về quy định tại khoản 4, Điều 78, đại biểu đề nghị bỏ quy định Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định tặng Bằng khen, Cờ thi đua; danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc”, “Đơn vị quyết thắng”, Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, Huy hiệu với lý do: Quy định về thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp tỉnh tặng danh hiệu “Đơn vị quyết thắng” là chưa đúng. Vì theo quy định tại khoản 2, Điều 24 quy định đối tượng được xét tặng danh hiệu “Đơn vị quyết thắng” là tập thể thuộc lực lựng vũ trang Nhân dân đạt các tiêu chuẩn theo quy định. "Quy định như vậy có sự mâu thuẫn về thẩm quyền quyết định với thẩm quyền quy định tại khoản 1, Điều 82, cấp quản lý về tổ chức cán bộ, công chức, viên chức", ĐBQH Nguyễn Thị Thu Hà nhấn mạnh.

Đối với kiến nghị của Ủy ban Xã hội về Huy hiệu thanh niên xung phong vẻ vang, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà nhấn mạnh: Cần có sự quan tâm hơn nữa đến lực lượng thanh niên xung phong. Bởi đây là lực lượng đặc thù, có nhiều cống hiến, đóng góp trong 2 cuộc kháng chiến nhưng hiện nay sự ghi nhận chưa được nhiều (chủ yếu trợ cấp 1 lần). Nhiều thanh niên xung phong sau kháng chiến tiếp tục xung phong đi vùng sâu, vùng xa, làm kinh tế mới nhưng có hoàn cảnh hết sức khó khăn.

MẠNH TUÂN