ĐBQH Trần Đình Gia (Hà Tĩnh): Rà soát kỹ để 222 chỉ tiêu sau khi được thông qua bảo đảm tính khả thi

- Thứ Hai, 25/10/2021, 18:31 - Chia sẻ

Qua nghiên cứu hồ sơ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê, tôi cơ bản nhất trí với sự cần thiết, phạm vi, kết cấu, nhóm chỉ tiêu, số chỉ tiêu và tên của Luật. Tôi xin tham gia thêm một số nội dung sau:

Thứ nhất, tại khoản 1, Điều 1 Dự thảo Luật, việc giao “Chính phủ ban hành quy trình biên soạn chỉ tiêu Tổng sản phẩm trong nước (GDP), chỉ tiêu Tổng sản phẩm trên địa bàn cấp tỉnh (GRDP)” là cần thiết; là cơ sở pháp lý quan trọng để thu thập, tổng hợp, biên soạn các chỉ tiêu thống kê, bảo đảm tính khả thi, minh bạch, thống nhất trong biên soạn, công bố GDP, GRDP.

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh Trần Đình Gia
ĐBQH Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) phát biểu

Tuy nhiên, để bảo đảm Luật đi vào thực tiễn, đề nghị Chính phủ sau khi Luật được thông qua thì cần khẩn trương hoàn chỉnh, ban hành Nghị định Quy định nội dung chỉ tiêu và Quy trình biên soạn GDP và GRDP, tránh trường hợp một số luật sau khi được Quốc hội thông qua nhưng việc ban hành các Nghị định, thiếu tính kịp thời và kéo dài thời gian.

Thứ hai, đối với quy định “2. Sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 2 Điều 48: Người đứng đầu cơ quan thống kê cấp tỉnh công bố thông tin thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã. Đối với thông tin thống kê của chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh là phân tổ của chỉ tiêu thống kê quốc gia phải thống nhất với cơ quan thống kê Trung ương trước khi công bố”. “Phải thống nhất” ở đây cần quy định rõ là thống nhất về chuyên môn nghiệp vụ, trong đó là sự thống nhất về quy trình biên soạn, thời gian, phương pháp tính...

Thứ ba, tại Điều 2 Dự thảo Luật quy định ban hành kèm theo Phụ lục - danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia với 20 nhóm, 222 chỉ tiêu đã cập nhật, phản ánh, đánh giá khá đầy đủ tình hình kinh tế - xã hội chủ yếu của đất nước; bảo đảm tính kế thừa, thống nhất, tương thích và tính so sánh quốc gia, so sánh quốc tế; phù hợp thực tiễn và các nguyên tắc hoạt động thống kê quốc tế, phù hợp xu thế hội nhập. Góp ý cụ thể tôi xin đề nghị:

 Về nhóm chỉ tiêu Tài khoản quốc gia (mục 05):

Phụ lục đã bổ sung chỉ tiêu “Tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP”. Đây là chỉ tiêu mới, đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu, xác định đầy đủ các nguồn thông tin để biên soạn chỉ tiêu này khi Luật được thông qua.

 Đề nghị bổ sung chỉ tiêu “Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn”, vì đây là tiêu chí cứng trong Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.

 Nhóm chỉ tiêu Bảo vệ môi trường (mục 20): Đề nghị không bỏ chỉ tiêu “Diện tích rừng được bảo vệ” như Luật hiện nay, vì việc giao đất, giao rừng ở một số địa phương chưa hết; đồng thời chỉ tiêu này liên quan đến việc tính giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp, thuỷ sản.

Thứ tư, theo báo cáo tổng kết thực hiện các chỉ tiêu thống kê quốc gia, hiện nay trong 186 chỉ tiêu ban hành có 110/186 chỉ tiêu đã công bố thu thập đầy đủ (59,14%); 67/186 chỉ tiêu thu thập, tổng hợp và công bố một số phân tổ (36,02%); 9/186 chỉ tiêu chưa thu thập tổng hợp được (4,84%)... Vì vậy, tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê lần này, đề nghị Chính phủ cần rà soát kỹ phương pháp thu thập, tổng hợp để 222 chỉ tiêu sau khi được Quốc hội thông qua đều bảo đảm tính khả thi cao, thực hiện việc công bố đầy đủ số liệu các phân tổ.

Thứ năm, về tổ chức bộ máy và quản lý nhà nước về thống kê (Điều 6-Luật Thống kê 2015) và Cơ quan quản lý nhà nước về thống kê (Điều 7-Luật Thống kê 2015) ghi rõ là “UBND các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm quản lý nhà nước về thống kê tại địa phương”. Tuy nhiên theo Nghị định số 101/2020/NĐ-CP của Chính phủ về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ, theo đó, tại Điều 18: Chi cục Thống kê khu vực phải có từ 15 biên chế trở lên; phòng phải 7 người trở lên. Mô hình này sẽ rất khó khăn trong quản lý, điều hành và thực hiện nhiệm vụ chuyên môn; đồng thời mô hình Thống kê khu vực sẽ chưa rõ cơ quan quản lý nhà nước về thống kê. Vì vậy, đề nghị cần tạm dừng việc thành lập thống kê khu vực cấp huyện để nghiên cứu, xem xét một cách toàn diện, khả thi hơn.

Diệp Anh lược ghi