ĐBQH Trịnh Thị Tú Anh (Lâm Đồng): Tài trợ cho hoạt động điện ảnh, cần chú trọng đến đối tượng hưởng thụ

- Thứ Năm, 28/10/2021, 18:21 - Chia sẻ
Chiều 28.10, tham gia ý kiến về Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) tại điểm cầu Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng, ĐBQH Trịnh Thị Tú Anh cho rằng, tham khảo kinh nghiệm của Hàn Quốc, một nơi rất thành công trong việc phát triển công nghiệp điện ảnh, đưa hình ảnh đất nước, con người Hàn Quốc đến khắp nơi trên thế giới cho thấy, thay đổi cơ bản nhất trong chính sách tài chính của chính phủ là sự chuyển hướng tài trợ, từ tài trợ cho bên cung sang tài trợ cho bên cầu. Đại biểu đề nghị nghiên cứu chính sách tài trợ cho cho hoạt động điện ảnh, trong đó chú trọng đến đối tượng hưởng thụ.
ĐBQH Trịnh Thị Tú Anh phát biểu tại điểm cầu Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng

Theo đại biểu Trịnh Thị Tú Anh, qua 15 năm triển khai thi hành Luật Điện ảnh năm 2006, nền điện ảnh nước ta đã có những bước tiến đáng kể, thu hút được nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia vào hoạt động điện ảnh, đưa điện ảnh đến nhiều hơn với các tầng lớp Nhân dân, ngày càng có nhiều tác phẩm điện ảnh đạt các giải thưởng quốc tế.

Tuy nhiên, để Luật Điện ảnh phù hợp với thực tế phát triển của xã hội nói chung và điện ảnh nói riêng, tạo hành lang pháp lý cho điện ảnh Việt Nam phát triển bền vững thì việc sửa đổi lần này là rất cần thiết. Điện ảnh cần được nhìn dưới góc độ không chỉ là một tác phẩm văn hoá nghệ thuật mà còn là một sản phẩm dịch vụ cần được thúc đẩy theo khuôn khổ pháp lý để điện ảnh Việt Nam phát triển theo hướng vừa tiên tiến hiện đại, vừa đậm đà bản sắc dân tộc.

Tại Điều 3, đại biểu đề nghị bổ sung khái niệm “Phim hợp tác sản xuất với nước ngoài” vào dự thảo Luật, đây là khái niệm quan trọng đối với hoạt động điện ảnh ở các nước và trên thế giới, theo đó, Luật mới có thể quy định một cách chặt chẽ “quyền lợi”, nghĩa vụ” và “chế tài” đối với các phim hợp tác. Hơn nữa, khi đã đưa khái niệm “Phim Việt Nam” vào Điều 3 về giải thích từ ngữ thì càng cần giải thích khái niệm“Phim hợp tác sản xuất với nước ngoài”.

Về Nguyên tắc của hoạt động điện ảnh tại Điều 4, tại khoản 6 đề nghị bổ sung thêm cụm từ “bình đẳng giới” để thể hiện quan điểm cũng như sự quan tâm của Đảng, Nhà nước về thực hiện bình đẳng giới, ghi thành: “Nguồn đầu tư và hỗ trợ của Nhà nước và các nguồn khác cho điện ảnh phải được sử dụng hiệu quả, công khai, minh bạch, có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên bình đẳng giớicác vùng miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và nông thôn.”.

Tham khảo kinh nghiệm của Hàn Quốc, một nơi rất thành công trong việc phát triển công nghiệp điện ảnh, đưa hình ảnh đất nước, con người Hàn Quốc đến khắp nơi trên thế giới cho thấy, một trong những thay đổi cơ bản nhất trong chính sách tài chính của chính phủ là sự chuyển hướng tài trợ, từ tài trợ cho bên cung sang tài trợ cho bên cầu. Nói cách khác, các trợ cấp của chính phủ chủ yếu dành cho các tổ chức nghệ thuật và nghệ sĩ, nhằm vào quá trình sáng tạo và biểu diễn nghệ thuật. Ngày nay, Chính phủ quan tâm và tập trung nhiều hơn vào khán giả là những người hưởng thụ, tiêu thụ văn hoá, tác phẩm điện ảnh nhằm đạt được sự cân bằng giữa “sáng tạo”, “truyền bá” và “hưởng thụ” các giá trị văn hoá nghệ thuật. Khán giả là động lực quan trọng cho văn hoá nghệ thuật, thậm chí là lực lượng thúc đẩy và định hướng cho điện ảnh phát triển.

Đại biểu cũng đề nghị thay đổi cơ chế quản lý văn hoá từ việc “chính phủ ra quyết định và quản lý” sang việc “hợp tác giữa chính phủ và các khu vực tư nhân”. Với chính sách này, việc tham gia của nhiều bộ phận xã hội từ chính quyền Trung ương, chính quyền địa phương cho đến các nhà nghiên cứu, nghệ sĩ và cộng động trong quá trình hoạch định chính sách không phải áp đặt từ trên xuống mà chính sách phản ánh được nhu cầu của mọi tầng lớp xã hội, của từng người dân. Đây cũng chính là xu hướng quản lý văn hoá hiện đại của nhiều nước như Pháp, Thuỵ Điển, Phần Lan.

Về cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Điều 14, đại biểu cho rằng dự thảo luật đã đưa ra một số biện pháp ưu đãi nhằm thu hút tổ chức nước ngoài sử dụng dịch vụ sản xuất phim tại Việt Nam (Điều 42). Tuy nhiên, để tạo sự đột phá trong hợp tác làm phim, cần mạnh dạn cởi bỏ nút thắt, nhất là quy định mang tính “thẩm định” kịch bản phim. Các đạo diễn nổi tiếng nước ngoài thường có sự độc lập, toàn quyền sáng tạo đối với tác phẩm điện ảnh, bảo đảm tính toàn vẹn của tác phẩm. Với quy trình sản xuất phim hiện đại, nhiều đạo diễn không có kịch bản chi tiết trước mà sẽ sáng tác ngẫu hứng trên bối cảnh thực địa, nhất là với các bộ phim hành động. Do đó, để thu hút nhà làm phim nước ngoài, cân nhắc xem xét không yêu cầu cung cấp kịch bản phim tại điểm b, khoản 2 Điều 14 mà thực hiện phân loại phim khi phổ biến tại Việt Nam theo Điều 28.

Về phân loại phim, Điều 33 Dự thảo Luật quy định 6 mức phân loại phim chỉ mới chú trọng phân loại phim phục vụ mục đích cấp giấy phép phổ biến phim nên chỉ mới chú trọng đến đối tượng và độ tuổi xem phim. Theo đại biểu, điều này đúng nhưng còn hết sức đơn giản, chưa rõ nội hàm, chỉ căn cứ vào đối tượng xem phim, và chưa đi vào bản chất của điện ảnh. Cần chú trọng việc phân loại điện ảnh và có hệ thống khái niệm pháp lý về từng loại sản phẩm điện ảnh. Chính sách điện ảnh, hoạt động điện ảnh, quản lý nhà nước về điện ảnh, sử dụng tác phẩm điện ảnh, hưởng thụ nghệ thuật điện ảnh…, tất cả đều cần gắn với quy định pháp lý về phân loại sản phẩm điện ảnh. Cần xác định thật rõ khái niệm của từng kiểu loại điện ảnh ngay trong Luật, theo các tiêu chí pháp lý rõ ràng, căn cứ vào đó chính sách khuyến khích hoặc không khuyến khích có thể tùy từng hoàn cảnh cụ thể để Nhà nước điều tiết theo quy định của Luật. Hệ thống phân loại điện ảnh được xác định rõ ràng trong Luật không chỉ giúp nhà quản lý xem xét mà quan trọng hơn, giúp nhà sản xuất, biên kịch, đạo diễn, diễn viên và những người tham gia xác định rõ đối tượng mà tác phẩm hướng đến, định hướng cho việc chỉnh sửa, biên tập tác phẩm sao cho phù hợp từng loại phim, chủ động tự điều chỉnh trước khi bị động, bị kiểm duyệt, đánh giá, thẩm định.

Về giấy phép xuất khẩu phim tại Điều 18, theo đại biểu Trịnh Thị Tú Anh, quy định này chưa thực sự phù hợp. Hiện nay, không chỉ các doanh nghiệp, mà các nhà làm phim độc lập đều có thể sản xuất phim và tải lên các nền tảng trực tuyến (không chỉ các nền tảng OTT mà còn có thể là các nền tảng xem video như youtube, facebook hoặc các nền tảng đám mây). Phim trên các nền tảng này có thể được phổ biến cho người xem ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Trường hợp này đã làm lu mờ đi khái niệm “biên giới” và gây khó khăn trong việc xác định thế nào là hành vi “xuất khẩu phim”, dẫn đến sự phân biệt giữa việc phim xuất khẩu theo hình thức truyền thống với phim “xuất khẩu” trên internet. Rất khó lý giải tại sao phim xuất khẩu theo hình thức truyền thống lại cần kiểm duyệt mạnh mẽ hơn, trong khi phim xuất khẩu theo hình thức này thường có khả năng lan tỏa cao hơn, tiếp cận đến lượng khán giả lớn hơn. Vô hình chung, việc này lại khiến các phim của Việt Nam có xu hướng phát hành trên nền tảng internet hơn so với việc xuất khẩu chính thống do những phức tạp về mặt thủ tục.

Theo TTXVN