Quốc hội thảo luận tình hình kinh tế - xã hội, phòng, chống dịch Covid - 19:

ĐBQH Trịnh Xuân An (Đồng Nai): Triển khai ngay các giải pháp phục hồi hoạt động các khu công nghiệp, khu kinh tế

- Thứ Hai, 08/11/2021, 11:48 - Chia sẻ
Tôi thống nhất cao với báo cáo của Chính phủ cũng như báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và các Ủy ban của Quốc hội về kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022. Có thể thấy rằng, các báo cáo của Chính phủ và ý kiến thẩm tra của các Ủy ban của Quốc hội là rất thẳng thắn, nghiêm túc, trách nhiệm, sát với tình hình thực tế, phản án toàn diện đời sống kinh tế xã hội đất nước ta.

Chủ động trong phòng, chống dịch chứ không đuổi theo dịch

Trong bối cảnh bị tác động nặng nề của đại dịch Covid - 19, nhất là đợt dịch thứ 4 với biến chủng Delta thì những kết quả đạt được trong thời gian qua là rất đáng trân trọng. Trong thời gian ngắn, lại là đầu nhiệm kỳ nhưng một khối lượng công việc rất lớn đã được Chính phủ, Quốc hội, các bộ, ngành địa phương triển khai thực hiện. Mặc dù có những tổn thất, mất mát không hề nhỏ cả về con người và kinh tế nhưng qua khó khăn, thách thức, chúng ta càng thấy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, tình thương yêu, đùm bọc lẫn nhau đã giúp củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước, phát huy sức mạnh dân tộc để vượt qua khó khăn, thử thách.

ĐBQH Trịnh Xuân An (Đồng Nai) phát biểu
Ảnh: Quang Khánh

Tôi thống nhất với 5 bài học kinh nghiệm, 5 quan điểm chỉ đạo và 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới như báo cáo của Chính phủ, 8 nhóm đề xuất của Ủy ban Kinh tế và các kiến nghị của các Ủy ban của Quốc hội cũng như rất nhiều ý kiến thảo luận tại tổ của các đại biểu Quốc hội. Đồng thời, góp ý, nhấn mạnh thêm một số nội dung sau:

Thứ nhất, tiếp tục chuyển trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid - 19 với nguyên tắc xuyên suốt đó là bảo vệ sức khỏe, tính mạng của Nhân dân là nhiệm vụ hàng đầu và điều kiện tiên quyết để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Thực tế cho thấy, chống dịch và duy trì phát triển kinh tế là hai “mặt trận” song hành. Việc phục hồi, mở cửa kinh tế phụ thuộc vào kết quả phòng, chống dịch, ngược lại nếu không có nền tảng kinh tế thì không có lực để chiến đấu với dịch bệnh. Trong điều hành cần đặc biệt chú trọng công tác dự báo, không để bị động, bất ngờ, chủ động trong phòng, chống dịch chứ không đuổi theo dịch. Việc chuyển trạng thái là cần thiết nhưng cần tránh tâm lý chủ quan, lúc quá tả lúc quá hữu.

Thứ hai, xây dựng, triển khai toàn diện, hiệu quả Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch Covid - 19, trên cơ sở đánh giá, tổng kết toàn diện công tác phòng, chống dịch thời gian qua cũng như kinh nghiệm quốc tế, các nước trong khu vực. Trong Chiến lược này, vấn đề vaccine vẫn cần phải coi là trụ cột. Cần tiếp tục đẩy nhanh tỷ lệ tiêm vaccine để sớm đạt miễn dịch cộng đồng. Đến thời điểm này, chúng ta đã tiêm được gần 90 triệu liều vaccine, đây là con số rất ấn tượng, khẳng định nỗ lực của ngành y tế, tuy nhiên, số tiêm đủ liều mới có 27,7%, còn rất xa với mục tiêu 70%. Trong bối cảnh diễn biến phức tạp của đại dịch, khi mà số ca mắc đang có xu hướng tăng, biểu đồ dịch đang chuyển màu cấp độ, nguy cơ của đợt dịch mới đang hiện hữu, cần tính toán đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine hơn nữa, nhất là ở các địa phương đang bùng dịch mạnh; cần dự liệu phương án tiêm vaccine mũi 3 và xúc tiến thuốc chữa Covid cho Nhân dân vì vaccine có hiệu quả trong thời gian nhất định mà Covid thì biến đổi không ngừng.

Một vấn đề nữa là, trong khi nguồn vaccine trên thế giới đang khan hiếm, lãnh đạo Chính phủ, Quốc hội phải đích thân đi thương lượng, vận động để mua thêm thì Nanocovax - vaccine nội được xem là có triển vọng nhất vẫn đang phải “mỏi cổ” chờ được cấp phép khẩn cấp. Tính đến hôm nay, đã gần hai tháng trôi qua kể từ ngày Hội đồng Đạo đức lần thứ hai thông qua báo cáo giữa kỳ thử nghiệm giai đoạn ba của nhóm nghiên cứu (ngày 18.9.2021), vẫn chưa có một thông tin công khai gì thêm về loại vaccine Made in Việt Nam này. Sự cẩn trọng là cần thiết nhưng cần có giải pháp để đẩy nhanh hơn nữa vì sức khỏe, tính mạng của Nhân dân. Cùng với vấn đề vaccine, cần đặc biệt quan tâm đến hệ thống y tế cơ sở, đây là trụ cột trong phòng chống dịch nhưng thời gian qua chưa được đầu tư thích đáng, vừa thiếu, vừa yếu nến khi xảy ra đại dịch đã không phát huy được vai trò.

Ảnh: Lâm Hiển

Trong đợt dịch thứ tư vừa qua, Bộ Quốc phòng đã tăng cường hơn 130.000 chiến sĩ hỗ trợ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh ở phía Nam chống Covid-19, thực hiện những nhiệm vụ chưa có tiền lệ. Đây là chiến dịch điều lực lượng quân đội lớn nhất kể từ sau chiến tranh và qua đó cũng cho thấy vai trò, phẩm chất của lực lượng quân đội trong những lúc đất nước gặp khó khăn. Tham gia phòng chống dịch cũng là kinh ngiêm quý để quân đội diễn tập cho các tình huống đánh địch vô hình, đối phó với các nguy cơ an ninh phi truyền thống, rèn luyện bản lĩnh để phòng khi có kẻ thù gây hấn. Tôi đề nghị Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ cần tiếp tục quan tâm, đầu tư thêm cho Quân đội và lực lượng vũ trang. Nhiệm vụ chống dịch còn dài, Quân đội, công an vẫn đóng vai trò quan trọng, do đó, cần phải được quan tâm để bảo đảm sức mạnh, vừa huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu cao, vừa tham gia chống dịch hiệu quả.

Có cơ chế huy động tối đa nguồn lực xã hội vào hoạt động kinh tế

Thứ ba, tổ chức thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, huy động tối đa các nguồn lực cho chống dịch và các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách khác. Nguồn lực chi cho phòng, chống dịch và an sinh cho đến này đã gần 100.000 tỷ đồng. Đây là con số rất lớn. Ngân sách Nhà nước thời gian qua đã phải căng ra để lo cho chi chống dịch. Do đó, đề nghị cần siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, quản lý chặt chẽ thu, chi ngân sách, chống thất thu, nợ đọng thuế, chuyển giá, trốn thuế, chống gian lận thương mại, phấn đấu tăng thu ngân sách nhà nước; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, thất thoát ngân sách, tài sản công, triệt để tiết kiệm các khoản chi ngay từ khi lập, giao và thực hiện dự toán, lúc này ta phải thực sự tiết kiệm, thực hiện chính sách “thắt lưng buộc bụng”.

Cần có cơ chế để huy động tối đa nguồn lực từ xã hội, từ người dân vào hoạt động kinh tế. Triển khai ngay các giải pháp phục hồi hoạt động tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao, khu chế xuất nhất là ở các địa phương trọng điểm như Đồng Nai nhằm tháo gỡ các khó khăn giúp doanh nghiệp giữ đơn hàng, duy trì chuỗi cung ứng; có các chính sách hỗ trợ trực tiếp, mạnh mẽ hơn để không để xảy ra tình trạng đứt gãy, thiếu hụt lao động, chuyên gia; cần thu hút lực lượng lao động trở lại làm việc một cách an toàn để không xảy ra tình trạng “người nghèo lại phải nuôi người nghèo”.

Cùng với đó cần có các gói kích thích với liều lượng hợp lý, hỗ trợ trực tiếp, có hiệu quả cho hệ thống doanh nghiệp. Doanh nghiệp là “linh hồn” của nền kinh tế nhưng thực tế sự quan tâm thời gian qua vẫn còn chưa đủ. Mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm, tuy nhiên lợi nhuận của các ngân hàng thương mại vẫn còn cao, chưa hài hòa với khó khăn của doanh nghiệp và người dân; doanh nghiệp vẫn rất khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng ưu đãi. Vai trò của Ngân hàng đối với các doanh nghiệp cần phải đáng giá kỹ hơn, nhất là khi mà đầu vào đang có xu hướng cái gì cũng tăng giá. Theo báo cáo của Ủy ban Kinh tế, hiện chỉ có khoảng 30% doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận được với nguồn vốn từ ngân hàng, còn lại 70% phải tiếp tục sử dụng nguồn vốn tự có hoặc vay từ các nguồn không chính thức với chi phí cao; gói vay không lãi suất 16.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp trả lương đến ngày 31.7.2020 khi kết thúc giải ngân, chưa có đơn vị nào tiếp cận được.

N. Bình