Quốc hội thảo luận về kinh tế-xã hội và phòng, chống dịch Covid-19

ĐBQH Vũ Tiến Lộc (TP. Hà Nội): Cách tiếp cận mới trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa

- Thứ Hai, 08/11/2021, 18:24 - Chia sẻ
Bên cạnh việc nhấn mạnh những thành tựu thì Báo cáo Tình hình kinh tế - xã hội của Chính phủ cũng đã thẳng thắn đề cập tới những vấn đề còn tồn tại, hạn chế trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và trong điều hành phát triển kinh tế xã hội. Đồng thời, sự chuyển hướng quyết đoán và kịp thời của Chính phủ trong những tháng gần đây đã giúp bước đầu kiểm soát được dịch bệnh và từng bước mở cửa phục hồi nền kinh tế.

ĐBQH Vũ Tiến Lộc (Hà Nội) đề nghị Quốc hội ghi nhận, tri ân đến các tầng lớp Nhân dân vào quyết định viết hoa hai chữ "Đồng bào" như Quốc hội ta đã từng viết hai chữ Nhân dân trong Hiến pháp năm 2013 để tôn vinh ý chí quật cường, tinh thần yêu nước, ý thức giống nòi, tình tương thân, tương ái của các tầng lớp Nhân dân mỗi khi đất nước ta lâm vào cảnh hoạn nạn, khó khăn.  

ĐBQH Vũ Tiến Lộc (TP. Hà Nội) phát biểu
Ảnh: Quang Khánh

Thứ hai, chúng ta thấy rằng sự đứt gẫy của các chuỗi cung ứng và dòng người lao động hồi hương từ dịch bệnh đã cho thấy một cách tiếp cận mới trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nước nhà. Chúng ta không phủ nhận vai trò của các siêu đô thị như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các đại công trường miền Đông Nam bộ trong việc thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong những năm qua. Nhưng nếu các siêu đô thị và các đại công trường vẫn ôm vào trong lòng mình các ngành công nghiệp mà chủ yếu là gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng thấp, sử dụng lực lượng lao động thủ công khổng lồ như hiện nay thì một mặt sẽ tiếp tục gây quá tải cho các trung tâm này. Mặt khác, lại chèn lấn, thu hút đầu tư phát triển của các địa phương khác đang nghèo hơn và chủ yếu mưu sinh bằng nông nghiệp. Mô hình này cũng không đảm bảo sự phát triển bền vững, bao trùm và khó khả năng chống chịu trước những biến cố sẽ xảy ra trong tương lai. Vì vậy, cần phải xây dựng thêm nhiều trung tâm và các chuỗi đô thị tại các vùng kinh tế khác nhau để tạo thêm những cực tăng trưởng mới của nền kinh tế để có thể chia lửa cho Thủ đô Hà Nội, cho TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam bộ. Từ đó, có thể lan tỏa sự phát triển đến các vùng nông thôn và các tỉnh, thành phố khác để chúng ta có thể phát triển một nền kinh tế cân bằng, an toàn, hiệu quả; con cháu chúng ta không phải ly hương mà có thể ly nông để có việc làm và ở trên quê hương mình, làm giàu trên quê hương mình mà không phải cuốn về các trung tâm đô thị chật chội.

Ảnh: Quang Khánh

Thứ ba, để thúc đẩy quá trình tái khởi động và phục hồi nền kinh tế trong hai năm tới, bên cạnh các chính sách về tài khóa, tiền tệ, về an sinh xã hội, chúng ta phải áp dụng một giải pháp phi tài chính hay nói khác đi là các cơ chế về các thủ tục đặc thù để thúc đẩy cho sản xuất kinh doanh, đầu tư toàn xã hội với nội hàm cụ thể có thể là rút gọn các thủ tục quản trị rủi ro, chuyển sang hậu kiểm, hạn chế thanh, kiểm tra, thực hiện chủ yếu trên nền tảng trực tuyến và không ban hành thêm bất cứ một chính sách nào có thể làm phát sinh các thủ tục và chi phí cho người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.

Thứ tư, về việc phối hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ thì khác với các nước trên thế giới. Ở nước ta, nguồn vốn đầu tư cho sản xuất kinh doanh ở các doanh nghiệp chủ yếu dựa vào nguồn vốn tín dụng của các ngân hàng, cho nên hàm chứa nhiều rủi ro và báo cáo của Chính phủ cũng cảnh báo tình trạng áp lực lạm phát và nợ xấu đang gia tăng. Do vậy dư địa chính sách tiền tệ là không còn nhiều. Cho nên biện pháp tiếp máu cho nền kinh tế trong bối cảnh hiện nay chỉ có thể là sự cộng hưởng giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, trong đó chính sách tài khóa phải đóng vai trò chủ đạo. Đại biểu hoan nghênh chủ trương về việc hình thành quỹ hỗ trợ 2- 3% lãi suất cũng như là việc tăng gấp 10 lần quỹ hỗ trợ lãi suất theo đề xuất của Bộ Tài chính.

Đối với gói đầu tư công, đại biểu lo ngại, mặc dù nhu cầu đầu tư cho cơ sở hạ tầng là rất lớn và rất cấp thiết, nhưng việc phân bố dàn trải cũng như quyết tâm đẩy nhanh giải ngân bằng mọi giá có thể dẫn tới hệ lụy là dòng vốn đầu tư sẽ chảy vào những dự án kém hiệu quả. Đại biểu đề nghị gói này cần tập trung vào các dự án trọng điểm quốc gia và Quốc hội giám sát chặt chẽ. Phần còn lại đề nghị dành cho bổ sung vào quỹ hỗ trợ lãi suất để hỗ trợ cho nền kinh tế và đề nghị thúc đẩy hình thức đối tác công tư nhà nước.

"Một gói hỗ trợ nào có thể bù đắp nổi những thiệt hại to lớn sinh mạng về vật chất, tinh thần của người dân và doanh nghiệp đã phải gánh chịu trong những tháng ngày qua. Mặc dù việc thực hiện các gói hỗ trợ tài chính hiện nay rất cấp bách nhưng tôi vẫn tha thiết đề nghị chúng ta không thể một chút lơ là. Nhiệm vụ trọng tâm của chúng ta vẫn cứ phải tiếp tục đẩy mạnh các cải cách thể chế, cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia để phát huy được sức mạnh toàn dân để nền kinh tế nước ta không lỡ nhịp với thiên hạ. Chính niềm tin vào những cải cách thể chế mạnh mẽ và thực chất chứ không phải là các gói hỗ trợ về tiền bạc sẽ định hình tương lai của nền kinh tế Việt Nam."- Đại  biểu Vũ Tiến Lộc nói.

Minh Trang