Để bảo hiểm thất nghiệp là điểm tựa cho người lao động

- Thứ Tư, 20/01/2021, 07:17 - Chia sẻ
Năm 2020, số người đến nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp trên cả nước tăng khoảng 35% và số tiền chi trả trợ cấp thất nghiệp lên tới gần 16.200 tỷ đồng, tăng 40% so với năm 2019. Điều đó cho thấy, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đã thực sự trở thành “điểm tựa” của người lao động, giúp họ có nguồn tài chính vượt qua giai đoạn khó khăn, duy trì cuộc sống.

Sử dụng hiệu quả nguồn quỹ

Theo quy định của Luật Việc làm, quỹ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) được hình thành từ các khoản đóng góp của người lao động (NLĐ), người sử dụng lao động, hỗ trợ của Nhà nước, tiền sinh lời của hoạt động đầu tư quỹ và nguồn thu hợp pháp khác. Tuy nhiên, Nhà nước chỉ hỗ trợ Quỹ BHTN theo nguyên tắc bảo đảm duy trì số dư quỹ hàng năm bằng 2 lần tổng chi quỹ BHTN của năm trước liền kề nhưng hỗ trợ tối đa bằng 1% quỹ tiền lương tháng đóng BHTN của những NLĐ đang tham gia BHTN. 

	Công tác tư vấn giới thiệu việc làm phải gắn với nhu cầu thực tế thị trường lao động
Công tác tư vấn giới thiệu việc làm phải gắn với nhu cầu thực tế thị trường lao động

Trưởng ban Thực hiện chính sách Bảo hiểm xã hội (BHXH) Đỗ Ngọc Thọ cho biết, thời gian qua, Quỹ BHTN luôn quản lý, vận hành tốt, theo đúng quy định và có kết dư, tính đến hết năm 2019, ước quỹ kết dư 84.000 tỷ đồng. Các khoản sinh lời từ hoạt động đầu tư hàng năm được phân bổ vào các quỹ theo quy định. Số tiền kết dư của Quỹ BHTN có nhiều nguyên nhân. Theo đó, năm 2009 bắt đầu thực hiện thu BHTN nhưng theo quy định đến năm 2010 mới có người đủ điều kiện về thời gian đóng để hưởng trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ học nghề. Do đó, trong năm 2009 chỉ phát sinh thu vào Quỹ BHTN mà không có phát sinh chi các chế độ BHTN.

Bên cạnh đó, số chi hỗ trợ học nghề thấp với số người hưởng chỉ chiếm khoảng 5% so với số người hưởng trợ cấp thất nghiệp do tâm lý NLĐ chỉ quan tâm đến trợ cấp thất nghiệp. Nhóm đối tượng khu vực hành chính sự nghiệp ít bị mất việc làm hơn nhóm lao động ngoài quốc doanh, nhưng hiện nay mức đóng BHTN quy định là như nhau giữa các khu vực và nhóm đối tượng, nên số người hưởng trợ cấp thất nghiệp ở khu vực hành chính sự nghiệp là rất thấp. Chi hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ theo Điều 47 Luật Việc làm từ năm 2015 đến nay cũng chưa phát sinh. Hiện nay, cán bộ của Trung tâm Dịch vụ việc làm đang tư vấn, giới thiệu miễn phí cho NLĐ mất việc làm nên chưa chưa thực hiện chi đối với chế độ này.

Theo các chuyên gia, chính sách BHTN có được kết quả như hiện nay là do công tác triển khai được thực hiện đồng bộ, kịp thời. Nhìn chung, BHTN đã thực sự trở thành “điểm tựa” của NLĐ, giúp họ có nguồn tài chính vượt qua giai đoạn khó khăn, duy trì cuộc sống. Đồng thời, giúp người sử dụng lao động không bị áp lực về tài chính vì không phải chi trả trợ cấp thôi việc, mất việc cho NLĐ; giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước vì không phải cấp một khoản kinh phí cũng như thời gian để xây dựng chính sách, trình tự, thủ tục tổ chức thực hiện hỗ trợ cho đối tượng này.

Sớm đưa lao động thất nghiệp quay lại thị trường

	NLĐ cần ý thức được quyền và trách nhiệm tham gia BHTN của mình
NLĐ cần ý thức được quyền và trách nhiệm tham gia BHTN của mình

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, số người bị ảnh hưởng việc làm từ đại dịch Covid-19 ở Việt Nam là 31,8 triệu người. Dù có sự tăng trưởng nhanh qua các năm nhưng tính đến tháng 31.12.2020, số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đạt khoảng 13,27 triệu người với thu tiền thu BHTN đạt 18.056 tỷ đồng. Con số này còn thấp so với lực lượng lao động trong độ tuổi ở nước ta, do đó cần phải tiếp tục thực hiện các giải pháp để tăng diện bao phủ, để BHTN có thể hỗ trợ được thêm nhiều NLĐ hơn nữa.

Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH Đỗ Ngọc Thọ khẳng định, với các quy định hiện hành, chính sách BHTN hoạt động dựa trên nguyên tắc đóng - hưởng. Do đó, để hưởng những lợi ích của chính sách này điều kiện cần là NLĐ cần ý thức được quyền và trách nhiệm tham gia của mình.

Việc tăng diện bao phủ cũng giúp Quỹ BHTN thêm nguồn lực để chia sẻ, hỗ trợ tốt hơn cho NLĐ. Nhìn vào những con số người hưởng, số chi BHTN trong năm 2020, nguồn lực quỹ BHTN tưởng dồi dào nhưng đứng trước những biến động lớn của thị trường lao động cũng đối mặt không ít thách thức. Với tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp và ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội còn lâu dài, số người hưởng BHTN vẫn còn tăng cho thấy những nguy cơ về mất cấn đối thu chi quỹ BHTN trong ngắn và trung hạn.

Theo đại diện BHXH Việt Nam, với tư cách là cơ quan thực hiện chính sách BHTN, BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục tổ chức thu, chi các chế độ BHTN, quản lý và sử dụng quỹ BHTN theo quy định của Luật Việc làm và các quy định liên quan. Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam đã kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền tăng cường giám sát việc thực hiện các chế độ BHTN nhằm đưa NLĐ thất nghiệp sớm quay trở lại thị trường lao động, đánh giá lại công tác dạy nghề, tư vấn giới thiệu việc làm cho NLĐ bị thất nghiệp trở lại thị trường lao động.

Từ đó, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách về hỗ trợ học nghề, tư vấn giới thiệu việc làm cho NLĐ; mở rộng điều kiện hỗ trợ để người sử dụng lao động dễ tiếp cận hơn với chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ; bổ sung thêm các khoản hỗ trợ khác ngoài hỗ trợ học nghề. Đồng thời, đổi mới, nâng cao chất lượng của các trung tâm dạy nghề, tư vấn giới thiệu việc làm; gắn công tác dạy nghề, tư vấn giới thiệu việc làm với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp, thị trường lao động. 

Hải Yến