Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội, phòng, chống dịch Covid-19:

Để chuyển đổi số trở thành một động lực mới của tăng trưởng

- Thứ Hai, 08/11/2021, 16:25 - Chia sẻ
Trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước và công tác phòng, chống dịch Covid-19 chiều nay, 8.11, nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm đến chủ đề chuyển đổi số quốc gia với mong muốn chuyển đổi số cần trở thành một động lực mới của tăng trưởng để đất nước ta bứt phá vươn lên trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Để thực hiện thành công chuyển đổi số quốc gia và bứt phá vươn lên trong cách mạng công nghiệp lần thứ 4, ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng, cần có hạ tầng công nghệ số của riêng nước ta để đi trước trong chuyển đổi số và chủ động kiểm soát, bảo đảm an toàn cho tài sản số quốc gia. “Nếu được Chính phủ đặt hàng, tôi tin rằng, đội ngũ kỹ sư tin học và công nghệ Việt Nam thừa sức phát triển được các sản phẩm để khẳng định được vị thế của Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ số”, đại biểu Hoàng Văn Cường nêu rõ.

ĐBQH Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) phát biểu
Ảnh Quang Khánh

Cùng mối quan tâm, ĐBQH Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) nêu vấn đề: Chuyển đổi số để hình thành xã hội số, kinh tế số với nền tảng là cơ sở dữ liệu, trở thành một động lực tăng trưởng có nghĩa nó cũng là công cụ đắc lực quản trị quốc gia. Tuy nhiên, chuyển đổi số với công nghệ nền tảng phải được thực hiện thế nào để không những đem lại hiệu quả cho quản trị mà còn bảo đảm an ninh con người, an ninh chính trị, an ninh kinh tế khi nền tảng Google, Facebook và gần đây là Tiktok tưởng chừng hỗ trợ cho tăng trưởng nhưng lại đang âm thầm theo dõi, định hướng, can thiệp, chế tác lại hành vi người dùng.

Nhìn vào giá trị vốn hóa của Google, Facebook, câu hỏi đại biểu Phạm Trọng Nhân đặt ra, đó là các nền tảng này có thực sự nhân văn, miễn phí vô điều kiện hay thông qua đó là một loại tư liệu sản xuất mới ra đời và đó là hành vi dùng? Không lạ gì khi tìm trên Google một tựa đề một quyển sách thì trên màn hình có rất nhiều quảng cáo những quyển sách tương tự dần được hiện ra. Có thể thấy “những điều thầm kín, riêng tư của người dùng bị mở toang trước từng cái bấm chuột. Niềm tâm thức thiêng liêng của con người đã bị xâm lăng bởi các thuật toán này…

Ảnh Quang Khánh

Không thể phủ nhận những tích cực từ nền tảng số, nhưng điều đại biểu Phạm Trọng Nhân đặt ra, đó là thử hỏi tăng cường GDP từ nền tảng số có dễ dàng không khi mà an ninh mạng phi truyền thống vẫn còn là một ẩn số và các nền tảng công nghệ không được sản sinh để làm chủ từ chính quốc gia này? Chúng ta làm gì để giữ vững chủ quyền số quốc gia, mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đã chỉ rõ, nếu chúng ta tập trung sửa đổi Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin mạng nhằm bảo vệ thông tin hoặc quyền riêng tư cũng chỉ là bước đầu. Để định hình một xã hội số với những công dân số để phát triển kinh tế số thì quản lý xã hội trong đời thực thế nào đòi hỏi chúng ta cũng phải định hình để thể chế được quản lý công dân trên xã hội số như thế. Quản trị quốc gia gắn liền với chuyển đổi số sẽ không thể mang hết ích lợi, hiệu quả cho nhà nước và người dân để trở thành một động lực mới của tăng trưởng nếu chúng ta không có những ứng phó kịp thời trước các nền tảng mà mục đích của chúng được chủ nghĩa tư bản này tô vẽ những mỹ từ như kết nối và chia sẻ toàn cầu ở góc độ nào đó, đại biểu Phạm Trọng Nhân cảnh báo.   

Quang Khánh