Để doanh nghiệp hồi sinh và phát triển

- Thứ Năm, 21/10/2021, 06:22 - Chia sẻ

Sáng nay, 21.10, Quốc hội sẽ dành thời gian thảo luận tại tổ về Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và báo cáo về công tác phòng, chống dịch Covid-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV. Những chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp cũng như kết quả thực thi các chính sách này sẽ được các đại biểu thảo luận, đánh giá một cách thấu đáo, toàn diện để từ đó có đề xuất điều chỉnh cho phù hợp.

Dịch Covid-19 đã làm suy giảm đáng kể nền kinh tế nước ta. Các biện pháp mạnh mẽ để phòng, chống dịch với việc phong tỏa, giãn cách kéo dài ở nhiều địa phương đã tác động tiêu cực đến tốc độ tăng trưởng kinh tế. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế của quý III.2021 âm 6,17% - đây là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam công bố GDP quý đến nay.

Trước tác động của làn sóng dịch Covid-19, doanh nghiệp là một trong những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Số doanh nghiệp rút khỏi thị trường và ngừng kinh doanh với số lượng lớn và xu hướng gia tăng. Doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 85.508 doanh nghiệp, bằng 84,1% so với cả năm 2020 và tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020. Có tới 87,2% doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực. Theo đó, những gam màu “kém sáng” của nền kinh tế nói chung, của doanh nghiệp nói riêng đòi hỏi sớm có những chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn kịp thời, trong đó có chính sách để doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch.

Để tạo điều kiện cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, chỉ trong một thời gian ngắn, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành nhiều nghị quyết quan trọng để tạo sự chủ động cho Chính phủ điều hành, xử lý linh hoạt biện pháp phòng, chống dịch. Kết quả bước đầu cho thấy, chính sách này đã giúp tháo gỡ một phần khó khăn cho người dân, cho doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, doanh nghiệp nhỏ và vừa có tiến độ phục hồi chậm do thị trường bị sụt giảm trong khi đó các chi phí liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh tăng do phải gánh chi phí trong quá trình tuân thủ các quy định về phòng chống dịch. Do đó, không ít doanh nghiệp vốn khó lại càng khó trong đại dịch.

Một trong những vướng mắc mà doanh nghiệp đang gặp phải là khả năng tiếp cận các chính sách hỗ trợ tín dụng, các gói hỗ trợ dành cho doanh nghiệp còn khó khăn, đặc biệt là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo kết quả điều tra của Ngân hàng Thế giới trong năm 2020, theo đó chỉ có 27% doanh nghiệp nhỏ và 37% doanh nghiệp lớn là có thể tiếp cận các chính sách hỗ trợ.

Có thể thấy, các chính sách hỗ trợ đã có nhưng để tiếp cận với chính sách lại không phải là điều dễ dàng với bất kỳ doanh nghiệp nào. Bởi lẽ, sau hai năm bị tác động bởi dịch bệnh, dòng tiền của không ít doanh nghiệp gần như cạn kiệt, do đó nhu cầu để tiếp cận nguồn vốn mới nhằm phục hồi sản xuất, kinh doanh đặt ra rất cấp thiết đối với doanh nghiệp vào lúc này. Trong khi đó, khả năng hấp thụ vốn ngân hàng của các doanh nghiệp là rất yếu do thời gian giãn cách quá lâu nên doanh nghiệp khó phục hồi được sản xuất kinh doanh như trước, khó đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn để tiếp cận nguồn vốn. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, “nút thắt” này cần sớm được giải quyết để doanh nghiệp có thêm nguồn vốn duy trì sản xuất, kinh doanh.

Cùng với đó, những chính sách, biện pháp giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, giảm áp lực tài chính như: Miễn giảm, giãn thuế, phí, lãi suất, nợ... mà Chính phủ và hệ thống ngân hàng áp dụng vẫn nên tiếp tục được duy trì. Ngoài ra, cần nghiên cứu, xem xét việc áp dụng nới lỏng trong thời gian giới hạn quy định pháp luật về chuyển lỗ để giảm bớt khó khăn, hỗ trợ dòng tiền cho doanh nghiệp.

Mọi chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp trong lúc khó khăn là cần thiết để giúp doanh nghiệp hồi sinh và phát triển. Tuy nhiên, sẽ là chưa đủ nếu như các quy định pháp lý, các thủ tục hành chính vẫn là những rào cản làm khó doanh nghiệp vẫn chưa được gỡ bỏ. Do đó, cần phải kịp thời điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện các quy định, chính sách đối với doanh nghiệp cho phù hợp với điều kiện "bình thường mới”. Theo đó, xóa bỏ ngay những quy định không còn phù hợp, những thủ tục gây khó cho việc tiếp cận chính sách hỗ trợ, cũng như cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Kỳ vọng của doanh nghiệp vào các quyết sách của Quốc hội là rất lớn. Với “một Quốc hội hành động, tiếp nối truyền thống khát khao đổi mới và cống hiến, luôn đặt người dân và doanh nghiệp ở vị trí trung tâm trong mọi quyết sách, vì sự phát triển bền vững của đất nước”, mong rằng, các đại biểu Quốc hội sẽ tập trung thảo luận và có những đề xuất chính sách thấu đáo để giúp doanh nghiệp hồi sinh và phát triển sau đại dịch.

Song Hà