Để đường dây nóng không bị “nóng”

- Chủ Nhật, 15/08/2021, 06:14 - Chia sẻ
Hà Nội mới đây đã công khai số đường dây nóng 0243.834.4643 để giải đáp thắc mắc liên quan đến việc triển khai gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ đồng theo Nghị quyết 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Trước đó, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đã công bố 6 số điện thoại đường dây nóng để giải đáp về vấn đề này.

Việc công bố đường dây nóng liên quan đến triển khai gói hỗ trợ là rất đáng hoan nghênh. Điều đó cho thấy, Bộ và các địa phương đã và đang tích cực đưa nghị quyết vào cuộc sống. Qua đó giúp giải đáp các phản ánh, kiến nghị của người lao động, người sử dụng lao động trong quá trình triển khai các chính sách hỗ trợ tại địa phương; gỡ vướng các thủ tục bị ách tắc để giúp các đối tượng tiếp cận được với chính sách nhanh và kịp thời hơn. Tuy nhiên, sẽ là lý tưởng hơn nếu như trong quá trình triển khai, các đường dây nóng không bị "nóng".

Hỗ trợ kịp thời cho người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 là vấn đề được cử tri và nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm. Tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV vừa qua, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (TP. Hà Nội) thẳng thắn chỉ rõ, gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng chúng ta thực hiện chưa kịp thời khi kết quả thực hiện mới được 36.000 tỷ đồng, tương đương 36% tổng mức dự kiến. Rút kinh nghiệm ở gói cứu trợ thứ hai 26.000 tỷ đồng lần này được xây dựng trên tinh thần hết sức thông thoáng. Tuy nhiên, bà Mai cho rằng, khẩn trương là cần thiết nhưng phải đúng đối tượng, không hình thức.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, qua triển khai trong 15 ngày cho thấy, việc ban hành 12 chính sách trong Nghị quyết 68 là kịp thời, đúng và trúng đối tượng, thông thoáng về hồ sơ, đã giảm 2/3 thủ tục và rút ngắn 2/3 thời gian so với Nghị quyết 42. 63/63 địa phương đã ban hành kế hoạch, chủ trương và đang triển khai nghị quyết, nhiều địa phương đạt kết quả cao.  

Lao động không có giao kết hợp đồng - nhóm lao động tự do là đối tượng bị ảnh hưởng sớm nhất, sâu nhất bởi dịch bệnh nhưng cũng là khu vực khó triển khai chính sách nhất. Chính phủ đã chỉ đạo, phân quyền mạnh cho địa phương thực hiện linh hoạt, để cơ sở giải quyết nhanh chính sách. TP. Hồ Chí Minh có thể coi là “điểm sáng” triển khai hỗ trợ cho lao động tự do theo Nghị quyết 68/NQ-CP bởi thủ tục thông thoáng. Cơ quan chức năng của thành phố đã đến từng nhà, gặp gỡ từng đối tượng, người lao động chỉ cần căn cước công dân, hoặc chứng minh thư nhân dân và địa phương xác nhận tạm trú. Lao động tự do được tổ dân phố, ấp lập danh sách gửi phường thông qua Hội đồng xét duyệt công khai tại ấp, khu phố rồi gửi lên huyện thẩm định. Sau đó, tiền hỗ trợ sẽ được chuyển về cho người dân gặp khó khăn. Với cách làm này, dù trong điều kiện giãn cách xã hội toàn thành phố, nhưng chỉ trong 15 ngày triển khai thực hiện, đã có 248.000 lao động tự do, tương đương 100% đối tượng được hưởng chính sách đã được TP. Hồ Chí Minh giải ngân 426 tỷ đồng.

Trong khi đó, có nơi, người lao động tự do vẫn khó khăn khi tiếp cận với chính sách chỉ vì vướng thủ tục. Theo phản ánh, để được hưởng gói hỗ trợ, người lao động tự do tạm trú trên địa bàn Hà Nội phải có xác nhận của địa phương không nhận hỗ trợ ở quê. Điều này được lý giải để tránh tình trạng trục lợi khi người lao động nhận 2 lần chính sách hỗ trợ. Ngăn chặn tình trạng trục lợi là cần thiết, tuy nhiên việc quy định thủ tục mang tính bắt buộc này để người lao động phải đi lại xin giấy xác nhận ở địa phương liệu có phù hợp trong tình hình hiện nay khi mà dịch phức tạp đi lại rất khó khăn? Nên chăng cần có cam kết của người lao động ghi rõ “nếu nhận hỗ trợ 2 lần sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật" bởi cơ quan chức năng hoàn toàn kiểm soát được người dân qua chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân. Cùng với đó cần có sự phối hợp giữa các địa phương trong xác nhận những trường hợp này vừa để tránh tình trạng trục lợi chính sách, và người dân phải mất nhiều chi phí đi lại vì thủ tục.

Chủ trương nhất quán của Chính phủ là phân quyền mạnh cho địa phương và tháo gỡ tối đa các thủ tục không cần thiết khi triển khai gói hỗ trợ. Việc thực hiện còn lại là trách nhiệm của địa phương. Nếu để ách tắc việc thực hiện gói hỗ trợ đến tay người lao động, trách nhiệm thuộc về địa phương và cán bộ thực thi. Do đó, rất cần cơ chế xử lý trách nhiệm đối với địa phương nào cố tình “đẻ” ra những thủ tục không cần thiết làm khó người lao động. Cùng với đó là xử lý trách nhiệm đối với cán bộ trong chậm triển khai chính sách hỗ trợ.

Các bộ, ngành liên quan và các địa phương làm tốt được các yêu cầu này, chắc chắn rằng, đường dây nóng sẽ không bị “nóng”.

Lê Hùng