Để Hải Dương trở thành "thỏi nam châm" thu hút FDI

- Thứ Tư, 22/12/2021, 06:54 - Chia sẻ
Để có thể thu hút được nguồn lực đủ lớn phục vụ mục tiêu tăng trưởng giai đoạn 2021 - 2025, Hải Dương đã và đang chú trọng triển khai nhiều giải pháp như tháo gỡ điểm nghẽn trong môi trường đầu tư, kinh doanh; điều chỉnh bổ sung, hoàn thiện một số cơ chế chính sách hỗ trợ, nhằm thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
	Hải Dương luôn chú trọng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài
Hải Dương luôn chú trọng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài
Nguồn: ITN

Sẵn sàng nguồn lực đón nhà đầu tư

Hải Dương hiện có nhiều dư địa về hạ tầng để sẵn sàng thu hút vốn FDI, với 14 khu công nghiệp (KCN) được thành lập, có tổng diện tích 2.567ha. Trong đó, có 11 KCN hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng và đang hoạt động với tổng diện tích là 1.732ha; tỷ lệ lấp đầy bình quân các KCN đạt 82% trên tổng diện tích đất công nghiệp đã được bàn giao. Đến nay, các KCN đã thu hút được trên 300 dự án của các nhà đầu tư đến từ 21 quốc gia và vùng, lãnh thổ. Trong đó, 235 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 4,7 tỷ USD và 64 dự án đầu tư 100% vốn trong nước, với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 17.666 tỷ đồng. Với việc triển khai các KCN mới, tỉnh đang có trên 800ha đất sạch. 

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Dương, giai đoạn 2021 - 2030, tỉnh sẽ phát triển tiếp 15 KCN, 50 cụm công nghiệp, với tổng diện tích gần 10.000ha. Đặc biệt, tỉnh đã quy hoạch 1 vùng công nghiệp động lực tại vị trí chỉ cách Hà Nội 25 phút đi ô tô đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, với tổng diện tích 10.000ha. Trong đó, có 5.000ha đất công nghiệp, 2.000ha đất đô thị, dịch vụ và logistics. Hải Dương cũng đang trong quá trình đề nghị Chính phủ cho thành lập khu kinh tế tại các huyện Bình Giang, Thanh Miện với nhiều ưu đãi. Đây là nguồn lực rất lớn để đón các nhà đầu tư. 

Với vị trí địa lý, kinh tế rất thuận lợi; nằm ở trung tâm vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, Hải Dương có hạ tầng giao thông, điện nước, viễn thông khá đồng bộ, hiện đại phục vụ tốt cho hoạt động của các doanh nghiệp; nguồn nhân lực tại chỗ dồi dào và khả năng thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao từ các địa phương khác. Đây là điều kiện thuận lợi để hợp tác, thu hút đầu tư.

Với việc kiểm soát tốt dịch bệnh, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương tiếp tục giữ vai trò là đầu tàu “kéo” kinh tế tỉnh tăng trưởng. Thực tế, dù 2 năm trở lại đây, dịch Covid-19 bùng phát và tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, song Hải Dương vẫn là "thỏi nam châm" thu hút vốn đầu tư FDI từ các nước như Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc). Bên cạnh đó, cùng với làn sóng chuyển dịch đầu tư từ Trung Quốc đến Việt Nam, một số nhà đầu tư lớn nước ngoài như Foxcom, PoweSolar... đã và đang nghiên cứu đầu tư vào Hải Dương với ý tưởng đầu tư lớn.

Là doanh nghiệp sử dụng 100% vốn từ tập đoàn Hyundai Kefico Hàn Quốc, với 12 năm hoạt động tại Việt Nam, đại diện công ty TNHH Huyndai Kefico Việt Nam khẳng định, luôn tin tưởng và có tầm nhìn lạc quan vào Việt Nam nói chung, tỉnh Hải Dương nói riêng. Doanh nghiệp đã có 3 lần tăng vốn tại Hải Dương và trong thời gian tới, để mở rộng quy mô sản xuất, nghiên cứu để tăng vốn lên 390 triệu USD. Hiện doanh nghiệp đã, đang và sẽ tiếp tục quảng bá về môi trường đầu tư tại Hải Dương với các đối tác, bạn bè quốc tế.

Tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh

Đánh giá môi trường đầu tư của tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng thẳng thắn nhìn nhận, môi trường đầu tư, kinh doanh của Hải Dương đã được cải thiện nhưng còn nhiều mặt chưa tốt, như Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đứng thứ 47/63 tỉnh, thành phố trong cả nước; nhiều chi phí mà doanh nghiệp phải chịu còn khá cao. Đây chính là hạn chế mà chính quyền địa phương phải khắc phục trong thời gian tới. Do vậy, tỉnh Hải Dương xác định, để thu hút vốn FDI; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh là một trong những khâu đột phá và là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt của tất cả các cấp, ngành, các cơ quan, đơn vị.

Theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Dương, giai đoạn 1987 - 1990, Hải Dương chỉ có 2 dự án FDI với tổng số vốn 6,9 triệu USD. Giai đoạn 1991 - 1996 là 16 dự án, với lượng vốn đầu tư thu hút đạt 448 triệu USD. Đến giai đoạn 2016 - 2020, con số này đã tăng lên 212 dự án FDI mới và ở thời điểm hiện tại, tỉnh Hải Dương có 491 doanh nghiệp FDI, với tổng số vốn đăng ký hơn 9,1 tỷ USD. 

Tỉnh Hải Dương sẽ điều chỉnh bổ sung, hoàn thiện một số cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như đất đai, bảo hộ sở hữu công nghiệp, xúc tiến thương mại, đào tạo tư vấn giới thiệu việc làm, lãi suất ngân hàng… Đồng thời, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, phấn đấu giảm ít nhất 50% thời gian thực hiện các thủ tục đầu tư của một dự án; ban hành quy chế phối hợp giữa các sở, ban, ngành, địa phương trong thực hiện quy trình, thủ tục về đầu tư; coi trọng công tác quy hoạch, xem đây là chìa khóa để thu hút, quản lý đầu tư có hiệu quả và đầu tư phát triển bền vững…

Chia sẻ rõ hơn về kế hoạch thu hút đầu tư của Hải Dương trong năm tới, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Triệu Thế Hùng cho biết, năm 2022, Hải Dương lấy chủ đề năm là "Thích ứng linh hoạt, tăng trưởng bứt phá". Tỉnh đã xác định, muốn bứt thì phải mở rộng xúc tiến đầu tư, không tuần tự như mọi năm. Kinh phí dành cho xúc tiến đầu tư bằng ngân sách như mọi năm sẽ chỉ bằng 1/10 tổng kinh phí của năm 2022; 90% kinh phí sẽ do các sở, ngành, địa phương cùng tham gia và huy động từ nguồn xã hội hóa để cùng xúc tiến. Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ chỉ là nơi tạo ra khung, mọi ngành nghề, lĩnh vực sẽ cùng phải tham gia việc xúc tiến. Năm 2022, tỉnh sẽ không chỉ tập trung thu hút FDI trong công nghiệp, nông nghiệp mà mọi lĩnh vực đều được đẩy mạnh, từ y tế, giáo dục, đến thương mại, du lịch…

Tuy nhiên, để tăng sức hút, không chỉ chính quyền nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường hoạt động xúc tiến mà bản thân doanh nghiệp đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN cũng cần có sự thay đổi, điều chỉnh để tăng sức hấp dẫn của chính mình. Một trong những doanh nghiệp đang thay đổi như thế là Công ty CP Đại An. Ngày 3.12.2021, Đại An đã ký kết Biên bản thỏa thuận hợp tác đầu tư với Công ty TNHH SEIN I&D Việt Nam (doanh nghiệp 100% vốn đầu tư Hàn Quốc) để đầu tư Dự án Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Gia Lộc, diện tích 490ha, với tổng vốn đầu tư 298 triệu USD.

Dương Cầm