Để Việt Nam bắt kịp xu hướng của thị trường lao động thế giới và khu vực

- Thứ Bảy, 25/09/2021, 11:12 - Chia sẻ
Trong những năm qua, việc đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn bị nhân lực có kỹ năng nghề đã có nhiều chuyển biến tích cực về nhận thức, quy mô tuyển sinh, chất lượng và hiệu quả đào tạo, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Song, việc thiếu nhân lực chất lượng cao, phù hợp với xu thế phát triển vẫn đang là bài toán nan giải mang tầm quốc gia. Nhiều chuyên gia cho rằng, lời giải nằm ở hệ thống giáo dục nghề nghiệp (GDNN), hệ thống cần có sự cập nhật thường xuyên và bắt kịp xu hướng của thị trường lao động thế giới và khu vực.
Bối cảnh hội nhập, kỹ năng lao động là đòi hỏi tất yếu, bảo đảm việc làm bền vững cho người lao động.
Bối cảnh hội nhập, kỹ năng lao động là đòi hỏi tất yếu, bảo đảm việc làm bền vững cho người lao động

Kỹ năng nghề đóng vai trò quan trọng

Với lợi thế là quốc gia đang ở giai đoạn dân số vàng, các chuyên gia khẳng định, việc nâng tầm kỹ năng cho người lao động về cả số lượng và chất lượng là điều kiện tiên quyết để Việt Nam tăng năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia; nhằm thực hiện mục tiêu phát triển toàn diện kinh tế - xã hội để Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình vào năm 2030, hướng tới mục tiêu đến năm 2045, nước ta trở thành nước phát triển hoặc nước công nghiệp hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Viện trưởng Viện Văn hóa Giáo dục Quốc gia Việt Nam PGS.TS Bùi Hoài Sơn đánh giá, những năm vừa qua, nhân lực có những bước phát triển tốt. Cụ thể, theo thống kê tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ quý II năm 2021 là 26,1%, cao hơn 0,1 điểm phần trăm so với quý trước và cao hơn 0,8 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ qua đào tạo của lao động khu vực thành thị đạt 41,1%, cao hơn 2,3 lần so với khu vực nông thôn (17,6%). Năng suất lao động được cải thiện rõ nét, với tốc độ tăng trung bình 5,8%/năm. Sự chuyển biến tích cực đó góp phần nâng cao kỹ năng của lực lượng lao động Việt Nam. Theo báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2019 của Diễn đàn Kinh tế thế giới, chất lượng đào tạo nghề của Việt Nam tăng 13 bậc, góp phần tăng 10 bậc năng lực cạnh tranh quốc gia so với năm 2018...

Nói về sự phát triển trình độ cho lao động, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, 5 năm qua, đã có sự thay đổi tư duy chiến lược về giải quyết việc làm, hướng việc làm đi vào thị trường lao động linh hoạt hiện đại với xu hướng hội nhập, từng bước chuyển dần sang thay thế năng suất lao động từ phổ thông sang lao động chuyên môn có trình độ kỹ thuật cao và việc làm có tính chất bền vững hơn.

Hệ thống GDNN cần thích ứng với thị trường lao động

Chia sẻ về vấn đề phát triển nguồn nhân lực, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, 1 trong những nhiệm vụ của 5 năm tới (2021 - 2026) là chuyển đổi kỹ năng cho người lao động nhằm mục tiêu phát triển bao trùm, bền vững với 3 trụ cột cơ bản là kỹ năng lao động, việc làm thỏa đáng và an sinh bền vững.

"Nghị quyết Đại hội Đảng XIII nhấn mạnh việc phát huy tối đa nhân tố con người; con người là trung tâm, chủ thể, là nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của sự phát triển. Điều đó đã đặt ra mục tiêu thời gian tới của ngành phải khơi dậy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp theo hướng linh hoạt và mở" - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Tiếp thu những ý kiến đó, Tổng Cục trưởng Tổng Cục GDNN Trương Anh Dũng cho rằng, việc đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn bị nguồn nhân lực có kỹ năng nghề là "chìa khóa" để nâng cao năng suất lao động, tăng năng lực cạnh tranh quốc gia. Những quốc gia có năng suất lao động cao thường có hệ thống giáo dục nghề nghiệp phát triển và lực lượng lao động có kỹ năng nghề cao. Ông Trương Anh Dũng cũng khẳng định, quốc gia nào càng nhiều lao động vững kỹ năng nghề, càng thu hút nhiều nhà đầu tư.

Để đáp ứng nâng cao kỹ năng lao động, hệ thống giáo dục nghề nghiệp cần được đổi mới hơn nữa. Theo ông Trương Anh Dũng, ngành lao động sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành, địa phương thực hiện việc sắp xếp, tổ chức lại hệ thống giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, đáp ứng nhu cầu sử dụng nhân lực của thị trường lao động cũng như sự phát triển bền vững của đất nước, của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế.

Việc đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp được chú trọng cả về quy mô, cơ cấu và chất lượng đào tạo, trên cơ sở kế thừa, phát huy những thành tựu đạt được, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế. Hiệu quả của hoạt động giáo dục nghề nghiệp sẽ được đo bằng tiêu chí "chấp nhận của thị trường lao động".

Ngoài ra, các bên liên quan sẽ thúc đẩy phát triển các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có năng lực tự chủ và hoạt động hiệu quả; tăng cường đầu tư các trường nghề chất lượng cao, tập trung đào tạo các nghề trọng điểm… Phấn đấu đến năm 2025, cả nước có khoảng 70 trường cao đẳng chất lượng cao, đủ năng lực đào tạo một số ngành, nghề được các nước tiên tiến trong khu vực ASEAN công nhận.

Tham mưu thêm cho Tổng cục GDNN, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội TS. Phạm Xuân Khánh cho rằng: "Bên cạnh sự cố gắng, quyết tâm của từng người lao động để thay đổi kỹ năng của mình phù hợp với xu thế, cũng như đối phó với những thách thức trước mắt, thì với các cơ sở giáo dục phải không ngừng nâng cao, đổi mới chương trình, cơ sở vật chất thiết bị, mô hình quản lý, gắn kết với doanh nghiệp để đào tạo lao động tay nghề cao. Về phía doanh nghiệp, cũng cần thường xuyên phối hợp với nhà trường để đáp ứng sự thay đổi của xã hội, của nền kinh tế, nâng cao hiệu quả sản xuất".

Dương lê