Để luật sư hành nghề tận tâm, minh bạch

- Thứ Ba, 06/10/2020, 06:40 - Chia sẻ
So với Bộ quy tắc cũ, Bộ quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam năm 2019 được Hội đồng Luật sư toàn quốc thông qua, triển khai quy định rõ và cụ thể hơn về những vấn đề đạo đức, ứng xử nghề nghiệp của luật sư Việt Nam trong quan hệ với khách hàng, đồng nghiệp, quan hệ với các cơ quan tiến hành tố tụng... Bộ quy tắc này được kỳ vọng sẽ góp phần hạn chế tối đa những vụ việc khiếu nại, tố cáo của người dân đối với đội ngũ luật sư do có liên quan đến vi phạm đạo đức nghề nghiệp, hướng mỗi luật sư hành nghề một cách tận tâm, minh bạch.

Chỉ mới xử lý phần nổi 

Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam đầu tiên được Hội đồng Luật sư toàn quốc thông qua và ban hành kèm theo Quyết định số 68/QĐ-HĐLSTQ ngày 20.7.2011 của Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Từ Bộ quy tắc này đã có hàng nghìn trường hợp luật sư vi phạm quy tắc đạo đức bị xử lý, thậm chí có một số trường hợp đã bị xóa tên khỏi danh sách đoàn luật sư, có một số luật sư đã vi phạm nghiêm trọng, bị khởi tố, xử lý hình sự do lừa đảo khách hàng để chiếm đoạt tài sản...

Luật sư tranh tụng tại phiên tòa.
Nguồn: ITN

Theo Phó đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam Sitara Syed, ở bất kỳ quốc gia nào, luật sư luôn đóng vai trò quan trọng trong việc thực thi pháp quyền và bảo đảm quyền tiếp cận công lý cho công dân. Việc tuân thủ Bộ quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam sẽ hỗ trợ luật sư thực thi sứ mệnh bảo vệ quyền con người và lợi ích của khách hàng, bảo đảm tính độc lập tư pháp, góp phần bảo vệ công lý cho người dân.

Tuy nhiên, con số trên chỉ là bề nổi, còn rất nhiều trường hợp luật sư vi phạm đạo đức nghề nghiệp chưa bị xử lý. Đơn cử, tại Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh, hiện có tới hơn 50% các luật sư là cán bộ hưu trí từ các tòa án, viện kiểm sát... nên phát sinh ra các câu chuyện rất tế nhị như họ lợi dụng chức danh trước đây để lấy uy và hứa hẹn với khách hàng. Đó là chưa kể có không ít trường hợp nói xấu, tranh giành khách hàng của nhau. Điều này vi phạm đạo đức nghề nghiệp, gây ảnh hưởng đến hình ảnh và uy tín nghề luật sư. Nhưng thực tế xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp của các trường hợp này gần như rất ít, khiến các luật sư chân chính không khỏi bức xúc.

Đồng tình với ý kiến trên, đại diện các Đoàn Luật sư TP Hà Nội, Hải Phòng... cũng cho biết: Trong một số trường hợp phải xem xét, xử lý kỷ luật với hành vi vi phạm đạo đức và ứng xử nghề nghiệp, các đoàn luật sư và Liên đoàn Luật sư Việt Nam gặp phải những vướng mắc do quy định chưa rõ ràng. Cụ thể, hiện nay, tòa án trước khi tiến hành xét xử đều nói rõ rằng, luật sư khi đứng trước tòa bào chữa chỉ được xưng danh luật sư. Trong một số trường hợp phải xem xét, xử lý kỷ luật đối với hành vi vi phạm đạo đức và ứng xử nghề nghiệp của luật sư, các đoàn luật sư và Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã gặp những vướng mắc do vấn đề chưa được quy định hoặc quy định chưa rõ ràng trong Bộ quy tắc.

Cần phổ cập Bộ quy tắc

Trước những bất cập, hạn chế về nội dung, chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu điều chỉnh các mối quan hệ phát sinh trong quá trình hành nghề luật sư, khiến cho việc giải quyết các vấn đề, tình huống phát sinh của các luật sư gặp khó khăn nhất định... Năm 2019, Hội đồng Luật sư toàn quốc thông qua bản Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam mới.

Theo đó, một trong những điểm mới của Bộ quy tắc này là yêu cầu luật sư không thực hiện hành vi cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đồng nghiệp; không được áp dụng các thủ đoạn như so sánh năng lực nghề nghiệp, phân biệt vùng miền; xúi giục khách hàng từ chối đồng nghiệp để nhận vụ việc về mình; không được có hành vi tạo thành phe, nhóm giữa các luật sư để cô lập đồng nghiệp trong quá trình hành nghề…

Tuy vậy, để triển khai có hiệu quả Bộ quy tắc 2019, đại diện các đoàn luật sư cho rằng: Liên đoàn Luật sư Việt Nam cần có hướng dẫn cụ thể các quy tắc sao cho dễ hiểu, dễ thực hiện, bởi hiện nay một số quy tắc còn khá chung chung, nếu không có hướng dẫn thì trong nhiều trường hợp sẽ rất khó có thể xử lý vi phạm và khiến luật sư không tâm phục khẩu phục.

Dẫn chứng việc này, Luật sư Lê Văn Khánh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội đơn cử: Quy định những việc luật sư không được làm trong quan hệ với các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng như phản ứng tiêu cực bằng hành vi tự ý bỏ về khi tham gia tố tụng là quá chung chung. Do vậy, đề nghị cần có hướng dẫn cụ thể hơn trong từng trường hợp cụ thể, trường hợp, tình huống bỏ về nào thì vi phạm, mức nào thì không vi phạm... Điều này sẽ bảo đảm sự công bằng, nếu luật sư nào vi phạm thì các đoàn luật sư và Liên đoàn Luật sư Việt Nam có thể uốn nắn kịp thời, còn cố tình vi phạm hoặc tái phạm thì việc xử lý sẽ được áp dụng thống nhất để vừa phòng ngừa vừa có thể có biện pháp giáo dục kịp thời.

Luật sư Nguyễn Huy Thiệp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cũng đề xuất: Bộ quy tắc phải sớm được triển khai sâu rộng đến 100% luật sư, và luật sư tại các đoàn đều phải học tập và biết rõ các quy tắc để từ đó hành nghề cho chuẩn mực, không phạm phải những lỗi “chết vì thiếu hiểu biết”. Bởi, thực tế thời gian qua trong quá trình xét kỷ luật, Đoàn Luật sư TP Hà Nội đã có trường hợp rất đau lòng khi phải xóa tên trong sổ các luật sư vì sự thiếu hiểu biết của mình như thỏa thuận mức giá và hứa hẹn việc làm được trong hợp đồng, trong khi đó việc hứa hẹn kết quả là điều cấm trong quy tắc đạo đức nghề luật sư.

Hải Thanh