Phòng, chống bạo lực học đường

"Để ngăn cỏ dại, hãy trồng nhiều hoa"

- Thứ Hai, 10/01/2022, 06:11 - Chia sẻ
Bạo lực học đường diễn ra ngày càng nhiều và phức tạp với những hành vi có nhiều chiều hướng tiêu cực gồm cả bạo lực về tinh thần và thể chất, bạo hành trực tiếp và trên không gian mạng. Đây là vấn đề nhức nhối tại mọi cấp học, lớp học, là mối quan tâm của mỗi nhà trường và xã hội.

Bạo lực chỉ vì những xích mích nhỏ

Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, mỗi năm trên thế giới có khoảng 6 triệu em trai và 4 triệu em gái trực tiếp liên quan đến bạo lực học đường và con số này đang ngày một tăng cao ở tất cả lớp học, cấp học khác nhau. Ở Việt Nam, theo số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chỉ trong một năm học, toàn quốc xảy ra gần 1.600 vụ học sinh đánh nhau trong và ngoài trường học.  

Xây dựng nhà trường an toàn, thân thiện, nhằm lan tỏa giá trị sống tốt đẹp
Nguồn: tpyenbai.edu.vn

Thượng tá Khổng Ngọc Oanh, Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an cho biết: Tình trạng bạo lực học đường hiện đang có chiều hướng gia tăng và diễn biến rất phức tạp. Bạo lực học đường chủ yếu là các hành vi đánh nhau, xúc phạm, làm nhục người khác như: giật tóc, xé quần áo, bắt ăn, uống chất bẩn, cô lập, xua đuổi... Đáng lo ngại là nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường xuất phát từ những lý do không đáng có, xích mích nhỏ như: va chạm trong lúc chơi đùa, đi lại; mâu thuẫn khi bình luận, bình phẩm trên mạng xã hội; ghen tuông... Nhiều vụ bạo lực học đường, các em dùng hung khí gây thương tích cho nhau, thậm chí dẫn đến tử vong; nhiều vụ xúc phạm, xâm hại trên mạng, phát tán hình ảnh nhạy cảm của nhau trên mạng dẫn đến có em do uất ức, trầm cảm đã tự tử; nhiều vụ việc gây tâm lý bất an và phản giáo dục trong môi trường nhà trường.

Không chỉ diễn ra trực tiếp, bạo lực học đường ngày càng gia tăng trên không gian mạng. Phó Vụ trưởng Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Xuân An Việt cho rằng: khi tham gia môi trường mạng trẻ em đang phải đối mặt với rủi ro về bắt nạt, nội dung không phù hợp, ứng xử không phù hợp, tiếp xúc không phù hợp... Thực tế thời gian qua đã xảy ra một số vụ việc trẻ em bị bắt nạt, bị xâm hại trên mạng xã hội. Đây là thực trạng cần được gia đình, nhà trường và các ngành chức năng quan tâm, nhất là trong thời điểm nhiều học sinh đang sử dụng máy tính, laptop, điện thoại thông minh để học tập trực tuyến.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường là do sự chuyển biến về tâm sinh lý của bản thân học sinh trong giai đoạn từ 12 - 18 tuổi; tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường, quá trình hội nhập quốc tế, lối sống thực dụng dẫn đến trong xã hội xuất hiện những tư tưởng, lối sống thiếu lành mạnh... Bên cạnh đó, tình trạng bạo hành trong gia đình, sự thiếu quan tâm phối hợp với nhà trường trong việc theo dõi, chăm sóc con cái đã tác động đến quá trình hình thành nhân cách của học sinh, làm cho các em có những suy nghĩ, hành vi tiêu cực, dễ vi phạm pháp luật...

Bạo lực học đường là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập, xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của người học xảy ra tại cơ sở giáo dục hoặc lớp độc lập. (Điều 2, Nghị định số 80/2017/NĐ-CP về môi trường giáo dục an toàn)

Nhận biết cái tốt, mong muốn làm điều hay

“Một trong những biện pháp hiệu quả nhằm giảm thiểu hành vi tiêu cực nói chung và bạo lực nói riêng trong trường học là giúp cho học sinh có khả năng nhận biết cái tốt, mong muốn làm những điều tốt đẹp. Điều đó cũng giống như việc để ngăn cỏ dại mọc, phải trồng nhiều hoa” - TS. Nguyễn Thị Ngọc Liên, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nhận định. Đây không phải là điều mà một chương trình giáo dục hay một môi trường giáo dục có khả năng thực hiện được mà cần sự phối hợp thống nhất, đồng bộ, cam kết chặt chẽ của tất cả lực lượng tham gia và của tổng thể các môi trường: nhà trường, gia đình và xã hội. Chính phủ cần ban hành văn bản về Phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên, làm rõ khung pháp lý về trách nhiệm của mỗi bên và hướng dẫn việc thực hiện cũng như đánh giá hiệu quả phối hợp.

Nhiều ý kiến cho rằng, môi trường nhà trường ảnh hưởng rất lớn đến giáo dục đạo đức cho học sinh. Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa, Hà Nội Nguyễn Thị Nhiếp chia sẻ: nhà trường phải là trái tim hòa hợp nhân tâm cộng đồng, hội tụ và hòa kết lòng người. Nếu nhà trường là trái tim hòa hợp thì chúng ta sẽ có niềm tin giáo dục chuyển mình đổi mới. Trong đó, hiệu trưởng là vai trò nhạc trưởng, để mọi người cộng hưởng tích cực và nhân văn. Ngoài giáo dục đạo đức cho học sinh qua các hoạt động trải nghiệm, rèn luyện; nhà trường cần đề cao tính nêu gương, có sự đồng lòng của lực lượng giáo dục trong nhà trường; phối hợp với lực lượng giáo dục ngoài nhà trường, đặc biệt là cha mẹ học sinh trong công tác giáo dục. 

Còn theo TS. Nguyễn Tùng Lâm - thành viên Tổ tư vấn của Ủy ban quốc gia đổi mới Giáo dục và đào tạo: để giúp các nhà trường thực hiện sứ mệnh giáo dục, cần có môi trường tâm lý tác động đến học sinh ổn định, tạo giá trị văn hóa, khả năng tự rèn luyện, tự phát triển của học sinh. Công tác giáo dục muốn làm tốt phải xây dựng đội ngũ giáo viên chủ nhiệm có đủ kỹ năng, năng lực. Bên cạnh đó, cần có môi trường quản lý, quy định rõ trách nhiệm của hiệu trưởng, giáo viên, thành viên trong nhà trường. Có các quy chế, tổ chức, cách vận hành để bảo đảm phối hợp với các lực lượng...

Đồng tình với ý kiến trên, ThS. Hoàng Thị Hồng Giang, Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Dương góp ý: các nhà trường cần quan tâm đúng mức đối với công tác giáo dục giá trị sống cho học sinh, để các em biết ứng xử văn hóa, sống kỷ cương, nền nếp, biết kiềm chế cảm xúc, chủ động ứng phó với các tình huống tiêu cực, với bạo lực... nhằm góp phần phát triển nhân cách, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh. 

Thảo Nguyên