Thích ứng với già hóa dân số

Để người cao tuổi tiếp tục cống hiến

- Thứ Năm, 27/01/2022, 06:30 - Chia sẻ
Nâng cao tuổi thọ trung bình của người dân và cải thiện chất lượng cuộc sống là mục tiêu quan trọng của mỗi quốc gia trong quá trình phát triển. Ở Việt Nam, việc chăm sóc, phụng dưỡng người cao tuổi luôn được coi là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị…Tuy nhiên, việc thích ứng với già hóa dân số không dừng lại ở công tác chăm sóc sức khỏe mà còn cần tạo môi trường để người cao tuổi tiếp tục cống hiến cho xã hội, xây dựng và phát triển đất nước.

Quan tâm nhiều hơn sinh kế của người cao tuổi

Đến nay, cả nước hiện có hơn 11,47 triệu người cao tuổi, chiếm 12% dân số. Con số này cho thấy nước ta chính thức bước vào quá trình già hóa dân số. Già hóa dân số là biểu hiện của thành tựu phát triển kinh tế - xã hội nhưng với một nước đang phát triển, thế hệ người cao tuổi hiện nay trải qua nhiều năm chiến tranh và nghèo khó nên già hóa dân số cũng đặt ra nhiều vấn đề như an sinh xã hội, thu nhập, chăm sóc sức khỏe…

Số đông người cao tuổi mong muốn có việc làm để bảo đảm thu nhập và tránh lệ thuộc vào con cháu

Tại Việt Nam, có khoảng 1/3 số người cao tuổi tham gia vào thị trường lao động, trong đó, có gần 400.000 người cao tuổi làm kinh tế giỏi. Ngoài hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp với người cao tuổi ở nông thôn, nhiều người cao tuổi ở khu vực thành thị tiếp tục làm việc trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, an ninh, quốc phòng, khoa học và công nghệ. Dự báo trong 10 năm nữa, người cao tuổi ở nước ta sẽ chiếm 17% dân số, đến năm 2038 là 20% và đến năm 2050 tỷ lệ này là 25%. Số liệu này cho thấy, việc tạo sinh kế cho người cao tuổi đang là một vấn đề rất cần được quan tâm.

Chia sẻ về sinh kế cho người cao tuổi, Phó Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và nghề công tác xã hội Việt Nam Nguyễn Hải Hữu cho biết, không phải tất cả người cao tuổi đều cần chính sách hỗ trợ về sinh kế, nhất là những người làm chủ doanh nghiệp, có nguồn thu nhập cao, ổn định. Đối với nhóm người cao tuổi còn khả năng tham gia hoạt động kinh tế, cần có thu nhập để bảo đảm cuộc sống và thực hiện quyền sống độc lập thì việc hỗ trợ sinh kế rất quan trọng. Vì vậy, chính sách hỗ trợ sinh kế là tiền đề giúp người cao tuổi tự bảo đảm thu nhập, giảm thiểu mức độ phụ thuộc vào sự giúp đỡ của con cháu.

Đồng tình với quan điểm trên, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam Nguyễn Hòa Bình cho rằng, phần lớn người cao tuổi làm tại các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp khi nghỉ hưu, thu nhập giảm nhưng vẫn phải lo các khoản chi phí sinh hoạt, chăm sóc sức khỏe… nên họ vẫn có nhu cầu về việc làm để có thêm thu nhập.

Ban hành chính sách hỗ trợ “khởi nghiệp”

Ông Nguyễn Hòa Bình cũng chỉ ra rằng, trong bối cảnh Việt Nam bước vào giai đoạn già hóa dân số và tác động của đại dịch Covid-19 hiện nay, việc phát huy sinh kế và khởi nghiệp cho người cao tuổi được đặt ra như một nhiệm vụ cấp bách, bảo đảm quyền làm việc, đóng góp cho xã hội của người cao tuổi. Tạo việc làm cho người cao tuổi cũng là tận dụng được kinh nghiệm và chất xám của lực lượng lao động đặc biệt này, góp phần thúc đẩy mục tiêu an sinh xã hội của đất nước.

Thực tế, người cao tuổi thường khó tìm được công việc phù hợp với sức khỏe, kinh nghiệm của mình. Muốn có được việc làm phù hợp với bản thân, đa số người cao tuổi phải thông qua mối quan hệ xã hội. Chính vì vậy, giải quyết việc làm cho người lao động là người cao tuổi sau khi nghỉ hưu là vấn đề quan trọng cần được đưa vào quy hoạch.

Đồng tình với quan điểm đó, không ít chuyên gia cho rằng, chính sách của Nhà nước cũng cần tính đến vấn đề “khởi nghiệp” cho người lao động là người cao tuổi; phải có chính sách về sử dụng lao động là người cao tuổi phù hợp với sức khỏe, kinh nghiệm của họ; bổ sung chức năng, nhiệm vụ giới thiệu, đào tạo lại nghề phù hợp cho người cao tuổi cho các Trung tâm giới thiệu việc làm, cơ sở giáo dục nghề nghiệp. 

Còn theo Thạc sĩ Trương Thị Ly, Khoa Công tác xã hội, Trường Đại học Công đoàn, Nhà nước cần bảo đảm môi trường làm việc thuận lợi và bình đẳng cho người cao tuổi; nhất là tạo thuận lợi cho người cao tuổi tiếp cận vốn tín dụng để phục vụ kinh doanh. Đặc biệt, thực hiện lộ trình nâng tuổi nghỉ hưu bắt buộc đối với cả nam và nữ, chú trọng phát triển hệ thống chăm sóc sức khỏe để người cao tuổi có thể tiếp tục lao động, bảo đảm sinh kế và nâng cao thu nhập cho bản thân và gia đình…

Nhằm giúp người cao tuổi tìm được việc làm có thu nhập ổn định cuộc sống, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các bộ, ngành, hội người cao tuổi, đoàn thể liên quan và các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, tổ chức thực hiện tốt các quy định của Luật Người cao tuổi; tham mưu cho Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam theo quy chế làm việc tổ chức phối hợp liên ngành giải quyết những vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách; đồng thời đưa ra phương án, chương trình cung cấp thông tin về thị trường lao động, tổ chức các sàn giao dịch việc làm với những công việc phù hợp với người cao tuổi.

Cùng với đó, Cục Bảo trợ Xã hội và các đối tác có liên quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí trong việc đẩy mạnh truyền thông về phát huy vai trò của người cao tuổi; về công tác chăm sóc và thực hiện các chính sách đối với người cao tuổi trong bối cảnh già hóa dân số. Đồng thời, thực hiện tốt truyền thông, giáo dục để mọi người dân nhận thức được già hóa dân số là kết quả của phát triển kinh tế - xã hội; tuyên truyền về các chính sách, pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi; khuyến khích người cao tuổi tham gia các hoạt động kinh tế - xã hội.

Dương lê