Ban Dân tộc HĐND tỉnh Kon Tum giám sát việc chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng

Để người dân sống gần rừng có thu nhập ổn định

- Thứ Bảy, 22/01/2022, 06:29 - Chia sẻ
UBND tỉnh chỉ đạo Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh chủ trì, tham mưu xử lý dứt điểm số tiền tồn của các năm trước ở các cấp. Chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp tham mưu nhằm chỉ đạo các chủ rừng tăng diện tích rừng khoán cho người dân giai đoạn 2021 - 2025, tạo điều kiện để người dân sống gần rừng có nguồn thu nhập ổn định lâu dài, giảm nghèo nhanh và bền vững; chỉ đạo các đơn vị chủ rừng tổ chức khẩn trương chi trả dứt điểm tiền dịch vụ môi trường rừng...

Đó là kiến nghị Ban Dân tộc HĐND tỉnh Kon Tum nhấn mạnh qua giám sát việc chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh theo Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16.11.2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Ban Dân tộc HĐND tỉnh Kon Tum làm việc với Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh về việc chi trả tiền DVMTR các năm 2019, 2020 cho các hộ đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh

Rừng được quản lý, bảo vệ tốt hơn

Qua giám sát, Ban Dân tộc HĐND tỉnh nhận thấy: Việc chi trả tiền DVMTR cho các hộ, nhóm hộ, cộng đồng dân cư là đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh trong năm 2019 và năm 2020 chủ yếu qua tài khoản ngân hàng bảo đảm công khai, minh bạch, giảm được số lượng cán bộ trực tiếp tham gia chi trả, tiết kiệm thời gian và chi phí cho các bên liên quan.

Theo báo cáo, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh chi trả cho các chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn được Nhà nước giao đất, giao rừng trung bình mỗi năm thu nhập bình quân mỗi hộ gia đình hơn 6 triệu đồng/hộ/năm; cộng đồng dân cư thôn hơn 96 triệu đồng/cộng đồng/năm. Đối với các hộ gia đình, nhóm hộ, cộng đồng dân cư thôn được giao khoán bảo vệ, trung bình mỗi năm thu nhập hơn 8 triệu đồng/hộ/năm; nhóm hộ hơn 73 triệu đồng/nhóm hộ/năm, cộng đồng dân cư thôn hơn 152 triệu đồng/cộng đồng/năm. Đây là một nguồn thu tương đối lớn đối với các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn, góp phần xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Cùng với đó, kết hợp tập huấn nâng cao nhận thức cho người dân trong quản lý và nhận khoán bảo vệ rừng, sử dụng nguồn tiền DVMTR để phát triển kinh tế cho gia đình và cộng đồng dân cư. Diện tích rừng tự nhiên được bảo vệ tốt, khả năng phòng hộ đầu nguồn, bảo vệ môi trường, bảo đảm cung ứng DVMTR tốt. Việc hưởng lợi từ chính sách chi trả DVMTR đã góp phần thúc đẩy mối quan hệ giữa chính quyền, người dân địa phương với các chủ rừng về nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng, rừng được quản lý, bảo vệ tốt hơn. Tình trạng xâm hại đến tài nguyên rừng trong các lưu vực chi trả DVMTR đã được hạn chế theo từng năm, số lượng và chất lượng rừng được duy trì, ổn định và phát triển. Đến hết năm 2020, diện tích rừng trong các lưu vực được chi trả DVMTR trong năm là 383.875,99ha (chiếm khoảng 67,29% diện tích rừng toàn tỉnh, không tính diện tích cây cao su, đặc sản).

Khẩn trương chi trả dứt điểm tiền dịch vụ môi trường rừng

Giám sát thực tế tại một số địa phương, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh, Ban Dân tộc HĐND tỉnh nhận thấy: Công tác kiểm tra, giám sát việc quản lý và sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng ở cấp huyện chưa được quan tâm thường xuyên. Sự phối hợp của một số địa phương và các chủ rừng trong quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn có lúc, có nơi chưa chặt chẽ. Tính đến cuối năm 2020, ngoài số tiền đã chi trả DVMTR, tồn tại Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh (trên 66 tỷ đồng), UBND tỉnh đang đề nghị Chính phủ cho phép địa phương sử dụng để trồng rừng; một số UBND các xã, Ban quản lý rừng phòng hộ vẫn tồn tiền dịch vụ môi trường rừng các năm trước chưa xử lý dứt điểm…

Trên cơ sở nhận diện đúng thực trạng và nguyên nhân, Ban Dân tộc HĐND tỉnh Kon Tum kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách chi trả tiền DVMTR. Đồng thời, chủ trì, tham mưu UBND tỉnh xử lý dứt điểm số tiền còn tồn của các năm trước ở các cấp.

Chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định thay thế Quyết định 501/UBND ngày 22.5.2018 của UBND tỉnh về việc phê duyệt điều chỉnh phương án khoán quản lý bảo vệ rừng giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh, nhằm chỉ đạo các chủ rừng tăng diện tích rừng khoán cho người dân giai đoạn 2021 - 2025, tạo điều kiện để người dân sống gần rừng có nguồn thu nhập ổn định lâu dài, giảm nghèo nhanh và bền vững. Cùng với đó, phối hợp với các đơn vị liên quan và UBND các huyện, thành phố rà soát công tác giao đất, giao rừng hiện đang gặp nhiều vướng mắc tại các địa phương, tham mưu UBND tỉnh, đặc biệt là công tác quản lý bảo vệ rừng gắn với việc chi trả tiền DVMTR. Chỉ đạo các đơn vị chủ rừng tổ chức khẩn trương chi trả dứt điểm tiền DVMTR cho các nhóm hộ, cộng đồng dân cư và các tổ chức khác trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời, UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các đơn vị, địa phương thực hiện tốt chính sách chi trả và tăng cường giám sát việc chi trả tiền DVMTR của các chủ rừng là tổ chức nhà nước, UBND các xã, thị trấn cho các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư nhận khoán bảo vệ rừng, bảo đảm người dân được nhận tiền đầy đủ, kịp thời…

HẢI LÂM