Sổ tay:

Để người tố cáo không đơn độc

- Thứ Sáu, 09/07/2021, 07:30 - Chia sẻ
UBND TP. Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 157/KH-UBND về thực hiện chương trình công tác năm 2021; trong đó nhấn mạnh các giải pháp tăng cường công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Phát huy vai trò của Nhân dân trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, góp ý, phê bình, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, trong thời gian qua Đảng, Nhà nước đã ban hành và triển khai thực hiện một số chủ trương, quy định có liên quan đến bảo vệ người tố cáo và đạt được kết quả đáng ghi nhận.

Đơn cử tại Hà Nội, với phương châm xác định phòng, chống tham nhũng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, xuyên suốt quá trình phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô nên việc bảo vệ người tố cáo là một trong những yêu cầu đặt ra. Qua đó, người người dân đã tích cực gửi tin góp ý cũng như tố giác tội phạm hơn đến hòm thư và đường dây nóng của cơ quan chức năng. Theo thống kê của UBND TP. Hà Nội, từ ngày 1.6.2009 đến ngày 1.6.2020, từ tin tố giác tội phạm, các đơn vị chức năng của TP. Hà Nội đã phát hiện sai phạm liên quan đến tham nhũng là hơn 3.597 tỷ đồng. Tòa án nhân dân đã xét xử sơ thẩm 352 vụ/1.059 bị cáo liên quan đến tham nhũng, đã thu hồi được số tài sản thất thoát trong các vụ án tham nhũng là hơn 7.623 tỷ đồng.

Tuy nhiên, tình trạng để lộ lọt thông tin của người tố cáo; không ít trường hợp người tố cáo không được bảo vệ, bị trả thù, trù dập; các hành vi trả thù, trù dập chưa được phát hiện, xử lý nghiêm. Việc biểu dương, khen thưởng người tố cáo đúng và các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện tốt việc bảo vệ người tố cáo chưa được quan tâm... Đây là một trong những nguyên nhân khiến nhiều vụ việc không được phát hiện, xử lý kịp thời do người dân ngại tố giác tội phạm do có tâm lý "ngại va chạm", "sợ bị trù dập".

Khắc phục những vấn đề trên, trong Kế hoạch số 157/KH-UBND ban hành mới đây của UBND TP. Hà Nội về thực hiện chương trình công tác năm 2021 của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, một trong những điểm nhấn được thể hiện tại Kế hoạch này là công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Theo đó, 100% các nguồn tin về tội phạm liên quan đến tham nhũng, lãng phí, tiêu cực được tiếp nhận, xử lý, giải quyết; 100% người phát hiện, tố giác, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực được bảo vệ, không bị trả thù, trù dập.

Dẫu vậy, bình luận về vấn đề này, dư luận cho rằng: Trong đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, đối tượng bị tố cáo thường là những người có chức vụ, quyền hạn hay thế lực trong xã hội; còn người tố cáo thường yếu thế hơn. Chính điều này đã dẫn đến việc người tố cáo dễ bị trù dập, trả thù, nếu người đứng đầu cơ quan, đơn vị và cơ quan thanh tra không làm việc chấp hành đúng quy định của pháp luật.

Để người tố cáo không đơn độc trong cuộc chiến đấu chống tiêu cực, tham nhũng, bên cạnh những quy định, mệnh lệnh về bảo vệ người tố cáo như nêu trên, các cơ quan chức năng cần thực hiện kịp thời, đúng, đủ trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo. Mặt khác, xử lý nghiêm túc các trường hợp trù dập, chèn ép người tố cáo tiêu cực. Đối với những người bị tố cáo, nếu phát hiện tiêu cực thì cần phải xử lý đúng theo quy định của pháp luật; tránh bao che cho cá nhân có sai phạm. Với những người tố cáo đúng, cần có biện pháp động viên, khen thưởng kịp thời, qua đó khuyến khích cán bộ, đảng viên tích cực tham gia đấu tranh chống tiêu cực.

Hải Thanh