Để nguồn thu tăng bền vững

- Thứ Năm, 14/01/2021, 08:14 - Chia sẻ
Kết thúc năm 2020, thu ngân sách nhà nước đạt kết quả khá tích cực, không quá u ám như những tính toán hồi giữa năm. Theo số liệu của Bộ Tài chính, tổng thu cân đối ngân sách nhà nước cả năm ước đạt 1.507 nghìn tỷ đồng. Số thu này bằng 98% dự toán, tức là giảm 31,9 nghìn tỷ đồng, nhưng lại tăng gần 184 nghìn tỷ đồng so với số báo cáo Quốc hội hồi tháng 10 năm ngoái.

Đây rõ ràng là một tin vui trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thấp hơn rất nhiều so với dự kiến và việc phòng chống dịch Covid-19 cũng như trợ cấp an sinh xã hội do ảnh hưởng của dịch bệnh đang tạo áp lực lớn lên cán cân ngân sách. Việc thu ngân sách đạt xấp xỉ dự toán giúp Chính phủ có thêm dư địa để chi tiêu nhằm phục hồi kinh tế và tiếp tục triển khai những chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua cú sốc Covid-19.

Tuy nhiên khi “chụp cắt lớp” kết quả thu ngân sách thì trong thành tích này có sự đóng góp rất lớn của nguồn thu từ đất. Số liệu của Cục Quản lý công sản cho biết, năm 2020, tổng số thu từ đất đạt 209,4 nghìn tỷ đồng, vượt dự toán 72,6%. Trong đó, thu từ tiền sử dụng đất là 170,4 nghìn tỷ đồng, vượt 77% và thu từ tiền thuê đất, thuê mặt nước đạt 39 nghìn tỷ đồng, vượt 53,2%.

Khoản thu tiền sử dụng đất (trừ thu tiền sử dụng đất gắn liền với tài sản trên đất do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Trung ương quản lý) là khoản thu thuộc ngân sách địa phương, theo Luật Ngân sách nhà nước. Khoản tiền này người sử dụng đất, nhà phải nộp để có quyền sử dụng đất, sở hữu nhà. Như vậy, có thể hiểu khoản thu về nhà, đất càng tăng lên thì tài sản đất đai, nhà cửa thuộc sở hữu nhà nước có xu hướng bị chuyển giao càng nhiều cho cá nhân, hộ gia đình và tổ chức kinh tế. Thu ngân sách địa phương năm 2020 đạt 108,6%, vượt 56,8 nghìn tỷ đồng so dự toán có lẽ cũng nhờ khoản thu này!

Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong giai đoạn 2016 - 2020 đã chuyển dịch hơn 230 nghìn hecta đất cho phát triển kết cấu hạ tầng, công nghiệp, dịch vụ, đô thị và nhà ở. Nhờ đó, nguồn thu từ tài nguyên đất trong 5 năm qua đạt gần 850 nghìn tỷ đồng, chiếm trung bình 11% thu ngân sách nội địa hàng năm và vẫn tăng đều qua các năm. Nếu như năm 2015, số tiền thu từ đất là 84,8 nghìn tỷ đồng thì đến năm 2019 đã đạt trên 172 nghìn tỷ đồng.

Đất đai là nguồn lực quý hiếm của nước ta. Nguồn lực này đã giúp kinh tế Việt Nam phát triển trong nhiều năm qua, đặc biệt trong bối cảnh các khoản thu nội địa, thu từ dầu thô và thu từ xuất nhập khẩu hoặc là tăng chậm, hoặc là sụt giảm vì nhiều lý do, ví dụ cắt giảm thuế quan trong các hiệp định thương mại tự do... Nhưng cùng với đó, việc sử dụng nguồn lực đất đai cũng để lại không ít hệ lụy. Đất nước đã đi lên từ đất, nhưng người dân đã giàu lên từ đất hay chưa là một câu hỏi không quá khó để trả lời! Hơn thế, nhà và đất đai sở hữu nhà nước cũng chỉ có hạn, không thể bán mãi được!

Bước vào năm 2021 còn nhiều thách thức, ngành tài chính vẫn phấn đấu tăng thu ngân sách 3%. Quyết tâm đó rất đáng ghi nhận nhưng ngân sách sẽ bền vững hơn nếu phần vượt thu đó đừng đến từ đất! Để giảm áp lực lên tăng thu, tận thu, bán gấp và bán hết, chỉ còn một cách là phải cắt giảm và tiết kiệm triệt để chi ngân sách, tiêu đồng nào phải hiệu quả đồng đó! Trường hợp muốn dùng đất để phát triển cơ sở hạ tầng thì nhất định phải đấu giá, đấu thầu công khai cả đất đai và dự án.

Hà Lan