Để pháp luật là động lực phát triển

- Thứ Tư, 18/08/2021, 04:53 - Chia sẻ
Dự luật đầu tiên của nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV - dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) - đã được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại phiên họp sáng 17.8. Đây không chỉ là “sản phẩm” lập pháp đầu tiên của nhiệm kỳ mới mà qua đó còn cho thấy quyết tâm, hành động cụ thể của Quốc hội trong việc thực hiện lời hứa “không ngừng nâng cao chất lượng công tác lập pháp”. Vì thế, phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ một lần nữa đặt yêu cầu gắt gao về việc phải đi vào thực chất, nâng cao chất lượng chuẩn bị dự án luật, siết chặt hơn nữa kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật.

Là cơ quan lập pháp, Quốc hội có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tạo lập hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, minh bạch và thực sự là động lực kiến tạo sự phát triển của đất nước. Vì thế, lập pháp luôn là lĩnh vực ưu tiên hàng đầu trong đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội Khóa XV. Trong đó, 2 quan điểm chỉ đạo “căn cốt” đã được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhiều lần nhấn mạnh và đang quyết liệt thúc đẩy.

Một là, Quốc hội phải thực hiện vai trò dẫn dắt hoạt động lập pháp, khắc phục cho được tình trạng “đến hẹn lại lên”, cơ quan nào chuẩn bị được đến đâu thì Quốc hội xem xét đến đó, chưa chuẩn bị kịp thì lại xin lùi, xin hoãn… Để làm được điều này, từ sau Kỳ họp thứ Mười một, Quốc hội Khóa XIV đến nay, Đảng đoàn Quốc hội đã tập trung chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội phối hợp với các ban, bộ, ngành liên quan xây dựng Đề án về định hướng xây dựng pháp luật của nhiệm kỳ Khóa XV. Trên cơ sở đó sẽ dự kiến danh mục các văn bản luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần được rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới trong từng lĩnh vực; xác lập các ưu tiên lập pháp trong từng năm; xác định các giải pháp, tiến độ, nguồn lực thực hiện và phân công trách nhiệm cụ thể.

TS. Lê Thanh Vân, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, đây là hướng đi hết sức đúng đắn. Bởi Quốc hội cần xác định chiến lược lập pháp với tầm nhìn dài hạn, song hành với chiến lược phát triển đất nước được Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng xác định. Có như vậy, hoạt động lập pháp mới bảo đảm tính liên tục, toàn diện và phù hợp với tổng thể chiến lược phát triển đất nước.

Cùng với việc hoàn thiện Đề án về định hướng xây dựng pháp luật Khóa XV, ngay trong quá trình chuẩn bị từng dự án luật cụ thể cũng đã có những thay đổi sắc nét. Như ngày 13.8 vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc làm việc của lãnh đạo Quốc hội với Thường trực các Ủy ban để xem xét từng dự án Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Hai. Với 6/7 dự án Luật hiện còn chưa được Chính phủ chính thức trình sang các cơ quan của Quốc hội, cuộc làm việc này đã cho thấy sự chủ động, vào cuộc từ sớm, từ xa, kỹ lưỡng, nhiều vòng để dẫn dắt hoạt động lập pháp của Quốc hội.

Hai là, phải khắc phục 2 khuynh hướng: thứ nhất là “luật khung”, “luật ống” - dù thực tiễn đã rõ nhưng cơ quan trình không muốn quy định chi tiết ngay mà “để dành” quy định trong các văn bản hướng dẫn thi hành. Cách làm này tạo “dư địa” cho việc cài cắm lợi ích và áp dụng pháp luật tùy tiện, làm giảm tính minh bạch và hiệu lực của luật. Khuynh hướng thứ hai là, luật quy định quá chi tiết, những vấn đề chưa đủ rõ, chưa “chín” nhưng lại cứ “chốt cứng” nên khi thực tiễn thay đổi thì luật không theo kịp. Cách làm này khiến cho tính khả thi của luật bị hạn chế, “tuổi thọ” của luật bị ngắn, thậm chí có những luật vừa ban hành đã đề xuất sửa.

Mặt khác, Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu phải khắc phục cả câu chuyện “ngồi đếm dự án luật có bao nhiêu điều giao cho Chính phủ, bộ, ngành hướng dẫn”. Ông nói thẳng “không tán thành cách làm này”. Vấn đề không phải là có bao nhiêu điều khoản giao cho Chính phủ, bộ, ngành hướng dẫn chi tiết, mà là những nội dung giao hướng dẫn như vậy có đúng không? Có hợp lý không? Có thỏa đáng không? Có minh bạch không?

Đơn cử như khung pháp lý về chuyển đổi số, kinh tế số - một trong những lĩnh vực Quốc hội cần dành ưu tiên hoàn thiện trong nhiệm kỳ Khóa XV. Dưới tác động như vũ bão của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, các mô hình kinh tế mới liên tục xuất hiện, liên tục thay đổi, nếu tư duy làm luật cứ theo nếp cũ, phải ổn định, phải chi tiết thì luật sẽ nhanh chóng trở nên lạc hậu và sẽ cản trở sự phát triển. Các lĩnh vực kinh tế khác cũng tương tự. Nền kinh tế nước ta đang trong giai đoạn chuyển đổi, tức là luôn trong trạng thái “động”, vừa phát triển, vừa thích nghi, vừa điều chỉnh, nếu luật pháp cũng “đóng khung” như ở các nước đã có nền tảng phát triển ổn định cả trăm năm thì không chỉ “tự mình trói mình” mà sẽ còn đánh mất cả những cơ hội, sự năng động, linh hoạt mà một nền kinh tế đang chuyển đổi mang lại.

Hai quan điểm trên đây của Chủ tịch Quốc hội cũng là yêu cầu, kỳ vọng của cử tri và Nhân dân đối với công tác lập pháp của Quốc hội. Với quan điểm nhất quán và cách làm bài bản, quyết liệt như vừa qua, hoạt động lập pháp của Quốc hội Khóa XV chắc chắn sẽ khắc phục được những tồn tại, hạn chế cũ để pháp luật thực sự là động lực của sự phát triển.

Lam Anh