Thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 tại Quảng Nam

Đề xuất chính sách từ thực tiễn

- Thứ Tư, 23/09/2020, 05:38 - Chia sẻ
Sau 4 năm triển khai thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (Luật 2015), cùng với việc bảo đảm quy trình, thủ tục, chất lượng xây dựng và ban hành nghị quyết quy phạm pháp luật của HĐND tỉnh Quảng Nam được nâng cao, góp phần tạo nên hệ thống các quy phạm pháp luật đồng bộ, thống nhất. Nhiều chính sách được minh chứng qua thực tiễn về tính khả thi, hiệu quả.

Lập đề nghị xây dựng nghị quyết từ thực tiễn

Thực tiễn cho thấy, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng chính sách không khả thi, không đạt hiệu quả đề ra do việc đề xuất chính sách chỉ đứng dưới góc độ của cơ quan quản lý nhà nước, chưa xuất phát từ thực tiễn, giải quyết hiệu quả vấn đề thực tiễn đặt ra, lấy thực tiễn để điều chỉnh, bổ sung chính sách. Luật 2015 đã quy định rõ các chủ thể có thẩm quyền lập đề nghị xây dựng nghị quyết gồm UBND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các đại biểu HĐND tỉnh. Vận dụng linh hoạt quy định của Luật 2015 về lập đề nghị xây dựng nghị quyết, thông qua đại biểu HĐND tỉnh, nhiều kiến nghị của cử tri trở thành kênh thông tin quan trọng trong việc lập đề nghị xây dựng nghị quyết, là cơ sở đối chiếu, đánh giá kết quả thực hiện chính sách, pháp luật trên địa bàn tỉnh.

Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Quảng Nam khảo sát thực tế các dự án đầu tư.
Ảnh: Nhật Hòa

Trên thực tế, có văn bản Trung ương quy định hầu hết các định mức, chỉ có vài nội dung giao HĐND tỉnh quy định chi tiết nên mặc dù dự thảo nghị quyết trình kỳ họp rất ngắn và nội dung đơn giản nhưng phải thực hiện theo quy trình ban hành nghị quyết QPPL khá phức tạp, tốn kém thời gian. Đối với trường hợp này cần xem xét điều chỉnh quy trình thủ tục xây dựng, ban hành nghị quyết theo hướng đơn giản hơn.

Nhìn lại các chính sách do HĐND tỉnh Quảng Nam ban hành thời gian qua, đã có khá nhiều chính sách được ban hành từ kiến nghị cử tri như: Các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển các loại cây dược liệu; chính sách hỗ trợ nâng cao mức sống cho người nghèo thuộc đối tượng người có công cách mạng và bảo trợ xã hội… Và cũng từ kiến nghị của cử tri, HĐND tỉnh đã kịp thời điều chỉnh, bổ sung nhiều nghị quyết, bảo đảm nội dung chính sách phù hợp với thực tiễn.

Đa dạng hóa hình thức lấy ý kiến, đánh giá tác động

Trong chuỗi quy trình, thủ tục xây dựng và ban hành chính sách theo Luật 2015, đánh giá tác động, lấy ý kiến đối tượng bị tác động bởi chính sách là quy định mang tính bắt buộc nhằm bảo đảm chính sách được ban hành phù hợp thực tiễn, có tính khả thi cao; giúp một đề xuất chính sách hướng tới giải quyết có hiệu quả vấn đề đã đặt ra. Trường hợp không thực hiện quy trình đánh giá tác động sẽ không dự lường hết các vấn đề có thể xảy ra, hoặc chỉ dự báo dưới góc độ chủ quan của chủ thể xây dựng và ban hành chính sách.

Tham gia thẩm tra, phản biện nội dung chính sách trình HĐND, các Ban của HĐND tỉnh Quảng Nam đã có nhiều cách làm khá hiệu quả thực hiện tốt khâu đánh giá tác động như: Thăm dò ý kiến đối tượng chịu tác động qua phiếu khảo sát, tham vấn về dự kiến chính sách, lấy ý kiến chính quyền cơ sở và người dân về dự thảo nghị quyết qua việc tổ chức các hội nghị tham vấn, hội nghị lấy ý kiến.

Qua các kênh thông tin khác nhau, Ban của HĐND tỉnh sẽ có nhiều dữ kiện để xây dựng báo cáo thẩm tra và nội dung thẩm tra sẽ thể hiện rõ quan điểm, đề xuất các phương án khác nhau làm cơ sở để đại biểu HĐND tỉnh thảo luận và quyết định tại kỳ họp. Việc đa dạng hóa hình thức lấy ý kiến, đánh giá tác động đã giúp HĐND có đủ cơ sở lựa chọn được phương án và nội dung chính sách tối ưu, hiệu quả nhất.

Phát huy hiệu quả vai trò phản biện xã hội

Hoạt động phản biện xã hội đối với các dự thảo nghị quyết được xem là một hình thức góp ý, lấy ý kiến nội dung khá sinh động, giúp nội dung các quyết sách do HĐND tỉnh ban hành sát hợp với thực tiễn, bảo đảm tính khả thi cao. Theo đó, sau khi Thường trực HĐND và UBND tỉnh thống nhất các nội dung trình tại các kỳ họp HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh đề nghị MTTQ chọn nội dung tổ chức phản biện xã hội; đồng thời, thường xuyên đôn đốc, theo dõi công tác chuẩn bị của cơ quan chuyên môn để kịp thời có ý kiến đề nghị UBND, cơ quan chuyên môn gửi nội dung phục vụ công tác phản biện xã hội.

Tại các hội nghị phản biện, Thường trực HĐND cử đại diện lãnh đạo HĐND, Ban HĐND tham dự lắng nghe kết quả phản biện để hoàn chỉnh dự thảo nghị quyết trong các bước thẩm tra, thảo luận góp ý nghị quyết. Từ ý kiến phản biện xã hội, các cơ quan chuyên môn, cơ quan thẩm tra có thêm nhiều thông tin đa chiều về thực trạng vấn đề cần ban hành chính sách, thực tiễn sống động từ những nhận định, đánh giá phân tích, số liệu cụ thể của các đại biểu tham gia phản biện để tiếp thu, chỉnh sửa các đề án, dự thảo nghị quyết hoặc đề nghị đưa ra khỏi chương trình kỳ họp nhằm bảo đảm chất lượng các quyết sách trình HĐND.

Người đứng đầu chịu trách nhiệm chất lượng dự thảo

Kết quả là vậy, tuy nhiên trước yêu cầu nâng cao chất lượng và tuân thủ chặt chẽ quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật còn nhiều vấn đề cần tiếp tục đổi mới, cải tiến. Thường trực HĐND và UBND tỉnh cần tích cực phối hợp trong quyết định, chỉ đạo hoàn chỉnh nội dung trình tại các kỳ họp. Trường hợp dự thảo nghị quyết QPPL không bảo đảm chất lượng, chậm tiến độ, không bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật, người đứng đầu cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm định, cơ quan trình phải chịu trách nhiệm về việc không hoàn thành nhiệm vụ; tùy theo mức độ mà xử lý theo quy định về cán bộ, công chức và quy định khác của pháp luật liên quan.

 Bên cạnh đó, vai trò cá nhân của mỗi đại biểu trong thảo luận và quyết định tại kỳ họp rất quan trọng, bảo đảm nội dung nghị quyết quy tụ được trí tuệ tập thể, chuyển tải đầy đủ các vấn đề qua góc nhìn của mỗi đại biểu dân cử. Do vậy, cùng với việc kịp thời cung cấp hồ sơ, tài liệu, mỗi đại biểu cần nghiên cứu, tham gia có trách nhiệm hơn; đồng thời cần xem xét tổ chức để các Tổ đại biểu tham gia ý kiến về nội dung trước mỗi kỳ họp; chương trình kỳ họp cần bố trí thời gian để đại biểu HĐND tỉnh thảo luận theo từng nhóm vấn đề, nghiên cứu đề án, báo cáo làm cơ sở tham gia góp ý các dự thảo nghị quyết.

THANH HIỀN