Đề xuất không khả thi!

- Thứ Bảy, 26/06/2021, 06:01 - Chia sẻ
Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) vừa có văn bản gửi Thủ tướng, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành kiến nghị một số giải pháp để hạ dần lãi suất tiền gửi VNĐ về mức 0%/năm.

Lý do để VAFI đưa ra kiến nghị này là bởi mức lãi suất này đã được nhiều nền kinh tế phát triển áp dụng, có nước còn duy trì lãi suất âm - thu phí tiền gửi. Và rằng chính sách này nhằm bảo đảm lãi suất cho vay cực thấp, chỉ từ 2 - 5%, qua đó kích thích hệ thống doanh nghiệp và thị trường chứng khoán phát triển, bảo đảm an sinh xã hội cho người thu nhập thấp.

Theo VAFI, tiền gửi bằng VNĐ trong ngắn hạn và trung hạn của nước ta vẫn đang ở mức 3,5 - 6,2% dẫn đến lãi suất cho vay cũng cao gây bất lợi cho cộng đồng doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng thuộc đối tượng thu nhập thấp và trung bình. Lãi suất  "neo" cao, theo VAFI có nguyên nhân cơ bản là nước ta chưa có hệ thống giải pháp để hướng dòng tiền tiết kiệm và dòng tiền nhàn rỗi vào các kênh đầu tư có lợi cho nền kinh tế thay vì thị trường bất động sản hay ngoại tệ...

VAFI nhấn mạnh, có nhiều tiền đề khách quan, vững chắc để hạ nhanh lãi suất tiền gửi về 0%, trong đó giải pháp tiên quyết là Bộ Tài chính khẩn trương xây dựng Luật Thuế tài sản theo hướng hạn chế mạnh dòng tiền đầu cơ chảy vào thị trường bất động sản. Đồng thời kiểm soát để không tăng giá đất, áp dụng thu thuế tài sản lũy tiến từ căn nhà thứ hai trở đi với phương châm ban đầu có thể ở mức thấp đủ để ngăn ngừa dòng tiền đầu cơ, sau đó tăng dần như thông lệ các nước.

Bên cạnh đó, hướng mạnh dòng tiền nhàn rỗi chảy mạnh vào thị trường trái phiếu với lãi suất huy động thấp, ở mức dưới 2 %/năm. Như vậy hệ thống ngân hàng sẽ huy động được nguồn vốn rất lớn với kỳ hạn dài để làm cơ sở cho vay trung và dài hạn với lãi suất cho vay dưới mức 5%/năm. Khi lãi suất tiền gửi đã giảm mạnh, để phòng trường hợp dòng tiền nhàn rỗi đầu cơ ngoại tệ, Ngân hàng Nhà nước cần ban hành chính sách thu phí tiền gửi ngoại tệ ở mức nhất định nhằm bảo đảm chính sách tỉ giá ổn định và không làm mất cân đối kinh tế vĩ mô...

Dù VAFI cho rằng có nhiều tiền đề khách quan, vững chắc để thực hiện đưa lãi suất tiền gửi VNĐ về mức 0%, tuy nhiên, nhiều ý kiến lại khẳng định việc này là không phù hợp và bất khả thi với nền kinh tế nước ta. Lý do là bởi lạm phát mục tiêu của nước ta năm 2021 là dưới 4% nhưng lãi suất huy động nhiều kỳ hạn tại một số ngân hàng đã thấp hơn mức lạm phát mục tiêu nên khó có khả năng giảm thêm. Cụ thể, theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, hiện mặt bằng lãi suất huy động và cho vay tiếp tục giảm khoảng 0,3%/năm so với tháng 12.2020, trong đó, lãi suất huy động nhiều kỳ hạn tại một số ngân hàng đã thấp hơn cả mức lạm phát mục tiêu. Mặt khác, mặt bằng lãi suất cho vay tại nước ta hiện đang ở mức khá thấp so với khu vực và lãi vay cũng không còn là rào cản lớn với doanh nghiệp.

Ý kiến khác thì cho rằng, VAFI so sánh lãi suất danh nghĩa quốc tế là khập khiễng bởi lẽ mức độ rủi ro của nước ta cao hơn so với đa số các nước trong khu vực, trong mẫu so sánh. Và giả sử lãi suất tiền gửi VNĐ là 0% trong khi lạm phát vẫn ở mức khoảng 3,5% thì liệu người dân có mặn mà gửi tiền vào ngân hàng hay không vì có nhiều kênh đầu tư hấp dẫn hơn. Điều này sẽ dẫn đến hệ lụy là hệ thống ngân hàng vừa thiếu tiền gửi, vừa chịu rủi ro thanh khoản, vừa không có đủ vốn để đáp ứng nhu cầu tín dụng của nền kinh tế...

Thực tế, khi lãi suất tiền gửi quá thấp, người dân, doanh nghiệp sẽ đầu tư vào các lĩnh vực khác. Hơn nữa, không có ngân hàng thương mại nào lại áp dụng mức lãi suất 0% mà mức này chỉ có ở góc độ của các ngân hàng trung ương, trong những giai đoạn suy thoái, lạm phát âm. Đặc biệt, không thể "can thiệp thô bạo" vào thị trường và cơ sở pháp lý để thực hiện việc này cũng chưa có.

Khánh Ninh