Tham mưu tổ chức giải trình tại phiên họp Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang

Đề xuất, lựa chọn các nội dung giải trình cụ thể

- Thứ Năm, 25/02/2021, 05:43 - Chia sẻ
Thực tiễn cho thấy, muốn có hoạt động giải trình tại các phiên họp Thường trực HĐND tỉnh bám sát yêu cầu thực tiễn, bảo đảm hiệu quả, việc chuẩn bị các vấn đề và nội dung giải trình hết sức quan trọng. Khi đã lựa chọn được vấn đề giải trình, tùy từng lĩnh vực, Văn phòng HĐND tỉnh Bắc Giang tham mưu cho Thường trực HĐND tỉnh giao các Ban HĐND nghiên cứu, thu thập thông tin, tổ chức khảo sát... Từ đó, đề xuất các nội dung giải trình cụ thể, lựa chọn các ngành, cá nhân liên quan đến nội dung cần giải trình.

Duy trì hoạt động giải trình 

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang đã nghiêm túc thực hiện các quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, trong đó có việc duy trì hoạt động giải trình tại phiên họp Thường trực HĐND. Các nội dung được đưa ra giải trình gồm: Công tác thi hành án dân sự liên quan đến tín dụng ngân hàng; việc cho thuê và thuê lại nhà xưởng trong các khu, cụm công nghiệp; quản lý, sử dụng kinh phí nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ và nhân rộng các mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2013 - 2015; việc thực hiện những kiến nghị trong cấp phép khai thác đất, đá, cát, sỏi trên địa bàn; chấp hành pháp luật trong công tác đo đạc bản đồ gắn với cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2012 - 2018; việc thu, quản lý, sử dụng các khoản thu thỏa thuận, tự nguyện trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập trên địa bàn năm học 2017 - 2018…

Đại biểu phát biểu tại một phiên giải trình do Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang tổ chức
Đại biểu phát biểu tại một phiên giải trình do Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang tổ chức

Tại các phiên giải trình, Thường trực HĐND tỉnh đã kiến nghị các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các cơ quan chính quyền. Có thể nói, các phiên giải trình do Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang tổ chức đã có tác động tích cực đối với các cơ quan chính quyền trên địa bàn, tạo ra sự thay đổi nhất định trong tư duy và hoạt động quản lý hành chính nhà nước đối với lĩnh vực được pháp luật trao quyền. Trong đó, việc tham mưu cho Thường trực HĐND tỉnh thực hiện đầy đủ các nội dung theo quy định tại các phiên họp Thường trực HĐND tỉnh, nhất là hoạt động giải trình là một nhiệm vụ mới, thường xuyên với khối lượng lớn và khó khăn.

Nghiên cứu, thu thập thông tin, tổ chức khảo sát

Thực tiễn cho thấy, muốn có hoạt động giải trình tại các phiên họp Thường trực HĐND tỉnh bám sát yêu cầu nhiệm vụ thực tiễn đòi hỏi và bảo đảm hiệu quả, việc chuẩn bị các vấn đề và nội dung giải trình hết sức quan trọng.

Theo đó, trên cơ sở kết quả giám sát, khảo sát của Thường trực, các Ban, Tổ đại biểu và đại biểu HĐND tỉnh và qua các kênh thông tin khác, Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang xem xét, lựa chọn các vấn đề cần yêu cầu các ngành giải trình. Đó là các vấn đề "nóng", phức tạp được đông đảo cử tri quan tâm; có nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập giữa các ngành; những nội dung còn nhiều tồn tại, hạn chế... cần nhiều ngành, nhiều cấp giải quyết. Việc giải trình giúp cho các đại biểu, các cơ quan hành chính nhà nước nhìn nhận, đánh giá đầy đủ, khách quan, chính xác những bất cập, nguyên nhân của những hạn chế, bất cập trong quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, chấp hành pháp luật ở địa phương. Qua đó, thống nhất trao đổi, đưa ra các biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hạn chế tồn tại trong quá trình thực thi pháp luật của nhà nước, nghị quyết của HĐND.

Khi đã lựa chọn được vấn đề giải trình, tùy từng lĩnh vực, Văn phòng HĐND tỉnh sẽ tham mưu cho Thường trực HĐND tỉnh giao cho các Ban nghiên cứu, thu thập thông tin, tổ chức khảo sát... Từ đó, đề xuất các nội dung giải trình cụ thể, lựa chọn các ngành, cá nhân liên quan đến nội dung cần giải trình. Các vấn đề này được Thường trực HĐND tỉnh xem xét, cho ý kiến tại các phiên họp giao ban tuần. Sau khi thống nhất, Thường trực HĐND tỉnh có văn bản gửi các cơ quan, đơn vị yêu cầu báo cáo về các vấn đề giải trình, gửi về Thường trực HĐND tỉnh trước phiên họp từ 5 - 7 ngày. Sau khi nhận được báo cáo, Thường trực HĐND tỉnh giao cho các Ban, Văn phòng HĐND tỉnh nghiên cứu, xem xét và nêu những vấn đề chưa rõ, chưa thống nhất cần tiếp tục trao đổi hoặc làm rõ tại phiên họp. Các vấn đề cần tiếp tục trao đổi tại phiên họp được gửi đến các thành viên Thường trực, thành viên của các Ban (được mời dự) để nghiên cứu, tham khảo, trên cơ sở đó chủ động trao đổi, đề nghị lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo các ngành phải giải trình tại phiên họp.

Căn cứ nội dung và báo cáo giải trình, các vấn đề cần tiếp tục trao đổi hoặc cần trao đổi tại phiên họp, Văn phòng HĐND tỉnh tham mưu cho Thường trực HĐND tỉnh xây dựng chương trình cụ thể cho từng nội dung giải trình. Các phiên giải trình thường được tiến hành theo trình tự: Chủ tọa nêu nội dung yêu cầu giải trình, người có trách nhiệm giải trình; Trưởng Ban được giao chuẩn bị nội dung giải trình trình bày tình hình thực tế qua giám sát, khảo sát hoặc qua các kênh thông tin khác và các yêu cầu giải trình; thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan báo cáo giải trình những vấn đề được yêu cầu; thành viên Thường trực, đại biểu HĐND tỉnh (thường là các thành viên các Ban có lĩnh vực giải trình) tham dự nêu các câu hỏi yêu cầu làm rõ hoặc nêu những vấn đề còn khác nhau giữa báo cáo giải trình và thực tế; người giải trình tiếp tục giải trình vấn đề được nêu ra; đại diện UBND tỉnh phát biểu làm rõ thêm; Chủ tọa phiên họp tóm tắt nội dung và kết luận vấn đề được giải trình.

TRẦN LY