Đền thờ Vua Hùng giữa Tây đô

- Thứ Tư, 21/04/2021, 08:25 - Chia sẻ
Lễ Giỗ tổ Hùng Vương năm nay, người dân Cần Thơ và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã có thể thỏa niềm mong ước đến dâng hương các Vua Hùng và Ðức Quốc Tổ Lạc Long Quân, Tổ Mẫu Âu Cơ ngay giữa đất Tây đô.

Càng đến gần ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, cụ bà Hoàng Thị Thơ, ngụ ở quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ càng nôn nao, bởi cụ biết, năm nay cụ sẽ được đến Đền thờ Vua Hùng tự tay thắp hương dâng cúng Quốc Tổ. Cụ tâm sự: “Gần 90 năm sống trên đời, từ ngày biết nhận thức đến nay, tôi luôn đau đáu ước ao được một lần ra Phú Thọ, thăm Đền Hùng, dâng hương hoa đến các Vua Hùng và Quốc Tổ, Quốc Mẫu, nhưng do điều kiện khó khăn, tuổi càng già sức càng yếu, tôi tưởng mình không thực hiện được tâm nguyện, nay có Đền thờ Vua Hùng ở gần nhà, tôi đến viếng một lần, có chết cũng mãn nguyện”.

Cũng như cụ Thơ, đông đảo người dân đồng bằng sông Cửu Long bày tỏ niềm vui khi được tin Đền thờ Vua Hùng được xây dựng trên đường Võ Văn Kiệt - ngay cửa ngõ Sân bay Quốc tế Cần Thơ. Công trình được khởi công xây dựng từ tháng 6.2019, có diện tích khoảng 40.000m2, với 14 hạng mục: Đền thờ chính rộng 2.300m2, quảng trường rộng 5.530m2, sân lễ hội hơn 17.000 m2, hồ điều hòa…

Thiết kế tổng thể hình bản đồ Việt Nam với trục thần đạo đi từ đường Ðặng Văn Dầy đến đền chính. Đền chính mô phỏng trống đồng cách điệu với khối vuông - tròn theo quan niệm dân gian trời tròn, đất vuông. Bao bọc đền chính là 18 cánh cung, mang ý nghĩa tượng trưng cho 18 đời Vua Hùng. Các cánh được xây dựng trên 54 khoảng bằng nhau của hình tròn, tượng trưng cho 54 dân tộc anh em nước Việt.

Đại diện lãnh đạo thành phố Cần Thơ đến Phú Thọ rước linh khí từ Đền Thờ Vua Hùng về đất Tây đô

Hồ điều hòa là hình ảnh phần Biển Đông thuộc chủ quyền Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, kết hợp cây dừa nước, tre và hệ thống cây xanh theo kiến trúc đậm chất miền đồng bằng sông nước. Các chi tiết hoa văn thời Hùng Vương được điêu khắc trên phần cánh và thân của công trình, thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.

Với người dân TP Cần Thơ nói riêng và Tây Nam bộ nói chung, Đền thờ Vua Hùng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, vì đây là một trong những nơi tri ân, tưởng nhớ đến các bậc tiền nhân dựng nước và giữ nước. Qua đó, giáo dục truyền thống tự nghìn đời, tiếp tục giữ gìn, tiếp bước ông cha trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Đào Anh Dũng chia sẻ: "Từ bao đời nay, tâm thức của người dân cả nước luôn thành kính tri ân và tưởng nhớ công đức của các Vua Hùng đã có công dựng nước, giữ nước và lập nên nhà nước Văn Lang - nhà nước đầu tiên của dân tộc Việt Nam. Chính vì vậy TP Cần Thơ rất vinh dự, tự hào khi được Chính phủ và bộ, ngành trung ương chọn là nơi làm đại diện cho các tỉnh, thành phía Nam xây dựng Đền thờ các vua Hùng”.

Phải đến dịp lễ 2.9 sắp tới công trình mới khánh thành, nhưng tại thời điểm hiện nay, đến thăm Đền thờ Vua Hùng, khách đã có thể chiêm ngưỡng các họa tiết hoa văn trống đồng Ngọc Lũ trên các vách tường bên trong không gian trưng bày chính, mái dốc hồ nước, hoa văn trên cột trụ, vách gian thờ... Chính điện các gian thờ trên tầng 2 được khắc họa hoa văn, phù điêu dựa theo các điển tích, truyền thuyết và tư liệu lịch sử để lại.

Ngày 7.4, đại diện lãnh đạo TP Cần Thơ đã có mặt tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng tỉnh Phú Thọ để rước linh khí về Đền thờ Vua Hùng TP Cần Thơ. Linh khí gồm 18 lít nước, 18kg đất và 18 chân nhang, cùng với các vật phẩm thờ do tỉnh Phú Thọ cung tiến là trống đồng Ðền Hùng, chiêng, trống da, bộ bát bửu. Lễ an vị bát nhang, bài vị đã diễn ra vào sáng 12.4 để đưa công trình Đền thờ Vua Hùng vào sử dụng đúng dịp Giỗ Tổ Hùng Vương mồng 10 tháng 3 âm lịch, bảo đảm về nghi thức tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng, thể hiện sự thành kính theo nghi lễ truyền thống của dân tộc

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cần Thơ Nguyễn Khánh Tùng cho biết, tuy Đền thờ Vua Hùng chưa hoàn thiện nhưng trước sự mong chờ của người dân, TP Cần Thơ cũng sẽ tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương tại đây. Lễ giỗ sẽ được tổ chức trang trọng, thiết thực, tiết kiệm, hiệu quả, cổ vũ các tầng lớp nhân dân hướng về cội nguồn dân tộc, chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, phồn vinh, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Tuy nhiên, trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các hoạt động sẽ diễn ra với quy mô nhỏ, gồm lễ phẩm dâng hương là sản vật đặc trưng đến từ 9 quận, huyện của thành phố; thời gian mở cửa để người dân vào thắp hương tưởng niệm các Vua Hùng chỉ thực hiện trong buổi sáng ngày 10.3 âm lịch.

Bài và ảnh: Vũ Châu