Hoạt động giám sát chuyên đề của Ban Dân tộc HĐND tỉnh Quảng Trị

Đến từng địa phương, về tận bản làng

- Thứ Hai, 19/04/2021, 06:23 - Chia sẻ
Với phương châm hướng về cơ sở, gần dân, sát dân, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số, hoạt động giám sát chuyên đề của Ban Dân tộc HĐND tỉnh Quảng Trị trong nhiệm kỳ 2016 - 2021 đã từng bước được đổi mới: Đến từng địa phương, về tận các bản làng, trực tiếp tiếp nhận, nắm bắt thông tin đối với việc thụ hưởng chính sách; xây dựng các phóng sự truyền hình chuyên đề phát trên Đài truyền hình tỉnh và tại các kỳ họp… góp phần quan trọng thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc trên địa bàn.

Kịp thời phát hiện, kiến nghị xác đáng

Không dừng lại ở những con số: 11 đợt giám sát, khảo sát chuyên đề, làm việc trực tiếp với 65 cơ quan, đơn vị, địa phương, chất lượng hoạt động giám sát chuyên đề của Ban Dân tộc HĐND tỉnh Quảng Trị còn thể hiện ở nội dung giám sát được thực hiện đồng bộ trên các lĩnh vực liên quan đến việc thực hiện chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước do Trung ương ban hành nhằm hỗ trợ cho vùng miền núi và hỗ trợ trực tiếp cho đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, an sinh xã hội và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Các nội dung Ban lựa chọn giám sát được đa số cử tri người đồng bào dân tộc thiểu số rất quan tâm như: Chính sách hỗ trợ di dân thực hiện định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số; chính sách bảo vệ, phát triển rừng gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số; bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa vật thể, phi vật thể và các nghệ nhân đồng bào dân tộc thiểu số…

Ban Dân tộc HĐND tỉnh Quảng Trị khảo sát việc thực hiện chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã người dân tộc thiểu số trên địa bàn - ảnh Mai Linh
Ban Dân tộc HĐND tỉnh Quảng Trị khảo sát việc thực hiện chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã người dân tộc thiểu số trên địa bàn
Ảnh: Mai Linh

Bên cạnh giám sát qua văn bản, Ban đã đến từng địa phương, nghe UBND các huyện, xã, các cơ quan đơn vị liên quan báo cáo tình hình triển khai, thực hiện chính sách và về tận các bản làng, trực tiếp tiếp nhận, nắm bắt thông tin đối với việc thụ hưởng những chính sách; đồng thời, lắng nghe bà con phản ánh tâm tư nguyện vọng và trao đổi những đề xuất, giải pháp để địa phương thực hiện tốt các chính sách dân tộc. Vì vậy, qua giám sát Ban đã kịp thời phát hiện những vấn đề còn vướng mắc, bất cập, những khó khăn, hạn chế trong việc thực hiện các chính sách. Ban đã đề xuất các kiến nghị xác đáng, đáp ứng được mong mỏi của cử tri miền núi và bà con vùng dân tộc thiểu số. Hầu hết kiến nghị giám sát đều được đơn vị chịu sự giám sát và các cấp chính quyền địa phương liên quan nghiêm chỉnh tiếp thu, giải quyết, khắc phục hạn chế để thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Cung cấp cứ liệu thực tế sống động bằng hình ảnh

Ngoài chú trọng nội dung, phương thức giám sát, Ban còn phát huy tác dụng của công tác thông tin tuyên truyền. Theo đó, tất cả các buổi làm việc phục vụ cho hoạt động giám sát của Ban đều mời các cơ quan báo chí đưa tin, tuyên truyền và được đăng tải trên cổng thông tin điện tử của HĐND tỉnh. Nhằm cung cấp cứ liệu thực tế sống động bằng hình ảnh phục vụ cho giám sát, để những kiến nghị đề xuất của Ban có tính thuyết phục cao, Ban còn tổ chức xây dựng các phóng sự truyền hình chuyên đề phát trên Đài truyền hình Quảng Trị và phát tại các kỳ họp như: Phóng sự phòng học tạm, phòng học mượn, phòng học xuống cấp và nhà ở công vụ cho giáo viên miền núi; phóng sự xây dựng mạng lưới giao thông vùng đặc biệt khó khăn.

Những phóng sự này đã thu hút được sự quan tâm của rất nhiều cử tri và đại biểu, đồng thời cũng là động lực để những chính sách mới của tỉnh được sớm ban hành nhằm đáp ứng được mong mỏi của cử tri khu vực miền núi và đồng bào dân tộc thiểu số như: Nghị quyết số 34/2018/NQ-HĐND ngày 8.12.2018 về việc thông qua Đề án xóa phòng học tạm, phòng học mượn giai đoạn 2018 - 2025 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.

Đưa kiến nghị giám sát vào nội dung chất vấn

Một nhiệm kỳ nỗ lực, gần dân đã để lại nhiều kinh nghiệm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát chuyên đề về chính sách dân tộc. Theo đó, trước hết phải nghiên cứu kỹ các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, của tỉnh liên quan đến chính sách dân tộc; các báo cáo giám sát để phát hiện những hạn chế, bất cập, vướng mắc về chính sách dân tộc; thu thập nguồn thông tin từ nhiều kênh khác nhau để không lệ thuộc vào báo cáo giám sát. Lựa chọn nội dung giám sát phải có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với tình hình thực tế địa phương, ưu tiên những vấn đề nổi cộm, bức xúc thông qua phản ánh của dư luận, thông tin, báo chí, TXCT, tiếp công dân.

Ngoài báo cáo kết quả giám sát, cần ban hành riêng các văn bản gửi tới các cơ quan, đơn vị liên quan, các địa phương kiến nghị, yêu cầu giải quyết những vấn đề sau giám sát mà đoàn đã nêu trong báo cáo kết quả giám sát. Việc làm này nhằm kịp thời giúp các cơ quan thực hiện chính sách dân tộc chấn chỉnh những thiếu sót, hạn chế cũng như giải quyết được nhiều vướng mắc, khó khăn, bất cập. Cùng với đó, hằng năm cần xây dựng kế hoạch thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các cơ quan giám sát thực hiện các kiến nghị, yêu cầu của đoàn giám sát; đồng thời tái giám sát việc thực hiện các kiến nghị, yêu cầu của đoàn giám sát liên quan đến chính sách dân tộc.

Bên cạnh đó, cần chủ động phối hợp với các Ban của HĐND tỉnh, các ban Đảng của Tỉnh ủy và các tổ chức chính trị - xã hội trong hoạt động giám sát nhằm tận dụng kết quả giám sát của nhau, đồng thời tránh sự chồng chéo về nội dung, đối tượng, thời gian, địa bàn giám sát. Để tăng hiệu quả công tác giám sát chuyên đề, tại các kỳ họp nên đưa các nội dung kiến nghị giám sát vào nội dung chất vấn; tuyên truyền kết quả giám sát lên các phương tiện thông tin đại chúng để đồng bào theo dõi, giám sát.

HOÀNG MAI