Sổ tay:

"Đeo khẩu trang" cho biển số!

- Thứ Bảy, 15/01/2022, 05:47 - Chia sẻ
Mặc dù thường xuyên bố trí các tổ tuần tra, xây dựng những chuyên đề riêng về xử lý phương tiện che biển kiểm soát, nhất là tại khu vực nội đô, song do ý thức của một bộ phận người dân chưa tốt dẫn đến việc còn có các phương tiện tham gia giao thông không gắn biển số hoặc biển số bị che lấp, che mờ gây khó khăn cho cơ quan chức năng khi truy tìm, điều tra, giải quyết các vụ tai nạn giao thông hoặc xử phạt nguội vẫn tiếp diễn...

Ngoài mục tiêu giúp các cơ quan quản lý, kiểm soát phương tiện dễ dàng hơn, biển số xe còn giúp cơ quan chức năng dễ dàng truy tìm và xử phạt các phương tiện vi phạm. Tuy vậy trong thời gian qua, các phương tiện thông tin đại chúng đăng tải nhiều hình ảnh “xấu xí” của một bộ phận người tham gia giao thông như: “Đeo khẩu trang” cho biển số, dùng băng dính đen che bớt một phần hoặc làm thay đổi chữ số trên biển.

Đơn cử tại Hà Nội, trên tuyến đường Giải Phóng (đoạn trước cổng Bệnh viện Bạch Mai), luôn là điểm “nóng” về trật tự an toàn giao thông vì tình trạng xe taxi đỗ dừng, đón trả khách, gây lộn xộn. Sau khi khu vực trên được lắp biển báo cấm các phương tiện đỗ dừng, đồng thời có camera giám sát phạt nguội, không ít tài xế taxi đã tìm cách đối phó. Các hình thức đối phó, lách luật khá đa dạng từ việc dùng kẹp che đi một phần biển số của mình... đến dùng một sợi dây cước gắn với cần gạt nước kính sau của xe, khi thấy cảnh sát giao thông lái xe sẽ bật cần gạt nước giật tấm bài che biển số xe; thậm chí có hiện tượng tài xế taxi tự cạo lớp phản quang trên biển kiểm soát để không bị camera phát hiện vào ban đêm nếu vi phạm.

Lực lượng chức năng cho biết, mục đích của hầu hết trường hợp che biển là để đối phó với camera ghi hình phạt nguội, tránh để camera phát hiện, hoặc có phát hiện cũng khó xác định được chủ phương tiện vi phạm. Điều này gây không ít khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc kiểm soát và xử lý các phương tiện vi phạm.

Mới đây, Nghị định 123/2021/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải; giao thông đường bộ, đường sắt; hàng không dân dụng được Chính phủ ban hành, có hiệu lực từ ngày 1.1.2022 đã quy định người điều khiển xe ô tô (bao gồm cả rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo theo) và các loại xe tương tự xe ô tô sẽ bị phạt tiền từ 4 - 6 triệu đồng khi: Điều khiển xe không gắn đủ biển số hoặc gắn biển số không đúng vị trí; gắn biển số không rõ chữ, số; gắn biển số bị bẻ cong, bị che lấp, bị hỏng; sơn, dán thêm làm thay đổi chữ, số hoặc thay đổi màu sắc của chữ, số, nền biển (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc). Người điều khiển xe máy không có biển số, biển không rõ chữ số; che biển, dán thêm làm thay đổi chữ hoặc màu sắc của chữ số được đề xuất mức phạt từ 1 - 2 triệu đồng.

Như vậy, so với Nghị định 100/2019/NĐ-CP, mức xử phạt đối với hành vi che biển số, làm mờ biển số khi tham gia giao thông đã tăng lên gấp 6 lần. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, mức xử phạt này sẽ có sức răn đe. Tuy vậy, để tạo chuyển biến cho người dân trong việc tuân thủ nghiêm quy định, luật lệ an toàn giao thông, việc xử phạt thật nặng là điều cần thiết, song vẫn cần chú trọng giáo dục ý thức pháp luật cho người dân. Bởi, chỉ khi người dân ý thức tốt, tuân thủ quy định pháp luật, luật lệ về an toàn giao thông tốt thì sẽ dần dần giảm đi các hành vi gian lận, đối phó.

Bảo Hân