Dệt may giữ đà tăng trưởng khá bất chấp Covid-19

- Thứ Năm, 30/09/2021, 19:46 - Chia sẻ
Mặc dù chịu tác động nặng nề của dịch Covid-19 song ngành dệt may vẫn giữ đà tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm 2020 và gần bằng kim ngạch xuất khẩu năm 2019. Đây là thông tin vừa được Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) công bố chiều 30.9.
9 tháng qua, ngành dệt may xuất siêu 11 tỷ USD. Nguồn TTXVN
9 tháng qua, ngành dệt may xuất siêu 11 tỷ USD.
Nguồn TTXVN

Xuất siêu 11 tỷ USD trong 9 tháng

Theo VITAS, mặc dù chịu tác động nặng nề của dịch Covid-19, đặc biệt từ đầu quý III.2021 đến nay khi dịch bệnh phức tạp và kéo dài tại TP. Hồ Chí Minh cũng như các tỉnh phía Nam khiến nhiều nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, ngừng sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng song ngành dệt may vẫn giữ được mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ 2020 và gần bằng kim ngạch xuất khẩu cùng kỳ năm 2019.

Cụ thể, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của cả nước 9 tháng qua ước đạt 29 tỷ USD, tăng 13,2% so với cùng kỳ 2020, giảm nhẹ 0,04% so với cùng kỳ 2019. Trong đó, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực là hàng may mặc đạt 21,7 tỷ USD tăng 5% so với cùng kỳ năm 2020; xuất khẩu vải đạt 1,8 tỷ USD tăng 37,4%; xuất khẩu xơ sợi đạt 4 tỷ USD tăng 56,2%.

Ở chiều ngược lại, tổng kim ngạch nhập khẩu nguyên, phụ liệu 9 tháng đầu năm 2021 ước đạt 18 tỷ US, tăng 27,9% so với cùng kỳ năm 2020 và tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2019. Như vậy, kim ngạch xuất siêu trong 9 tháng của ngành đạt 11 tỷ USD.

Dù vậy, VITAS tỏ ra thận trọng khi đánh giá triển vọng của ngành trong những tháng cuối năm, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn phức tạp tại nhiều địa phương, đặc biệt ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. “Đây sẽ là thời gian cực kỳ khó khăn”, đại diện VITAS nhìn nhận.

Theo đó, ở kịch bản tích cực nhất là Việt Nam khống chế được dịch bệnh và thực hiện “bình thường mới” từ đầu tháng 10.2021, khả năng kim ngạch xuất khẩu sẽ đạt khoảng 37,5 – 38 tỷ USD. Kịch bản trung bình nếu tình hình dịch bệnh còn phức tạp, còn có một số địa phương, khu công nghiệp bị phong tỏa, cách ly trong tháng 11.2021, xuất khẩu đạt khoảng 36 – 36,5 tỷ USD. Ở kịch bản kém tích cực nhất là dịch bệnh còn phức tạp đến đầu tháng 12.2021, xuất khẩu chỉ đạt 33,5 – 34 tỷ USD.

Hiện, nguồn cung lao động là một trong hai thách thức lớn nhất với doanh nghiệp dệt may. Nguồn ITN
Hiện, nguồn cung lao động là một trong hai thách thức lớn nhất với doanh nghiệp dệt may
Nguồn ITN

Thách thức lớn từ nguồn cung lao động

Trên thực tế, từ khi dịch bệnh bùng phát đến nay, ngành dệt may đã chịu nhiều tác động tiêu cực đến chuỗi cung ứng. Đầu năm 2020, khi dịch bệnh khởi phát tại Trung Quốc đã làm gián đoạn nguồn cung nguyên, phụ liệu bởi đây là thị trường nhập khẩu chiếm tới 60% của ngành dệt may Việt Nam. Tiếp đó, chuỗi cung ứng bị gián đoạn do nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường dệt may lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… sụt giảm nghiêm trọng, khi dịch bùng phát khó kiểm soát tại các thị trường này.

Trong nước, tình hình dịch bệnh kéo dài khiến nhiều doanh nghiệp phía Nam (chiếm trên 50% năng lực sản xuất của ngành) phải ngừng sản xuất hoặc chỉ bố trí sản xuất một phần theo phương án “3 tại chỗ”, “một cung đường – hai điểm đến”… nên không thể giao hàng đúng hạn, dẫn đến nguy cơ khách hàng hủy đơn hàng, làm đứt gãy chuỗi cung ứng.

Bên cạnh đó, ngành dệt may đang đứng trước thách thức rất lớn về nguồn cung lao động. Trong làn sóng dịch bùng phát lần thứ 4, phần lớn doanh nghiệp phải đóng cửa hoặc giảm tối thiểu 60 - 70 % lao động do không đáp ứng được yêu cầu của “3 tại chỗ”, “một cung đường - hai địa điểm” hay “4 xanh"; một bộ phận không nhỏ người lao động bỏ về quê sẽ khiến doanh nghiệp thiếu lao động khi mở cửa trở lại. Ước tính sẽ có khoảng gần 1 triệu lao động dệt may bị ảnh hưởng do phải nghỉ việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, nghỉ không lương, tạm hoãn hợp đồng lao động, giảm thu nhập.

Trong bối cảnh đó, khi mở cửa trở lại, một mặt các doanh nghiệp dệt may cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong việc thực hiện mục tiêu kép và chủ trương “sống chung an toàn với dịch để phục hồi kinh tế” của Chính phủ, mặt khác cũng cần các chính sách hỗ trợ.

Cụ thể, về đề xuất hỗ trợ cấp bách trước mắt, Nhà nước tập trung hỗ trợ doanh nghiệp cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về dòng tiền để tránh rơi vào tình trạng đứt thanh khoản. Chẳng hạn, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nghiên cứu đề xuất dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất như quy định tại Nghị quyết 68/NQ-CP trong 01 năm từ khi nộp hồ sơ thay vì chỉ trong 6 tháng; đối với các doanh nghiệp nằm trong địa phương áp dụng chỉ thị 16/CT-TTg được giảm 50% số tiền phải nộp. Cắt giảm các chi phí tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp như dừng thu phí cảng biển đến 31.12.2021 tại Hải Phòng và hoãn áp dụng thu phí cảng biển cho đến 30.6.2022 tại TP. Hồ Chí Minh…

Về lâu dài, Chính phủ xem xét cần sớm ban hành “Chiến lược phát triển ngành công nghiệp dệt may Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến 2035”; sớm ban hành Luật sửa đổi, bổ sung Luật Công đoàn 2012 cho phù hợp thực tế và tương thích với những quy định liên quan của Bộ Luật Lao động 2019, giảm mức đóng kinh phí công đoàn từ 2% về tối đa 1%...

Đan Thanh