Xem - Nghe - Đọc

Đi, mà không đến

- Chủ Nhật, 28/02/2021, 09:31 - Chia sẻ
Làm sao cậu có thể khiến tình yêu đi theo ý mình? Làm sao có thể bắt tất cả mọi thứ đi theo ý mình? Không làm sao cả. Vì đơn giản là cuộc đời thì không bao giờ đi theo ý mình.

Đôi khi tôi thích xem một bộ phim nhỏ của một đạo diễn lớn, một bộ phim đủ nhỏ và đủ chậm rãi để tôi có thể vừa xem phim, vừa thưởng thức việc mình đang được xem một bộ phim.

Chẳng hạn như "Dust in the wind" của Hầu Hiếu Hiền, bộ phim cuối cùng trong chùm ba tác phẩm coming-of-age (về tuổi mới lớn) của ông, bên cạnh A summer at grandpa’s và The time to live and The time to die.

Hầu Hiếu Hiền rất giống Ozu, nhất là ở niềm yêu thích những chuyến tàu hỏa, xình xịch vụt qua vụt lại trong phim liên tục. Nếu có khác thì khác ở chỗ đoàn tàu của Ozu chỉ nằm sát bên cuộc sống của các nhân vật, còn đoàn tàu của Hầu Hiếu Hiền là một hoạt cảnh sống của nhân vật, đưa người này đến, đưa người kia đi. 

Có những cảnh phim khiến cho người ta thẩm thấu rõ vô cùng vẻ đẹp kỳ diệu của điện ảnh, một vẻ đẹp mà chỉ điện ảnh có thể đem lại, thì cảnh đầu tiên của "Dust in the wind" là một cảnh như thế. Một cảnh rất bình thường thôi, một đoàn tàu xuyên qua bóng tối, ánh sáng cuối hầm cứ ngày một lớn lên, và rồi ngàn xanh hiện ra, rồi một đường hầm khác và lại là bóng tối. Có thể thước phim chẳng ngụ ý cho bất cứ điều gì, cũng không tượng trưng hay ẩn dụ cho bất cứ điều gì cả, nhưng nó mang lại một cảm giác vòng vèo, chòng chành, ánh sáng và bóng tối thay phiên nhau, như thể trong thước phim ấy đã thấp thoáng một điều gì đó gần như là cuộc đời, mà trong bối cảnh phim thì là dự cảm về những khúc quanh trong tuổi trưởng thành của Wan và Huen, hai nhân vật chính.

Nguồn: ITN

Wan và Huen đại khái là một đôi thanh mai trúc mã. Wan bỏ học, lên Đài Bắc kiếm việc làm, cậu rủ Huen theo cùng và giúp cô tìm một công việc ở xưởng may. Chuyện chỉ quanh quẩn có thế, tiền bạc, kiếm việc, nghỉ việc, bạn bè tụ bạ trên thành phố, hai đứa yêu nhau, dỗi nhau, làm lành, lại dỗi nhau... Đến một ngày Wan bị gọi đi nghĩa vụ quân sự. Hai tháng không nhận được thư từ người yêu, một ngày, cậu nghe tin cô đã cưới anh bưu tá. Sau khi biết tin người yêu đi lấy chồng thì Wan khóc lóc một lần rồi thôi, thay cho những cảnh đau khổ thất tình mịt mùng là cảnh một buổi bình minh (hay chạng vạng) miền thôn quê Đài Loan rất đẹp. 

 Đoạn này khiến tôi nhớ lại lần xem "A summer at grandpa’s" gần đây, cũng của Hầu Hiếu Hiền. Phim này thì khác, về một cậu bé con đi nghỉ hè ở nhà ông, và có một phân cảnh cậu bé thành phố mang đồ chơi hiện đại về quê, tụi trẻ con nông thôn mới gạ đổi lấy rùa, mỗi tội có quá nhiều rùa mà chỉ có một cái máy bay duy nhất, thế là chúng nó mới tổ chức cuộc thi xem con rùa nào chạy nhanh nhất, cán vạch đích trước tiên, thì chủ con rùa sẽ được lấy máy bay. 

Mấy thằng nhóc cứ cố ép con rùa của mình bò theo đường thẳng, còn bọn rùa thì mặc xác, chúng nó bò xiên xẹo, bò ngang bò chéo, và nói chung thì, làm sao có thể bắt bọn rùa đi theo ý mình? Dù vẻ ngoài khác nhau nhưng thực ra câu chuyện tình trong "Dust in the wind" cũng thế thôi, làm sao Wan có thể bắt Huen đi theo ý mình? Làm sao cậu có thể khiến tình yêu đi theo ý mình? Làm sao có thể bắt tất cả mọi thứ đi theo ý mình? Không làm sao cả. Vì đơn giản là cuộc đời thì không bao giờ đi theo ý mình.

Nhưng không sao, trong một tập truyện của nữ sĩ Nguyễn Thị Hoàng của văn chương miền Nam trước 1975 vừa ra mắt, có một đoạn thoại khiến tôi tâm đắc:

“- Nhung đi rồi, chắc mình sẽ không bao giờ qua con đường đó nữa.

- Thì anh qua con đường khác, gặp người khác, mọi thứ rồi sẽ đổi thay đi hết.”

Phim "Dust in the wind" cũng kết thúc theo kiểu đó, tự nhiên chẳng hiểu sao Wan lại đi nói chuyện với ông cậu, và tự nhiên chẳng hiểu sao ông cậu lại nói về chuyện trồng khoai tây hay nhân sâm gì đó..., rồi tự nhiên hết phim. Mọi thứ rồi sẽ đổi thay đi hết.

Hiền Trang