Đi tìm tiếng nói chung

- Thứ Sáu, 14/05/2021, 08:05 - Chia sẻ
Ngoại trưởng Mỹ và Nga vừa đạt được nhất trí sẽ tiến hành cuộc gặp gỡ và đối thoại trực tiếp đầu tiên vào ngày 20.5 ở Iceland, bên lề hội nghị cấp bộ trưởng của Hội đồng Bắc cực - diễn đàn liên chính phủ 8 nước có lãnh thổ ở khu vực Bắc Cực - dự kiến tổ chức tại thành phố Reykjavik cùng ngày. Đây cũng là cuộc hội đàm trực tiếp cấp cao nhất giữa Washington và Moscow kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức.

Rào cản cần vượt qua

Phía Nga kỳ vọng, đây là cơ hội “để xem xét các vấn đề chính trong quan hệ song phương và chương trình nghị sự quốc tế”. Sự kiện này sẽ giúp ích cho quá trình chuẩn bị tổ chức hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Hiện cả Moscow lẫn Washington vẫn chưa chốt được lịch gặp giữa hai tổng thống, nhưng nhiều nhà phân tích cho rằng nó có thể sẽ diễn ra khi ông chủ Nhà Trắng công du châu Âu vào tháng sau để tham gia cuộc họp thượng đỉnh của nhóm G7 và NATO… Trước đó, Tổng thống Mỹ Biden đã đề xuất gặp thượng đỉnh với Tổng thống Nga Putin trong cuộc điện đàm với nhà lãnh đạo Nga hồi tháng 4.

Căng thẳng giữa hai cường quốc hạt nhân hàng đầu thế giới đã leo thang trong nhiều tháng qua khi Mỹ áp đặt hàng loạt lệnh trừng phạt Nga với cáo buộc nước này can thiệp bầu cử Mỹ, có liên hệ với các nhóm tin tặc tấn công mạng nhắm vào Mỹ, cũng như tranh cãi dai dẳng quanh việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea…

Cụ thể, hồi tháng 3, Mỹ trừng phạt 7 thành viên Chính phủ Nga với cáo buộc đầu độc, sau đó bắt giữ nhà lãnh đạo đối lập Alexei Navalny. Các biện pháp trừng phạt là lần đầu tiên nhắm vào Moscow dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Biden. Chính quyền của cựu Tổng thống Trump không có hành động chống lại Nga về tình hình ông Navalny. Vào tháng 4, Washington giáng cho Nga một vòng trừng phạt khác với lý do vi phạm nhân quyền, liên quan đến các cuộc tấn công mạng và cố gắng gây ảnh hưởng đến các cuộc bầu cử của Mỹ. Ngoài ra, chính quyền Washington cũng trục xuất 10 quan chức khỏi phái bộ ngoại giao của Nga tại nước này. Gần đây nhất, hôm đầu tuần, FBI kết luận nhóm tin tặc DarkSide phải chịu trách nhiệm cho cuộc tấn công mạng vào công ty Colonial Pipeline, khiến đường ống dẫn nhiên liệu lớn của nước này không hoạt động được từ tuần trước. Trong khi Tổng thống Biden nói các quan chức Nga dường như không đứng sau vụ tấn công, nhưng DarkSide có vẻ có nguồn gốc từ Nga nên ông cho rằng Nga có thể “có một số trách nhiệm”. Vụ Colonial Pipeline đang được coi là một trong những vụ tấn công mạng nghiêm trọng nhất trong lịch sử vào các cơ sở hạ tầng quan trọng của Mỹ. Bởi đường ống vận chuyển gần một nửa nguồn cung cấp nhiên liệu của bờ biển phía Đông và chắc chắn sẽ khiến giá nhiên liệu tăng nếu tình trạng ngừng hoạt động kéo dài.

Moscow trước đó đã phủ nhận mọi hành vi sai trái và bác bỏ mọi cáo buộc của Mỹ. Chính quyền xứ Bạch dương mô tả các động thái mới nhất của Nhà Trắng là đòn giáng mạnh vào quan hệ song phương và tuyên bố sẽ áp đặt biện pháp trả đũa nhanh chóng, bao gồm việc trục xuất nhân viên ngoại giao Mỹ. Mới đây nhất, theo tờ Kommersant, Nga yêu cầu người phát ngôn Đại sứ quán Mỹ tại Moscow, bà Rebecca Ross cùng 9 nhân viên ngoại giao Mỹ phải rời khỏi Nga trước ngày 21.5. Phản ứng với động thái trên, Mỹ ngừng hầu hết hoạt động lãnh sự ở đại sứ quán từ ngày 12.5, chỉ cấp mới visa “trong trường hợp sinh tử”. Đại sứ quán Mỹ ở Moscow là phái bộ ngoại giao Mỹ duy nhất còn hoạt động ở Nga, sau khi các phái bộ ở Yekaterinburg và Vladivostok bị rút về nước. Có thể thấy, căng thẳng ngoại giao giữa Nga và các nước phương Tây khó sớm hạ nhiệt.

Trước đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã công kích cách tiếp cận về chủ nghĩa đa phương của Mỹ và châu Âu, cho rằng những cách tiếp cận đó có thể dẫn tới nguy cơ gây bất hòa mới trên trường quốc tế. Phát biểu tại cuộc họp trực tuyến của Hội đồng Bảo an LHQ do Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị chủ trì ngày 7.5, ông Lavrov cho rằng việc phát triển chủ nghĩa đa phương nên dựa trên cơ sở chia sẻ trách nhiệm nhưng gần đây lại có những “ý đồ thiết lập trật tự quốc tế để áp đặt lên mọi người những luật mới được soạn thảo trong các tổ chức và nhóm có tính loại trừ một số bên”.

Tổng thổng Nga Putin có cuộc gặp với ông Biden khi đó là Phó Tổng thống Mỹ ngày 10.3.2011

Nguồn: Reuters 

Vấn đề trên bàn nghị sự

Bộ Ngoại giao Nga mới đây cho biết, trong cuộc gặp trực tiếp sắp tới, Ngoại trưởng Nga và Mỹ sẽ xem xét “các vấn đề chính trong mối quan hệ song phương và tình hình quốc tế”, cũng như “trao đổi quan điểm về các cách tiếp cận với vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, khôi phục Hiệp định chung toàn diện - JCPOA (thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015) và rà soát các nhiệm vụ về ổn định chiến lược”… Thực tế, kiểm soát vũ khí hạt nhân luôn là mối quan ngại chung của cả Nga lẫn Mỹ. Tuy nhiên, việc gia hạn hiệp ước New START, giới hạn số vũ khí hạt nhân chiến lược của Mỹ và Nga, từng bị cản trở dưới thời Tổng thống Donald Trump. Đến đầu tháng 2, sau khi ông Biden nhậm chức, Washington và Moscow mới đạt được thỏa thuận gia hạn New START 5 năm, chỉ vài ngày trước khi hiệp ước hết hiệu lực.

Không chỉ bàn luận chủ đề liên quan đến hạt nhân, Ngoại trưởng Blinken trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga Sergey Lavrov vào thứ Tư vừa qua còn kêu gọi Moscow trả tự do cho các cựu lính thủy đánh bộ Mỹ Paul Whelan và Trevor Reed, những người đang thụ án lần lượt 16 năm và 9 năm tù. Ông Paul Whelan bị Nga bắt giam vì tội gián điệp, trong khi Trevor Reed bị phạt tù vì tội hành hung cảnh sát.

“Ngoại trưởng Blinken nhắc lại quyết tâm của Tổng thống Biden trong việc bảo vệ công dân Mỹ và hành động kiên quyết để bảo vệ lợi ích của Mỹ trước những hành động của Nga gây tổn hại cho chúng ta hoặc các đồng minh của chúng ta”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ned Price viết trong một tuyên bố.

Linh Anh