Hải Dương

Đi xa hơn nhờ ứng dụng công nghệ số vào nông nghiệp

- Thứ Bảy, 20/11/2021, 06:26 - Chia sẻ
Chú trọng xây dựng thương hiệu; liên kết chuỗi cung ứng nông sản và xanh số nông nghiệp đã giúp Hải Dương - vựa nông sản miền Bắc, nâng cao được khả năng cạnh tranh trên thị trường, góp phần giải quyết đầu ra cho nông sản trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Quả nhãn của TP. Chí Linh đạt tiêu chuẩn quốc tế xuất khẩu đi Mỹ, EU, Australia...

Liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ

Theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hải Dương, xây dựng thương hiệu và tăng cường liên kết là giải pháp cốt lõi để thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng. Hải Dương có nhiều tiềm năng mời gọi và giữ chân doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Bên cạnh sự chủ động của các cấp, ngành thì chủ thể sản xuất cũng cần tích cực hợp tác để tạo ra chuỗi cung ứng nông sản bền chặt.

Chia sẻ về thương hiệu gạo của huyện, Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Thanh Miện cho hay, Bắc thơm số 7 là giống lúa chủ lực của địa phương, chiếm 60% diện tích gieo cấy. Năm 2019, loại gạo này chính thức được bảo hộ đã mở ra cơ hội mới cho nông sản đặc trưng của địa phương. Khi có nhãn hiệu, người dân chủ động tiêu thụ thóc gạo. Nhờ vậy, nông dân không còn phải thấp thỏm về đầu ra sản phẩm như trước. Huyện đã quy hoạch vùng sản xuất tập trung với quy mô hơn 30ha/vùng, bảo đảm chất lượng đồng bộ giúp sản phẩm tiêu thụ thuận lợi.

Còn với TP Chí Linh, sản xuất cây ăn quả là một trong những lợi thế; trong đó, có một số loại quả đặc trưng như nhãn, vải, na, thanh long ruột đỏ, cam… Nhãn Chí Linh hiện đã được cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Hiện nay, thành phố có 740ha nhãn với sản lượng ước đạt 4.000 tấn. Diện tích nhãn chủ yếu tập trung ở các xã, phường như Hoàng Hoa Thám, Hoàng Tiến, Lê Lợi, Hoàng Tân và Bắc An. Năm 2021, Chí Linh có 4 mã số vùng trồng nhãn xuất khẩu các thị trường như EU, Singapore, Mỹ, Australia, New Zealand… với 52ha, sản lượng ước đạt khoảng 250 tấn. Nhờ tuân thủ hướng dẫn của cơ quan chuyên môn về quy trình chăm sóc theo tiêu chuẩn quốc tế, không ít hộ dân trồng nhãn tại Chí Linh đã có vườn nhãn đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, được doanh nghiệp đánh giá cao.

Là một doanh nghiệp thu mua, sơ chế nhãn để xuất khẩu sang châu Âu, đại diện Công ty CP Nông nghiệp hữu cơ Fusa cho biết, dịch Covid-19 đã tác động lớn đến lưu thông, xuất khẩu nhãn và các mặt hàng nông sản sang các nước trên thế giới. Tuy vậy, khắc phục khó khăn, doanh nghiệp này đã có một số chuyến nhãn xuất khẩu sang các nước Anh, Pháp, Hà Lan… Trong những năm tiếp theo, đơn vị này cũng cam kết sẽ liên kết với bà con nông dân từ đầu vụ.

Nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Xuân Thăng nhận định, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực tới mọi mặt đời sống, song ở khía cạnh nào đó, khó khăn do dịch bệnh lại là chất xúc tác để phá vỡ rào cản đã kìm hãm việc ứng dụng công nghệ số vào nông nghiệp bấy lâu nay. Trong đợt dịch lần 3, lần lượt những nông sản thế mạnh của Hải Dương như trứng gà, cải bắp, su hào, ổi… lên sàn thương mại điện tử. 

Đặc biệt, vụ vải thiều năm nay, Hải Dương được mùa lớn, với sản lượng khoảng 55.000 tấn nhưng lại thu hoạch đúng vào thời điểm dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp ở các địa phương lân cận và một số địa phương khác trong cả nước, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới khả năng tiêu thụ vải. Cùng với việc hướng dẫn các hộ sản xuất vải theo tiêu chuẩn quốc tế theo quy trình GlobalGAP và VietGAP, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất từ khâu trồng, chăm sóc và bảo quản; Hải Dương tích cực ứng dụng chuyển đổi số vào sản xuất và tiêu thụ quả vải như cấp mã số vùng trồng cho 52 vùng vải phục vụ xuất khẩu; tất cả sản phẩm vải bán ra thị trường cả trong và ngoài nước đều được dán tem QR code truy xuất nguồn gốc.

Nhờ những nỗ lực đó, đặc sản vải thiều với chất lượng thơm ngon khác biệt đã có mặt trên các sàn thương mại điện tử nổi tiếng như Lazada, Tiki, Shopee, Sendo, Alibaba, Voso và được tiêu thụ rất tốt. Ngoài thị trường truyền thống là Trung Quốc, còn xuất khẩu khoảng 2.000 tấn đi các thị trường mới, như Thái Lan, Nhật Bản, Mỹ, Úc, EU, Singapore... Giá trị kinh tế của quả vải đem lại là 1.478 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần so với năm 2020.

Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng cho hay, những kết quả tích cực trong phát triển nông nghiệp đã khẳng định Hải Dương đang đi đúng hướng về phát triển kinh tế nông nghiệp. Đó là nâng cao giá trị, chất lượng của sản phẩm, phát triển sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn và ứng dụng chuyển đổi số từ chăm sóc đến tiêu thụ. Điều đó thể hiện quyết tâm chính trị rất lớn của cấp ủy, chính quyền, doanh nghiệp và người dân trong thực hiện chủ trương, định hướng phát triển kinh tế theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.

Dương Cầm