Địa phương chậm giải ngân sẽ không bố trí vốn

- Thứ Sáu, 30/10/2020, 09:00 - Chia sẻ
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình thực hiện, giải ngân các chương trình, dự án ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài sáng 29.10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo: Địa phương nào không làm được thì báo cáo Thủ tướng điều chuyển vốn, cắt vốn, thậm chí năm 2021, 2022 không bố trí vốn nữa.

Chế tài mạnh nếu chậm giải ngân

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, vốn ODA và vốn vay nước ngoài là nguồn lực quan trọng để phát triển đất nước, không thể không coi trọng. Tuy vậy, nguồn vốn này giải ngân rất chậm. Chỉ còn 2 tháng nữa là hết năm, trong khi vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước giải ngân đạt 60% - cao nhất từ trước đến nay, thì ODA chỉ đạt chưa đến 30%.

Thủ tướng yêu cầu các địa phương, bộ, ngành phải trả lời được câu hỏi vì sao Chính phủ, Thủ tướng đã liên tục đôn đốc, nhưng các bộ, ngành, địa phương giải ngân vốn ODA vẫn chậm. Bên cạnh đó, có tình trạng công tác chuẩn bị dự án của các địa phương, các ngành sử dụng vốn ODA còn sơ sài, đơn giản, lấy lệ. Trong công tác chỉ đạo chưa quan tâm đến giải ngân. Yêu cầu các cơ quan, địa phương nêu cả những vướng mắc từ phía các nhà tài trợ, nhưng Thủ tướng nhấn mạnh, nguyên nhân nội tại là chính. Do đó, phải giải quyết được các điểm nghẽn này để không chỉ thúc đẩy giải ngân trong năm nay mà cả các năm tiếp theo.

Đề cập tới các giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất, các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương xử lý dứt điểm vướng mắc của các dự án lớn, tập trung đẩy mạnh giải ngân các dự án có tiềm năng giải ngân, các dự án đã hoàn tất các thủ tục đầu tư và công tác đấu thầu, triển khai ngay việc ký kết các hợp đồng đối với các gói thầu đã có ý kiến “không phản đối” của nhà tài trợ. Đặc biệt, Chính phủ ban hành các chính sách đặc thù cho phép các chuyên gia, tư vấn nhập cảnh với các điều kiện như áp dụng với các chuyên gia nhập cảnh ngắn hạn, có cơ chế tạo thuận lợi cho việc nhập khẩu vật tư, trang thiết bị của các dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài để giảm thiểu tác động của đại dịch Covid-19 đối với việc triển khai các chương trình, dự án…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình thực hiện, giải ngân các chương trình, dự ánODA, vốn vay ưu đãi nước ngoàisáng 29.10

Ảnh: Quang Hiếu 

“Không đá bóng” từ tỉnh lên Trung ương

Kết luận hội nghị, Thủ tướng nhắc lại vấn đề các địa phương trong cả nước tiếp tục đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Thời gian còn lại của năm chỉ có 2 tháng, nhưng khối lượng giải ngân ODA còn rất lớn, gần  41.000 tỷ đồng. "Ở Hải Phòng, vướng mắc trong việc giải phóng mặt bằng có nơi đến 1/10 dân số nhưng vẫn làm rất kịp thời trong khi thành phố đông đúc dân cư như vậy. TP Hồ Chí Minh, tuyến metro trước đây cũng bế tắc nhưng vừa qua đã tập trung tốt và một số tuyến ở Bến Thành - Suối Tiên đã chạy thử vào cuối năm nay. Hà Nội cũng vậy. Những thành phố đông dân giải phóng mặt bằng mới khó, còn ở nông thôn, huyện, tỉnh nói không giải phóng mặt bằng được là vô lý", Thủ tướng nói. "Đơn giá đất đai chúng ta phải phù hợp chứ không áp dụng máy móc. HĐND họp hàng tháng để đưa ra một bản giải phóng mặt bằng điều chỉnh dự án. Ở Ninh Bình, một tháng HĐND họp một lần quyết định giá cả, đầu tư. Còn để lại 6 - 7 tháng không đề cập, Bí thư, Thường vụ không đi kiểm tra, đôn đốc, phê bình, nhắc nhở... thì làm sao chuyển biến được!".

Cho rằng công tác phối hợp giải ngân vốn vay nước ngoài giữa các địa phương, bộ, ngành còn yếu, Thủ tướng yêu cầu sớm khắc phục vấn đề này. Các bộ, ngành phải tiếp tục hoàn chỉnh khung pháp lý, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính phối hợp để làm rõ lộ trình, cách làm ODA thuận lợi, bài bản hơn, thống nhất hơn, từ đó lập kế hoạch ODA trung hạn 5 năm.

Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương phải coi giải ngân đầu tư công là nhiệm vụ chính trị, trọng tâm của năm để nâng cao tinh thần thái độ làm việc của đội ngũ cán bộ. Đặc biệt là cán bộ ở vị trí thực thi chính sách chấm dứt tình trạng trì trệ, sợ trách nhiệm, tâm lý nhiệm kỳ, quan liêu, nhũng nhiễu. Cùng với đó, phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm tiến độ thực hiện từng dự án để lãnh đạo các cấp, trực tiếp đôn đốc kịp thời tháo gỡ khó khăn. "Phải nói lại một lần nữa rằng chúng ta cương quyết thay đổi cán bộ không biết làm việc, không có trách nhiệm, không tích cực; hoặc là những cán bộ tiêu cực không vì nhiệm vụ mà vì lợi ích nhóm trong đầu tư ODA hoặc là quyền lực tập trung”.

Để giải quyết được các điểm nghẽn trong giải ngân vốn ODA không chỉ trong năm nay mà cả các năm tiếp theo, Thủ tướng chỉ đạo: Thứ nhất, thẩm quyền của người nào, của cơ quan nào, ban quản lý nào thì phải tự giải quyết theo pháp luật, không thể “đá quả bóng” từ địa phương lên Trung ương. Thứ hai là phải quyết chí trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phấn đấu hai tháng cuối năm nâng tỷ lệ giải ngân lên bao nhiêu phần trăm. Địa phương nào không làm được, phải báo cáo Thủ tướng để điều chuyển vốn, cắt vốn, thậm chí năm 2021 - 2022 không bố trí vốn. "Phải có chế tài mạnh mẽ, chứ không thể nhận vốn về không làm, cuối cùng trách nhiệm thuộc về Chính phủ, cơ quan chức năng".

Cùng với đó là hoàn thiện các văn bản pháp lý nhằm đơn giản thủ tục phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư. Hàng tháng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp trình Thủ tướng xem xét, điều chuyển nội bộ vốn ODA giữa các dự án trong bộ, ngành, địa phương, đặc biệt các hiệp định vay sắp kết thúc năm 2020 - 2021, đừng để mất vốn. Cần chấm dứt tình trạng ghi danh mục mà không có dự án.

Thủ tướng cũng yêu cầu sửa đổi Nghị định 56 nhằm đơn giản hóa quy trình, thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án, gia hạn thời gian thực hiện dự án và một số bất cập khác. Người đứng đầu các cấp phải quan tâm hơn nữa trong chỉ đạo, không thể chấp nhận có tình trạng có vốn, có tiền mà không tiêu được, không phát triển được, cứ cam chịu nghèo, khó khăn, đó là nghịch lý của sự yếu kém về quản lý phải kiên quyết thay đổi.

Thành Nam